Hiệu quả từ chương trình methadone

Thứ hai - 13/05/2019 03:18
Kết quả từ các nghiên cứu do Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố thực hiện thời gian qua đều ghi nhận hiệu quả của chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone trong việc giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy ở nhóm bệnh nhân tham gia điều trị.
Hiệu quả từ chương trình methadone

Kết quả từ các nghiên cứu do Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố thực hiện thời gian qua đều ghi nhận hiệu quả của chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone trong việc giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy ở nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Kết quả này tương đồng với kết quả triển khai của thế giới và củng cố thêm đánh giá methadone là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.

 

PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết: Methadone là chất đồng vận với chất dạng thuốc phiện. Sau khi vào cơ thể, methadone chiếm chỗ các thụ cảm thể, do đó tranh chấp vị trí gắn kết thụ cảm thể với heroin và khóa các tác dụng của heroin.

 

Nhiều nghiên cứu cho thấy: Sau 24 tháng tham gia điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, tỉ lệ bệnh nhân sử dụng heroin chỉ còn 15,8%. Trước điều trị, hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng heroin rất cao, 93,6% số bệnh nhân sử dụng từ 3-5 lần/ngày.

 

Tuy nhiên sau 24 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên; tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng. Điều trị methadone giúp giảm cả tần suất tự báo cáo sử dụng ma túy (trong số bệnh nhân có sử dụng ma túy, tần suất giảm từ 3,4 lần/ngày xuống còn 0,7 lần/ngày) và giảm cả tỉ lệ dương tính ma túy trong nước tiểu (sau 3 tháng chỉ có 18,1% mẫu nước tiểu dương tính với ma túy).

 

Về y tế, chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone góp phần giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỉ lệ lây nhiễm HIV. Trước điều trị có tới trên 86,9% số bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy, sau 24 tháng giảm xuống còn 42,4% trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng ma túy. Tại Bắc Giang, tỉ lệ này giảm mạnh từ 91% xuống còn 8,9% sau 6 tháng điều trị. Tại Lai Châu, Điện Biên và Yên Bái, kết quả xét nghiệm heroin dương tính với nước tiểu giảm từ 100% khi bắt đầu tham gia điều trị xuống còn 0,6% sau 12 tháng.

 

Những thay đổi tích cực về giảm tỉ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm và tăng tỉ lệ thường xuyên sử dụng bao cao su đã góp phần quan trọng trong việc giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị như viêm gan B, C… Sau 24 tháng tham gia điều trị, chỉ phát hiện 1 trường hợp nhiễm HIV mới trong tổng số gần 1.000 bệnh nhân nghiên cứu.

 

Song song với những nỗ lực tăng hiệu quả kiểm soát đại dịch HIV/AIDS thông qua tăng tỉ lệ điều trị ARV sớm và duy trì điều trị, giảm tỉ lệ bỏ trị ARV đồng thời tăng tỉ lệ kiểm soát tải lượng vi rút, chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone giúp giảm nguy cơ lây truyền bệnh qua đường máu thông qua giảm hành vi tiêm chích không an toàn và quan hệ tình dục không an toàn. Những thay đổi tích cực này đã góp phần quan trọng trong việc dự phòng lây nhiễm HIV từ những người nghiện chích ma túy sang bạn tình của họ.

 

Sức khỏe của bệnh nhân tham gia điều trị đã được nâng lên một cách căn bản. Những nghiên cứu và báo cáo của các tỉnh, thành phố đều ghi nhận sự cải thiện rõ rệt về sức khỏe, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

 

Đa số bệnh nhân có cải thiện tốt về sức khỏe như tăng cân, ăn uống tốt hơn, không còn tình trạng mất ngủ, chuyển biến tích cực về thái độ. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đang điều trị methadone cao hơn bệnh nhân không điều trị methadone, đánh giá bằng thang đo EQ-5D-5L và thang đo VAS; khác biệt có ý nghĩa thống kê cả trước và sau khi hiệu chính yếu tố nhiễu.

 

Theo dõi dọc 370 bệnh nhân nhiễm HIV điều trị methadone cho thấy chất lượng cuộc sống của họ được cải thiện rõ rệt sau 3 tháng điều trị (từ 59,7 lên 70,0 theo thang HRQL), không thay đổi nhiều tại thời điểm 6 và 9 tháng sau điều trị. Không những thế, bệnh nhân biết quan tâm đến bản thân, gia đình và bước đầu đã giành lại được niềm tin của gia đình cũng như xã hội sau một thời gian tham gia điều trị. Đây là thành công đáng ghi nhận của chương trình.

 

Tại Phú Yên, sau hơn 2 năm triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, theo đánh giá của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, bệnh nhân tuân thủ khá tốt, sức khỏe chuyển biến tích cực; một số bệnh nhân đã tìm được việc làm. Niềm vui của những người thầy thuốc tham gia chương trình này chính là bệnh nhân của họ bỏ được heroin, ổn định cuộc sống.

 

NGỌC VIỆT

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp