Đội tuyển Việt Nam sẽ hội quân vào ngày 7/6, trước khi có trận giao hữu với đội tuyển Hồng Kông (Trung Quốc) vào ngày 15/6. Đây cũng là trận đấu đầu tiên của HLV Troussier trong vai trò HLV đội tuyển quốc gia. Đâu là hình ảnh của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV người Pháp?
Đa dạng hóa đội tuyển Việt Nam
Rất có thể sẽ có nhiều thay đổi về nhân sự của đội tuyển Việt Nam trong lần tập trung lần tới. Khác với người tiền nhiệm Park Hang Seo, HLV Troussier có quan điểm và cách vận hành chiến thuật riêng. Những màn trình diễn của đội tuyển U22 tại SEA Games là giá trị tham khảo rõ nét cho nhận định trên.
Dưới thời HLV người Hàn Quốc, sự ổn định nhân sự của đội tuyển Việt Nam mang lại thành công có tính tiếp nối ở giai đoạn đầu với chức vô địch AFF Cup 2018, suất đá tứ kết Asian Cup 2019 hay lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022. Tuy nhiên, sự ổn định có hai mặt. Với một khung đội hình cùng lối chơi không có nhiều đột phá, đội tuyển Việt Nam rơi dần vào sự cũ kỹ trong 2 năm cuối của nhà cầm quân người Hàn Quốc.
Khi tiếp quản các đội tuyển quốc gia Việt Nam, nhà cầm quân người Pháp hướng tới tham vọng kế thừa và nâng tầm đội tuyển. Bước đầu của tham vọng ấy là thay đổi triết lý chơi bóng. Ông đã có 12 trận cùng 2 tháng huấn luyện U22 Việt Nam để thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của lối chơi này ở cấp độ thấp hơn. Việc kiểm soát bóng, tấn công chủ động sẽ là triết lý chủ đạo mà HLV 68 tuổi gây dựng cho đội tuyển Việt Nam.
Về nhân sự, với triết lý và quan điểm mới, đồng nghĩa HLV người Pháp cần có những cầu thủ mới đáp ứng yêu cầu. HLV Troussier từng khen ngợi các cầu thủ đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park Hang Seo là những cầu thủ tốt nhất của nền bóng đá, nhưng cũng nêu rõ thông điệp: Trong số các cầu thủ ở đây, chỉ có khoảng 60% sẽ được triệu tập trở lại, 20% gồm các cầu thủ U22 và U20, còn 20% là các nhân tố mới ở V-League, hạng nhất. Đó là tỉ lệ chiến lược gia người Pháp cho là lý tưởng, khi giữ lại 60% cái cũ và thay đổi 40% cái mới.
Với những phân tích trên, sẽ không có gì ngạc nhiên khi đội tuyển Việt Nam trong lần tập trung tới đây sẽ có những biến động về nhân sự. Đó cũng là cơ hội cho những cầu thủ không có mặt trong đội hình đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo và cũng là lời cảnh tỉnh cho các cầu thủ vốn có suất cứng dưới thời HLV người Hàn Quốc, dù phong độ không cao khi thi đấu tại CLB.
Chọn cầu thủ phù hợp nhất
Việc giữ y nguyên con người cũ hay thay đổi hoàn toàn cũng đều tiềm ẩn rủi ro, do đó cần thay đổi theo cách cân bằng. Thêm nữa, HLV Troussier không giấu giếm ý định ưu tiên cầu thủ trẻ hơn cho các giải đấu quan trọng của đội tuyển Việt Nam. Mục tiêu của HLV người Pháp rất rõ ràng là tạo cơ hội để các cầu thủ U20 hoặc U22 có cơ hội thi đấu trưởng thành. Với tiêu chí như vậy, nhà cầm quân người Pháp cùng trợ lý sẽ đi các sân bóng trên cả nước để đánh giá phong độ cầu thủ. Nhìn trên khía cạnh này, nhiều tuyển thủ quốc gia đang ở trong diện phải xem xét lại khả năng triệu tập, mà Công Phượng là một trong số ấy. Việc căn cứ phong độ ở CLB cũng là thước đo công bằng nhất, cho thấy cánh cửa đội tuyển luôn mở rộng với tất cả.
Dù vậy, để trụ lại đội tuyển Việt Nam, các cầu thủ cần thích nghi với triết lý chơi bóng của ông Troussier. Đó là ưu tiên kiểm soát bóng, chuyền ngắn để triển khai lối chơi, pressing chủ động, thi đấu ở cường độ cao. Nếu đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park thi đấu rình rập, chờ đợi đối thủ mắc sai lầm để tổ chức phản công, ưu tiên giữ cự ly đội hình phòng ngự chắc chắn trước khi tính toán đến khâu ghi bàn, đội bóng của ông Troussier sẽ lấy kiểm soát làm bàn đạp cả trong phòng ngự lẫn tấn công, mở rộng đội hình hơn, dùng bóng ngắn nhiều hơn.
Những cầu thủ hiểu và phù hợp với triết lý nhất, thể hiện tính cạnh tranh cao nhất sẽ được lựa chọn. Triết lý ấy đã cùng HLV Troussier đi qua 7 đội tuyển quốc gia, đạt nhiều thành công nhưng cũng có thất bại. Thay đổi của ông Troussier sẽ mở ra thời kỳ cạnh tranh mới rất đáng chờ đợi. Không còn cầu thủ nào chắc suất, mà tất cả phải nỗ lực ở CLB lẫn đội tuyển quốc gia để được trọng dụng.
Sự thay đổi ấy sẽ được nhìn nhận rõ ràng hơn ở đợt tập trung tới đây. Dù chỉ tập trung vài ngày và đá giao hữu với đối thủ đứng dưới ở bảng xếp hạng FIFA, nhưng diện mạo đội tuyển sẽ thành hình từ những bước đi nhỏ đầu tiên này.
Trên bảng xếp hạng FIFA, Hồng Kông đang xếp hạng 147 thế giới còn đội tuyển Việt Nam đứng thứ 96. Ở 2 lần chạm trán gần nhất năm 2014 và 2016, đội tuyển Việt Nam đều giành thắng lợi. Nếu không có gì thay đổi, sau khi cùng đội tuyển Việt Nam đá giao hữu với Hồng Kông (Trung Quốc), HLV Troussier cũng sẽ sang Trung Quốc cùng đội U22 Việt Nam dự Panda Cup, gồm chủ nhà Trung Quốc, Bahrain, Uzbekistan và Việt Nam. |
NGÔ NHẬT