Anh Nguyễn Hoàng Chương (thôn Định Thọ, xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa) từ tình yêu với cây khóm đã mày mò tạo ra các sản phẩm có hương vị riêng độc đáo, đó là bánh khóm, nước ép khóm tươi và khóm sấy. Từ đây mở ra hướng tiêu thụ mới cho loại cây trồng này.
Khóm Đồng Din có thương hiệu và không còn xa lạ với nhiều người. Trái khóm Đồng Din ngọt mát, thơm không phải ở đâu cũng trồng được. Dù là đặc sản nhưng người trồng khóm Đồng Din gặp nhiều khó khăn vì được mùa mất giá, được giá thì mất mùa.
Chính điều này đã thôi thúc anh Nguyễn Hoàng Chương tìm hướng đi mới, tạo thêm đầu ra cho cây khóm, giúp bà con có thu nhập ổn định. Anh Chương chia sẻ: Gia đình tôi có 3ha đất trồng khóm. Giống như nhiều hộ trồng khóm ở Đồng Din, đây là nguồn thu nhập thường xuyên của gia đình. Khóm này đã có tiếng nên người mua rất ưa chuộng.
Nhưng vào thời điểm chín rộ, tiêu thụ nhỏ lẻ không thể hết, mà bán cho thương lái thì bị ép giá. Tôi nhớ có lần chở xe khóm đi bán, cả buổi thu về được 200.000-300.000 đồng. Nghĩ tới cảnh cả nhà phải dậy từ 3 giờ sáng lên rẫy hái khóm cho kịp chợ sáng, rồi tiền xăng xe, tiền phân bón, đầu tư…, nhiều lúc ứa nước mắt.
Bà con ở đây, mùa thu hoạch nhà nào cũng tất tả hái khóm, đổi lại chỉ thu về đủ cho bấy nhiêu giọt mồ hôi đổ xuống. Tôi trăn trở nếu cứ lấy công làm lời như vậy thì tới bao giờ người trồng khóm mới khá lên được.
Cây khóm cũng như những nông sản khác, hạn chế lớn nhất là vào mùa thu hoạch nếu không bán kịp sẽ hư nên khi đã chín rộ đồng, thương lái ép giá thế nào cũng phải bán. Để khắc phục hạn chế này, chỉ còn cách chế biến khóm thành các sản phẩm từ khóm mà thị trường ưa chuộng, để chủ động đầu ra. Từ năm 2011, tôi mày mò nghiên cứu tạo ra bánh khóm, nước ép khóm và khóm sấy.
Bao nhiêu tiền đầu tư, hàng tấn khóm phải đổ bỏ vì thử nghiệm thất bại. Chỉ điều chỉnh nhiệt độ sai một chút, bánh khóm đã mất đi vị tươi ngon hay ép khóm tươi vào thời điểm không thuận lợi cũng khiến nước cốt không giữ được lâu ngày. Đến nay, tôi đã thành công với công thức của riêng mình và các sản phẩm của tôi đều có vị tươi, ngon ban đầu của trái khóm Đồng Din, đặc biệt là không có chất bảo quản.
Ông Phạm Văn Thuyên ở xã Hòa Định Đông chia sẻ: Thấy Chương mày mò nghiên cứu, bà con mừng lắm. Nhiều lúc thu hoạch khóm bị thương lái trả giá thấp quá, chúng tôi không bán mà mang cho Chương nghiên cứu. Giờ thành phẩm rồi, bà con đang chờ nhà máy của Chương đi vào hoạt động để thu mua khóm cho bà con.
Để kiểm tra phản ứng của thị trường với các sản phẩm mình làm ra, anh Chương đã mang đi triển lãm tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh, lần nào sản phẩm của anh cũng được khách hàng ưa chuộng đặt mua với số lượng lớn.
Anh Chương chia sẻ thêm: Tại địa phương, sản phẩm của tôi được đặt hàng thường xuyên để làm quà biếu như một nông sản đặc trưng giới thiệu với các tỉnh khác. Mới đây tham gia hội chợ ở TP Hồ Chí Minh, nhiều khách hàng Canada và Mỹ đã yêu cầu cung cấp dài hạn và thường xuyên. Tôi đang hoàn tất các thủ tục về đăng ký nhãn hiệu độc quyền, mẫu mã sản phẩm và đưa nhà máy chế biến nước ép khóm tươi vào hoạt động để sản xuất số lượng lớn…
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết: Địa phương khuyến khích các mô hình sản xuất như anh Chương đang làm; vì không chỉ giúp thương hiệu khóm Đồng Din có chỗ đứng trên thị trường, mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con trồng khóm. Đây là hướng đi đúng để hướng tới sản xuất bền vững.
BẠCH VÂN