Tập luyện thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và võ cổ truyền trong trường học là một chủ trương của Chính phủ, nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu của đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (gọi tắt là đề án 641). Để phong trào này phát triển mạnh mẽ, ngành Giáo dục Phú Yên đang tích cực triển khai nhiều giải pháp phổ biến các bài tập đến các trường.
Đổi mới các bài tập thể dục
Hoạt động thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và võ cổ truyền được coi là hoạt động ngoại khóa, không bắt buộc tại các trường học. Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT Phú Yên, từ nhiều năm qua, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều tổ chức và duy trì hoạt động thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ.
Một số trường ở huyện Tuy An, TP Tuy Hòa… còn đưa võ cổ truyền vào tập luyện trong các tiết thể dục tự chọn. Trong năm 2018, cả tỉnh có 85% số trường tổ chức và duy trì các hoạt động TDTT ngoại khóa trong nhà trường; hầu hết học sinh qua kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và võ cổ truyền nếu được chú trọng và luyện tập thường xuyên sẽ góp phần tích cực giúp học sinh phát triển thể chất, cân bằng giữa hoạt động ngoài trời và những giờ học trong lớp, mang lại sự hứng khởi cho các em trong học tập.
Song, các bài tập thể dục hiện nay đã cũ, lặp đi lặp lại, trở nên nhàm chán khiến học sinh không hào hứng. Xuất phát từ thực trạng trên, Công ty TNHH Nestle Việt Nam và Ban điều phối đề án 641 đã hợp tác xây dựng những bài tập thể dục mới, phù hợp với thể lực học sinh, động tác đa dạng, dễ tập, trên nền nhạc tươi vui nhằm truyền cảm hứng cho các em trong hoạt động thể dục buổi sáng, giữa giờ và võ cổ truyền.
TS Đàm Quốc Chính, Giám đốc Văn phòng Ban điều phối đề án 641 cho biết: “Trong đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tiêu chí: Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu 100% cơ sở giáo dục phổ thông duy trì thường xuyên tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ.
Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành để có thể triển khai chương trình tới tất cả các trường học trên toàn quốc, mang lại cho học sinh những giờ thể dục sảng khoái, giúp các em phát triển thể chất và cân bằng giữa thể thao và học tập”.
Phổ biến tập luyện trên diện rộng
Vừa qua, hơn 250 chuyên viên của các phòng GD-ĐT, giáo viên dạy Thể dục của tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã được chuyên viên, chuyên gia, võ sư giàu kinh nghiệm đến từ Văn phòng Ban điều phối đề án 641 và Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam giảng dạy về bài thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và võ cổ truyền được xây dựng theo hướng đổi mới.
Có mặt trên lớp suốt hai ngày diễn ra tập huấn, thầy Hà Ngọc Hoàng, giáo viên dạy Thể dục Trường tiểu học Sông Cầu (TX Sông Cầu) chăm chú luyện tập theo sự hướng dẫn của các chuyên gia, rồi lấy sổ ghi lại thứ tự các động tác để về triển khai lại cho học sinh.
Thầy Hoàng cho biết: “Sau lớp tập huấn, tôi sẽ về triển khai lại cho thầy cô Tổng phụ trách Đội và giáo viên dạy Thể dục của nhà trường; đồng thời chọn ra mỗi lớp 2 học sinh để tập luyện cho các em. Tận dụng thời gian nghỉ hè, chúng tôi sẽ cố gắng triển khai cho các lớp để đưa vào tập luyện trong năm học tới, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thể dục buổi sáng và giữa giờ, tạo hứng thú cho các em”.
Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, giáo viên dạy Thể dục kiêm Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Bùi Thị Xuân (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “So với các bài thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ truyền thống trước đây, các bài thể dục mới này có nhiều động tác phù hợp với thể lực của học sinh tiểu học, đa dạng nhưng dễ tập, nhạc nền vui tươi nên sẽ mang lại sự hứng khởi cho các em.
Sau khi sở, phòng GD-ĐT có văn bản triển khai, nhà trường sẽ tiến hành tập luyện cho học sinh. Trước mắt, tôi sẽ chọn 10 học sinh có năng khiếu để phổ biến các bài tập này, sau đó mở rộng luyện tập cho tất cả các lớp học”.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Trần Khắc Lễ, Sở GD-ĐT vừa phối hợp với Sở VH-TT-DL và các đơn vị liên quan trong tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và võ cổ truyền trong các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, giáo viên các trường sau khi được tập huấn, sẽ có thời gian 3 tháng (từ tháng 6-9) để phổ biến bài tập tại đơn vị, chọn 40 học sinh lớp 3 và lớp 4, thành lập đội đồng diễn. Cấp huyện, thị xã, tỉnh sẽ tổ chức cho các trường giao lưu, thi đồng diễn các bài tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và võ cổ truyền vào cuối tháng 6. Vòng chung kết cấp tỉnh sẽ diễn ra vào ngày 13/10/2019.
“Hoạt động này sẽ thúc đẩy phong trào tập luyện các bài tập thể dục, góp phần nâng cao thể chất cho học sinh, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, thực hiện tốt các mục tiêu của đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”, ông Lễ nói.
KHÁNH HÀ