Phòng, chống HIV/AIDS vẫn là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài

Chủ nhật - 01/12/2019 22:48
“Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ, hiệu quả.
Phòng, chống HIV/AIDS vẫn là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài

“Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ, hiệu quả. Vì vậy, chống HIV/AIDS vẫn được xem là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài”, PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nói.

 

Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện và từ 2.000-3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội. Hơn nữa, nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, so với giai đoạn trước, dịch HIV/AIDS đã liên tục giảm mạnh trong cộng đồng trong 10 năm qua.

 

Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đặt mục tiêu khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư là 0,3%. Đến nay, những nỗ lực của lực lượng phòng, chống HIV/AIDS cả nước đã khống chế tỉ lệ nhiễm HIV ở mức 0,24%. Dù vậy, chúng ta vẫn còn xa mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030. Nếu muốn đạt được mục tiêu này thì tỉ lệ nhiễm HIV phát hiện được hàng năm phải ở mức 1.000 ca. Trong khi đó, đến nay, hàng năm cả nước vẫn phát hiện khoảng 10.000 ca nhiễm mới, cao gấp 10 lần!

 

Thực hiện mục tiêu 90-90-90, trong đó nhấn mạnh tới việc xét nghiệm phát hiện người nhiễm mới HIV, Bộ Y tế đã triển khai mở rộng và đa dạng dịch vụ xét nghiệm HIV như: xét nghiệm tại các cơ sở y tế, xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm. Sử dụng sinh phẩm mới để phát hiện sớm nhiễm HIV, recency testing, sinh phẩm xét nghiệm thế hệ 4...

 

Nhằm tăng cường huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng vào phòng, chống HIV/AIDS, các cơ quan chức năng đãvà đang nghiên cứu đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp, tổ chức hội thảo, xây dựng hợp đồng xã hội…

 

Công tác dự phòng, can thiệp giảm tác hại được triển khai rộng khắp. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tiếp tục được duy trì và liên tục đổi mới. Cả nước có gần 53.000 bệnh nhân đang điều trị bằng methadone thường xuyên, hiệu quả cao. Trong năm 2019, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine tại 7 tỉnh, thành phố. Cục Phòng, chống HIV/AIDS chuẩn bị thí điểm cấp phát thuốc methadone cho bệnh nhân mang về nhà nhằm làm giảm thời gian đi lại cho họ. Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn xử trí nghiện ma túy tổng hợp.

 

Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đãtriển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Đây được xem là biện pháp dự phòng thế hệ mới. Người sử dụng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm tuân thủ tốt phác đồ sẽ không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua đường tình dục; tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Hiện có 4.000 người sử dụng PrEP; tỉ lệ duy trì điều trị cao.

 

Công tác điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) cho người bệnh tiếp tục được mở rộng; chất lượng điều trị rất tốt. Hiện có gần 140.000 người bệnh đang điều trị bằng ARV, tỉ lệ tuân thủ sau 12 tháng đạt 88%. Tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế (<1.000 copy/ml máu) đạt 95%; dưới ngưỡng phát hiện (<200 copy/ml máu) đạt 92%. Phác đồ điều trị liên tục được cập nhật; thuốc mới được cấp phép; mở rộng điều trị trong ngày, cấp phát thuốc nhiều tháng...

 

Trong thời gian tới, các dự án quốc tế sẽ từng bước giảm dần hỗ trợ điều trị bằng thuốc kháng vi rút cho bệnh nhân nhiễm HIV. Để bảo đảm người bệnh được điều trị liên tục, không bị gián đoạn, Bộ Y tế đã chỉ đạo chuyển đổi điều trị ARV từ viện trợ sang BHYT. Nhiều hoạt động đã được triển khai đồng bộ, như truyền thông, kiện toàn hơn 400 cơ sở điều trị, đấu thầu thuốc ARV tập trung, mở rộng BHYT, hỗ trợ đồng chi trả, điều phối thuốc ARV... Trong năm 2019, có hơn 40.000 bệnh nhân nhận thuốc điều trị ARV thông qua BHYT.

 

PGS-TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh: “Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ, hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian tới phòng, chống HIV/AIDS vẫn được xem là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, người bệnh và toàn thể nhân dân. Như vậy, chúng ta mới có thể hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030”.

 

HÀ AN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp