Đội tuyển U22 Việt Nam đã dừng bước ở bán kết và không hoàn thành mục tiêu góp mặt trong trận chung kết U22 Đông Nam Á. Nhiều người tiếc nuối, nhưng ở góc độ chuyên môn, đó là thất bại cần thiết cho những người làm bóng đá Việt Nam. Để qua đó, họ rút ra nhiều bài học cho chặng đường phía trước.
Giá trị của thành công
Về mặt giá trị, giải U22 Đông Nam Á có tính chất như một cử dượt để những người làm bóng đá Việt Nam chọn ra những nhân tố nổi bật cho Vòng loại U23 châu Á và SEA Game 2019. Tuy nhiên, sau thành công của bóng đá Việt Nam trong năm 2018 và đầu năm 2019, phần lớn người hâm mộ bóng đá Việt Nam mặc nhiên suy nghĩ, U22 Việt Nam phải vô địch giải đấu khu vực như một hiệu ứng từ những thành công trước đó. Nhưng đó là suy nghĩ không hợp lý và thất bại của thầy trò HLV Nguyễn Quốc Tuấn đã chỉ ra rằng, không đơn giản để gặt hái thành công như nhiều người nghĩ.
Về cơ bản, U22 Việt Nam là những cầu thủ trẻ tốt nhất của bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ chưa được nhiều người biết đến, khi không thể góp mặt ở V-League hoặc chỉ đang thi đấu ở những giải đấu cấp thấp trong hệ thống của bóng đá Việt Nam. Nói cách khác, U22 Việt Nam là tập hợp của các cầu thủ ít kinh nghiệm, thiếu sự cọ xát.
Có thể thấy, U22 Việt Nam không có những nhân tố nổi trội. Đó là tập thể đồng đều được học đá bóng bài bản và được dạy chơi bóng đá theo sách vở nhiều hơn là tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn. Trong khi đó, HLV Nguyễn Quốc Tuấn cũng không phải là nhà cầm quân tên tuổi của bóng đá Việt Nam. Việc chọn cựu HLV của Hoàng Anh Gia Lai làm thuyền trưởng của U22 Việt Nam khiến nhiều người bất ngờ và thực tế cho thấy, HLV này chưa có những dấu ấn trong khả năng đọc trận đấu để đưa ra những quyết định giúp đội bóng vượt qua khó khăn.
Thầy trò HLV Nguyễn Quốc Tuấn đã chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng ở góc độ chiến lược, thất bại của U22 Việt Nam giúp những người xây dựng chiến lược cho bóng đá nước nhà có cái nhìn cẩn trọng hơn trong việc thiết lập mục tiêu cho bóng đá Việt Nam trong năm 2019.
Bóng đá Việt Nam đã thành công tại Vòng chung kết U23 châu Á, Asiad 2018, AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc chúng ta là một thương hiệu ở các cấp độ đội tuyển khác.
Cẩn trọng với các mục tiêu phía trước
Như đã nói, HLV Nguyễn Quốc Tuấn chưa cho thấy được năng lực cầm quân tại U22 Việt Nam. Các cầu thủ U22 Việt Nam hiện tại không có nhiều nhân tố nổi bật để tạo đột biến như lứa Công Phượng, Quang Hải. Nhưng bóng đá Việt Nam vẫn phải hướng về phía trước với mục tiêu rất rõ ràng: Dự Vòng chung kết U23 châu Á và giành HCV SEA Games.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng như giới chuyên môn đã thấy được những điểm yếu của các cầu thủ U22 Việt Nam lẫn HLV Nguyễn Quốc Tuấn. Trên băng ghế huấn luyện của U23 Việt Nam tại Vòng loại U23 châu Á và U22 Việt Nam tại SEA Games 2019 là HLV Lee Young Jin.
Về cơ bản, trợ lý của HLV Park Hang Seo sẽ có cái nhìn thực tế, từ đó chọn những con người phù hợp với các đội tuyển mà ông thầy người Hàn Quốc sẽ dẫn dắt. Đó sẽ là một tập thể không cần cầm bóng nhiều như U22 Việt Nam vừa thể hiện, nhưng biết cách chiến thắng; đó không phải là một sơ đồ chiến thuật rập khuôn, để rồi khi bị U22 Indonesia bắt bài, các cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam phải thi đấu trong sự bất lực để rồi thất bại.
Những hạn chế của U22 giúp phần lớn người hâm mộ bóng đá Việt Nam có cái nhìn thực tế hơn. SEA Game 2019 không phải là sân chơi mà U22 Việt Nam có thể dễ dàng phá cái “dớp” để lần đầu tiên có được chiếc HCV sau hơn 50 năm chờ đợi.
Trên khán đài, HLV Lee Young Jin theo dõi rất sát những người mà ông sẽ trực tiếp rèn giũa để đoạt HCV SEA Games 2019 cùng với bóng đá Việt Nam trong thời gian tới. Đó sẽ là một nhiệm vụ vất vả của ông thầy người Hàn Quốc, khi trong tay ông là một lứa cầu thủ trẻ với những hạn chế mà nhiều người đã thấy tại giải U22 Đông Nam Á.
NGÔ NHẬT