Trải qua tuổi thơ gian khó nên khi có được thành công, cựu chiến binh (CCB) Dương Chấn Hưng ở phường 5, TP Tuy Hòa luôn nỗ lực giúp đỡ những người khó khăn, hỗ trợ người trẻ học nghề, lập nghiệp, đóng góp cho xã hội.
Vượt qua gian khó
Dương Chấn Hưng sinh năm 1960, trong một gia đình đông con tại cố đô Huế. Năm 3 tuổi, Chấn Hưng theo gia đình vào định cư ở phường 5, TX Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa). Tuổi thơ của anh trải qua gian khó; vừa đi học, vừa lao động kiếm sống, khi thì bán báo, bán kem, khi thì làm mướn, làm ruộng, chăn bò. Với tố chất thông minh, học giỏi, khéo tay, đặc biệt có năng khiếu hội họa nhưng do hoàn cảnh khó khăn, Chấn Hưng đành gác lại ước mơ trở thành họa sĩ. Năm 1982, anh tham gia vào đoàn quân tình nguyện bộ đội Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Sau 5 năm hoàn thành nhiệm vụ, anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, Huy hiệu Vì nhiệm vụ quốc tế...
Năm 1986, trở về quê hương, Chấn Hưng nung nấu quyết tâm thực hiện ước mơ đã ấp ủ từ lúc còn đi học. Anh vừa lao động, vừa tự học hội họa, ôn luyện văn hóa. Một năm sau, Chấn Hưng trúng tuyển vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Niềm vui khôn xiết song nhà nghèo, cha mẹ Chấn Hưng muốn con học ở một trường gần nhà để giảm bớt chi phí đi lại, học hành. Thế nhưng, khi nhận thấy khát khao đam mê của con, ông bà đành cố gắng vay mượn để Chấn Hưng đủ tiền mua vé tàu ra Hà Nội học tập. Những năm đó, đất nước bắt đầu đổi mới, trước muôn vàn khó khăn, tất cả sinh viên đều chịu chung hoàn cảnh vừa học, vừa làm. Vượt qua rét mướt của mấy mùa đông Hà Nội với đủ các nghề làm thêm, Chấn Hưng đã hoàn thành khóa học với tấm bằng cao đẳng ngành Hội họa - Thiết kế.
CCB Dương Chấn Hưng đọc diễn văn trong lễ kỷ niệm 43 năm Ngày thành lập Sư đoàn 315, Quân khu 5 do CCB của sư đoàn tại Phú Yên tổ chức mới đây |
Chấn Hưng chọn TP Hồ Chí Minh làm nơi lập nghiệp với nghề quảng cáo, vừa để kiếm sống vừa thực nghiệm nâng dần trình độ chuyên môn. Anh chia sẻ: “Mới ra trường nên tôi phải nỗ lực đến hơn 200% sức lực để kiếm việc, để học thêm, tạo cho mình có thu nhập đủ ăn và có tích lũy khiêm tốn dành làm vốn liếng sau này”.
Ngoài học chuyên môn, thời gian này, Chấn Hưng còn học thêm chữ Hán ở chùa Già Lam (phường 1, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) do các nhà sư giảng dạy. Khi rảnh rỗi, anh tìm đến các thư viện nghiên cứu và tự tập luyện họa tranh thư pháp. Nhờ vậy mà kiến thức của anh không ngừng được bổ sung, tay nghề ngày càng được nâng lên, khẳng định vị trí của mình trong làng hội họa.
Năm 1990, Chấn Hưng trở về Tuy Hòa, tiếp tục làm nghề quảng cáo, vẽ bảng hiệu, lập nên Công ty TNHH Mỹ thuật Quảng cáo Chấn Hưng. Hơn 32 năm, Chấn Hưng cùng người bạn đời là Lê Thị Tuyết (phó giám đốc công ty) đã trải qua những năm tháng muôn vàn gian truân mới đi đến thành công như hôm nay.
Là một doanh nghiệp chuyên về quảng cáo, Công ty TNHH Mỹ thuật Quảng cáo Chấn Hưng góp phần đáng kể trong truyền thông trực quan nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh. Ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT-TT cho biết: “Khi còn làm ở VTV Phú Yên, tôi biết họa sĩ Chấn Hưng khi anh tích cực tham gia tài trợ cho các chương trình của đài như: Hương mùa thu, Liên hoan Bài chòi, Kết nối trái tim… trong vai trò họa sĩ hoặc nhà hảo tâm giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi về công tác ở Sở TT-TT, tôi biết thêm anh là người đam mê nghiên cứu, nhất là những vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa, Hán Nôm… Nhiều đồ án trang trí trên cổ vật, anh còn là người giúp tôi dịch từ Hán sang Việt để rõ nghĩa. Trong bối cảnh dịch bệnh 2 năm qua, doanh nghiệp của anh vẫn duy trì được việc làm và thu nhập cho nhiều lao động, đó là một điều đáng quý”.
Hiện Chấn Hưng sở hữu doanh nghiệp với 3 cơ sở, giải quyết việc làm thường xuyên cho 45 lao động. Trong đó, 34 lao động hợp đồng dài hạn, thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/tháng; 10 lao động làm bán thời gian dịp lễ, tết, nông nhàn... Công ty TNHH Mỹ thuật Quảng cáo Chấn Hưng ngày càng mở rộng địa bàn hoạt động không chỉ trong tỉnh và sang cả các tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk...
Giàu lòng nhân ái
Được sự đồng thuận của vợ, nhiều năm qua, Chấn Hưng đóng góp kinh phí cho các nhóm thiện nguyện, các bếp ăn từ thiện trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh; hỗ trợ các tổ chức đoàn thể địa phương trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... Bản thân anh vừa hỗ trợ, vừa tích cực vận động các nhà hảo tâm góp kinh phí giúp đỡ các đồng đội là thương binh, gia đình liệt sĩ, CCB khi họ gặp khó khăn, bệnh tật. Chị Lê Thị Tuyết, vợ của CCB Chấn Hưng nói: “Gia đình tôi phát tâm làm từ thiện đã hơn hai chục năm nay, ước mỗi năm khoảng 50 triệu đồng, so với nhiều người chẳng thấm thía gì, nhưng cũng góp chút công của gọi là đồng lòng, chung sức cùng xã hội…”.
CCB Chấn Hưng được đồng đội tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban liên lạc CCB chiến trường Sư đoàn 315 tại Phú Yên. Tuy mới thành lập hơn 2 năm nhưng ban liên lạc này đã tập hợp được gần 300 hội viên, quyên góp hơn 200 triệu đồng để chi phí cho các hoạt động từ thiện, nhất là hỗ trợ đồng đội gặp khó khăn, hoạn nạn và chương trình “Tiếp bước cha anh”, tặng quà cho các thanh niên nhập ngũ, giúp đỡ thanh niên hoàn thành nghĩa vụ sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Đặc biệt, Chấn Hưng còn thường xuyên quan tâm giúp đỡ con em đồng đội có việc làm tạm thời tại Công ty TNHH Mỹ thuật Quảng cáo Chấn Hưng trong thời gian tìm việc hay những lúc nông nhàn, tạo điều kiện mưu sinh, kiếm sống cho những thanh niên học nghề, tích lũy vốn để khởi nghiệp. Một số em đã thành danh, có việc làm, cuộc sống gia đình ổn định, như: Huỳnh Thị Mỹ Linh (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa), Nguyễn Bá Nha (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa), Chu Thái Nam (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nay là sĩ quan quân đội)…
Những hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của Chấn Hưng được nhiều anh em, đồng đội ghi nhận. Ông Phan Tấn Ô, Phó Chủ tịch Hội CCB Phú Yên cho biết: Chấn Hưng là một CCB đa tài, chịu khó, biết nỗ lực vươn lên để thành công. Anh còn có tấm lòng thương yêu giúp đỡ đồng đội, người dân có hoàn cảnh khó khăn, tích cực hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức thiện nguyện, hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Anh là một CCB nêu gương sáng về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới.
Bước sang tuổi 63, Chấn Hưng chuyển dần việc điều hành doanh nghiệp cho con trai. Anh dành thời gian nghiên cứu sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm hội họa về đất và người Phú Yên có giá trị, nhiều bài viết mang tính lý luận triết lý sâu sắc, dịch tài liệu Hán - Nôm… được các báo, tạp chí uy tín đăng tải. Là người thân thiện, hòa nhã, nhiệt thành, CCB Chấn Hưng luôn luôn được mọi người yêu mến.
NGUYỄN BÁ THUYẾT