Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Pháo sáng không làm sáng bóng đá!

Thứ hai - 16/09/2019 04:22
Gần 1 tuần qua, hành vi bắn pháo sáng do CĐV đội Nam Định gây ra trên sân Hàng Đẫy như bóng ma ám ảnh những người làm bóng đá và yêu bóng đá Việt Nam.
Pháo sáng không làm sáng bóng đá!

Gần 1 tuần qua, hành vi bắn pháo sáng do CĐV đội Nam Định gây ra trên sân Hàng Đẫy như bóng ma ám ảnh những người làm bóng đá và yêu bóng đá Việt Nam. Pháo sáng không phải lần đầu tiên xuất hiện trên các sân cỏ V-League, nhưng lần này là rất nghiêm trọng, vượt xa khuôn khổ cổ vũ cho đội bóng.

 

Không ít khán giả chứng kiến sự vụ bắn pháo sáng của CĐV Nam Định phải rùng mình, ớn lạnh. CĐV quá khích của Nam Định không chỉ đốt, mà còn bắn pháo sáng từ khán đài B sang A, khiến một người phải nhập viện cấp cứu, những kẻ quá khích không dừng lại, đồng thời đánh hội đồng khiến hai chiến sĩ cơ động phải nhập viện.

 

Nhờn thuốc?

 

Nhìn lại lịch sử V-League, một trong những giải đấu chuyên nghiệp lâu đời nhất khu vực Đông Nam Á, vẫn tồn tại nhiều “khuyết tật”, trong đó có việc CĐV quá khích gây ra những hình ảnh xấu xí, phi thể thao. Đốt pháo sáng trên khán đài là một ví dụ.

 

Vậy nhưng tổ chức bóng đá cao nhất là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không có phương án để tiêu trừ vấn nạn này. Sau những vụ đốt pháo sáng, VFF cũng ra án phạt nhưng không đủ sức răn đe và sự việc lại tái diễn.

 

Theo luật sư Diệp Năng Bình, theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, CĐV sử dụng pháo sáng đốt hay bắn trên sân khi xem bóng đá sẽ bị xử phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, việc CĐV đốt pháo sáng trên khán đài làm náo loạn trận đấu và khiến người khác bị thương có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Ngay trong mùa bóng này, VFF cũng từng đưa ra án phạt nhưng rất sơ sài, không nói rõ ai chịu trách nhiệm chính. Trận Hà Nội - Hải Phòng ở vòng 6 mùa này xảy ra pháo sáng, phạt mỗi CLB 70 triệu đồng. Tại vòng 8, trận Viettel - SLNA tại Hàng Đẫy cũng có pháo sáng, mỗi đội chịu phạt chỉ 20 triệu đồng. Như vậy, trên cùng sân bóng, án phạt lại không giống nhau và vụ sau nhẹ hơn vụ trước.

 

Hệ quả là sự vụ trở nên nghiêm trọng ở trận Hà Nội - Nam Định hôm 11/9. “CĐV Nam Định không phải đốt mà là bắn pháo sáng, như bắn súng. Họ đã gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tới tính mạng con người. Sự việc này không thể chỉ xử lý hành chính là xong. Chúng tôi chuyển vụ việc sang công an điều tra hình sự”, ông Vũ Xuân Thành, Trưởng Ban Kỷ luật VFF phải thốt lên.

 

Sự việc nghiêm trọng là vậy, nhưng án phạt khả dĩ nhất hiện nay của VFF chỉ là “treo sân” và phạt tiền các CLB liên quan. Đến giờ này, chưa có trường hợp nào bị xử thua vì pháo sáng tại V-League.

 

Phạt nghiêm để lập lại trật tự

 

Chưa rõ những người gây rối và bắn pháo sáng trên sân Hàng Đẫy vào ngày 11/9 có phải là CĐV đội Nam Định hay không, nhưng rõ ràng đây chắc chắn không phải là CĐV chân chính. Ông Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch Hội CĐV Nam Định, cho rằng sự việc xảy ra ở sân Hàng Đẫy là ngoài tầm kiểm soát của hội. Đồng thời, người đứng đầu Hội CĐV Nam Định cũng bày tỏ mong muốn lực lượng chức năng sớm làm rõ những người bắn pháo sáng là ai, chỉ là quá khích hay cài đối tượng có hành vi chống phá làm mất hình ảnh CĐV Nam Định?

 

Sau sự cố trên sân Hàng Đẫy tối 11/9, án phạt VFF đưa ra là: Phạt ban tổ chức trận đấu của CLB bóng đá Hà Nội 85 triệu đồng và thi đấu 2 trận kế tiếp trên sân nhà không có khán giả. Phạt CLB Nam Định 85 triệu đồng, đồng thời cấm CĐV của CLB Nam Định vào các sân khách nơi CLB mình thi đấu ở 2 trận đấu kế tiếp.

 

Có vẻ như án phạt của VFF chưa đủ sức thuyết phục, chưa đủ tính răn đe, cũng không phải là cách giải quyết vấn nạn bạo lực, pháo sáng trên khán đài một cách tận gốc.

 

Tuy nhiên trong sự vụ này, vì tính chất nghiêm trọng cũng như những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe, tính mạng của người khác, nên ngoài án phạt của VFF, cơ quan công an cũng đã vào cuộc. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngay sau đó đã có công văn gửi Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị điều tra, làm rõ sự việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến công tác bảo vệ. Và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã khởi tố vụ án với 2 tội danh là gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ.

 

Bóng đá là môn thể thao tập thể, mang biểu tượng đẹp về sự đoàn kết, hòa bình, thế nhưng sự vụ vừa qua đã không làm rạng thêm ý nghĩa đó. Những kẻ quá khích mang danh CĐV bóng đá sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi phi thể thao của mình. Trong khi đó, V-League ghi nhận một vết đen, khi lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam có CĐV bị xét xử.

 

THẾ NHƠN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp