Không khói thuốc, giảm nhiều bệnh lý nguy hiểm

Thứ năm - 07/03/2019 17:01
Trong khói thuốc lá có đến 7.000 hóa chất khác nhau, hàng trăm chất gây hại cho sức khỏe, có 69 chất gây ung thư.

Trong khói thuốc lá có đến 7.000 hóa chất khác nhau, hàng trăm chất gây hại cho sức khỏe, có 69 chất gây ung thư.

 

Một số chất độc có trong thuốc lá như nicotin, amoniac, hắc ín, benzen, formandehyde, là những chất được tìm thấy trong khói dầu khí, dung dịch dùng để ướp xác, tẩy rửa trong công nghiệp. Đặc biệt, nicotin là một chất gây nghiện.

 

Chỉ 10 giây sau khi hút, nicotin đã đến tác động vào hệ viền của não bộ kích thích tế bào thần kinh tiết ra các hóa chất trung gian hướng thần kinh làm cho người hút có một số biểu hiện sảng khoái, tăng sự tập trung chú ý, suy nghĩ nhanh hơn, hoạt bát hơn…, nhưng những tác dụng này nhanh chóng mất đi.

 

Người hút cần có nicotin để tìm lại những sảng khoái nêu trên và tiếp tục hút, đây chính là cơ chế gây nghiện của nicotin. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp nghiện nicotin trong nhóm bệnh lý rối loạn tâm thần thể chất có tên mã bệnh là F17 (ICD-10 và ICD-11).

 

Các chất độc có trong khói thuốc tác động đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể con người, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, ung thư gan, các bệnh lý mạch máu dẫn đến nhiều trường hợp đột quỵ do tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ung thư hệ tiêu hóa như miệng, dạ dày, trực tràng.

 

Đối với tiết niệu và sinh dục, các chất độc có trong khói thuốc gây ung thư bàng quang, thiểu năng tình dục; phụ nữ nghiện thuốc lá thường sinh con bị nhẹ cân. Ngoài các bệnh nguy hiểm, thuốc lá con làm cho hen phế quản nặng thêm, viêm phế quản mãn tính dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); làm mất men răng, răng ố vàng, hơi thở có mùi hôi…

 

Không phải ai hút thuốc lá cũng nghiện, nghiện thuốc lá tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cá thể đối với nicotin; mức độ nhạy cảm với chất này tùy thuộc vào các thụ thể nhận cảm (receptor) nicotin ở não bộ. Receptor ở mỗi cá thể khác nhau nên mức nhạy cảm với nicotin cũng khác nhau.

 

Hơn nữa, khoa học đã chứng minh nghiện nicotin có 3 loại: nghiện tâm lý, nghiện hành vi và nghiện thực thể (còn gọi là nghiện nicotin) - loại nghiện chất hướng thần nicotin đã được WHO xếp vào bệnh lý có mã bệnh là F17. Đối với nghiện thực thể, khi cai thuốc có xuất hiện một số rối loạn nhất định, nếu như người cai không vượt qua thì họ sẽ hút trở lại.

 

Các rối loạn mà người cai mắc phải gọi là hội chứng cai, vì vậy những người cai thuốc khi có các triệu chứng mất ngủ, trầm cảm hay hưng phấn, cáu gắt, bứt rứt, lo âu, giảm tập trung, ớn lạnh hoặc sốt nhẹ, thèm ăn dẫn đến tăng cân… thì cần được sự hỗ trợ tích cực của gia đình và cán bộ y tế. Nếu vượt qua 2-6 tuần đầu kể từ khi bắt đầu cai thuốc thì các triệu chứng thèm thuốc bắt đầu giảm dần, vì vậy sự hỗ trợ trong những tuần đầu hết sức quan trọng.

 

May mắn thay, phần lớn người nghiện thuốc lá là nghiện nhận thức hay nghiện hành vi. Đối với nghiện nhận thức, nghiện hành vi, chỉ cần quyết tâm của người hút cộng với môi trường không khói thuốc là đủ. Dựa trên đặc điểm này, chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá đã triển khai xây dựng môi trường không khói thuốc. Nhiều nhà hàng, khách sạn, cơ quan, trường học, công sở, các khu vui chơi giải trí đã không khói thuốc.

 

Để giảm được số người hút thuốc cũng như tăng tỉ lệ người bỏ thuốc lá đòi hỏi mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư và đặc biệt các cấp ủy Đảng, chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nghiêm hơn nữa. Trước mắt, mỗi người, mỗi gia đình không mua thuốc, không để gạt tàn thuốc, không mời nhau thuốc trong giao tiếp hàng ngày…, sẽ làm cho môi trường không khí trong lành hơn, từ đó giảm thiểu các bệnh lý nói chung, các bệnh tim mạnh, ung thư, hen phế quản nói riêng.

 

Mỗi năm bình quân ở Việt Nam có 40.000 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá, số người chết do thuốc lá nhiều gấp 3-4 lần số người chết do tai nạn giao thông. Về mặt kinh tế, theo thống kê trong năm 2017, người dân đã chi 31.000 tỉ đồng để mua thuốc hút, ngành Y tế tiêu tốn gần 27.000 tỉ đồng điều trị các bệnh lý liên quan đến thuốc lá.

 

BSCKI NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp