Ông Huỳnh Thanh Huy là người giữ rừng kỳ cựu của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, với thời gian công tác gần 30 năm. Đối với người đàn ông 50 tuổi này, sự đam mê, tình yêu thiên nhiên rừng núi là động lực lớn để ông gắn bó với công việc nhiều khó khăn và nguy hiểm tại các cánh rừng ở xã vùng cao Phú Mỡ.
Đam mê rừng núi
Ông Huỳnh Thanh Huy làm việc tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân từ năm 1996 đến nay, với vai trò là nhân viên quản lý bảo vệ rừng tại khu vực trạm 9 Bếp - Hà Đan (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân). Đây là địa bàn giáp huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai), cách khu dân cư xã Phú Mỡ từ 30-40km về phía tây - bắc, với điều kiện đi lại, sinh hoạt khó khăn. Để tuần tra khu vực này, ông chủ yếu đi bộ, trong khi đây là địa bàn có nhiều bẫy thú rừng rất nguy hiểm; nhiều người đã mất mạng vì vướng phải bẫy.
Những năm trước đây, tại khu vực ông Huy đảm trách, điều kiện ăn ở tạm bợ, không điện, không sóng điện thoại; đặc biệt vào mùa mưa, việc đi lại càng khó khăn, nhu yếu phẩm thường xuyên bị thiếu. Chính vì vậy mà nhiều người đã chuyển công tác. Tuy nhiên, những khó khăn, trở ngại đó không đánh bật được ý chí và lòng đam mê của ông Huy.
“Tôi gắn bó với rừng ở Đồng Xuân một thời gian dài và bắt đầu cảm nhận được giá trị của thiên nhiên hùng vĩ. Từ đó, những cánh rừng, đồi núi đã in trong tâm trí, hơi thở của tôi. Công việc tuy vất vả, nhưng tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm, nỗ lực giữ gìn, bảo vệ các cây gỗ quý còn lại tại khu vực trạm 9 Bếp - Hà Đan. Đây cũng là cách mình gìn giữ những giá trị thiên nhiên cho các thế hệ con cháu sau này”, ông Huy chia sẻ.
Hiện tại, ông Huy vẫn làm việc xa gia đình, hàng ngày vượt từng con dốc cao ở xã Phú Mỡ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức phân công. Đối với người đàn ông 50 tuổi này, sự đam mê, tình yêu thiên nhiên rừng núi là động lực lớn nhất để ông gắn bó với công việc nhiều khó khăn và nguy hiểm tại các cánh rừng ở xã vùng cao này.
Phát huy giá trị kinh nghiệm công tác
Gần 30 năm gắn bó với những cánh rừng tại xã Phú Mỡ, ông Huỳnh Thanh Huy hiểu được giá trị môi trường do rừng tự nhiên mang lại. Theo ông, rừng tự nhiên ở xã Phú Mỡ đa dạng sinh học và nhiều chủng loại có giá trị, tạo nguồn nước cho các con suối, con sông trên địa bàn huyện Đồng Xuân. Trải qua thời gian, rừng góp phần điều hòa không khí, môi trường. Những cây gỗ quý thuộc nhóm 1 như trắc nghệ, lim, gõ, sao… vẫn còn. Vì vậy những người có trách nhiệm với rừng phải nỗ lực hơn nữa để gìn giữ, phát triển các loại cây gỗ quý và có giá trị đối với môi trường.
Với kinh nghiệm và sự am hiểu thực địa, ông Huy thường xuyên phối hợp với các đoàn khoa học, chuyên gia lâm nghiệp đến với khu vực rừng 9 Bếp - Hà Đan tìm hiểu về các loài cây gỗ, cây dược liệu quý hiếm. Từ đó có những giải pháp hiệu quả để bảo vệ, sưu tập, xây dựng, bảo tồn nguồn gen cây có giá trị kinh tế cao, cây dược liệu quý như cẩm nghệ, tô hạp, dó bầu, dó gạch, sa nhân, lan kim tuyến…
Từ khi vào ngành, ông Huy không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm bắt địa bàn, ranh giới, hiện trạng rừng để bảo vệ tốt lâm phần được giao. Ông là người có tinh thần đấu tranh quyết liệt với hành vi hủy hoại rừng. Nhiều thời điểm trạm vắng người, nhưng khi phát hiện đối tượng khai thác, vận chuyển rừng trái phép, một mình ông Huy vận động, ngăn chặn hành vi các đối tượng, góp phần bảo vệ tốt cánh rừng như ngày nay.
Ngoài ra, ông Huy còn tích cực vận động, tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ rừng, xây dựng mối gắn kết giữa ban quản lý rừng và người dân địa phương. Qua đó có những giải pháp bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả.
Anh Huỳnh Thanh Huy là một cán bộ có kinh nghiệm và giàu nhiệt huyết của đơn vị. Không những hoàn thành nhiệm vụ được giao, anh còn đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp và cung cấp các thông tin giá trị về các cánh rừng lớn thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân cho các đoàn khoa học, chuyên gia lâm nghiệp. Đây là điều mà không phải cán bộ nào cũng làm được và cũng là nét đáng quý ở anh.
Ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân |
NHẬT HUY