Trưa thứ bảy, nhóm chúng tôi hẹn nhau bù khú sớm tại quán nhậu bình dân vì từ sau Tết Tân Sửu đến nay, bạn bè chưa có điều kiện họp mặt đông đủ. Hơn 11 giờ, T mới chạy xe máy tới. Tôi hỏi thì anh trả lời: Sáng nay, mình phải chạy về quê Tây Hòa thăm ông già. Xong, xuống lại Tuy Hòa, đi chợ, nấu cơm để bà xã đi dạy, hai đứa nhỏ đi học về có cái lót bụng rồi mới yên tâm nhậu với mấy bạn được.
Nghe vậy, một người bạn lắc đầu: Ông cứ quen cái tật cung phụng vợ. Cơm nước là chuyện của đàn bà. Nẫu ở trường về rồi từ từ nấu nướng chớ gấp gáp chi. Cứ làm vậy hoài rồi mấy bả đâm ra ỷ lại, cứ lợi dụng suốt. Ở nhà tôi á, vợ là phải lo chuyện bếp núc. T cười nhỏ nhẹ: Dân công sở như mình hôm nay được nghỉ cả ngày còn bà xã có tiết dạy đầu buổi chiều. Hai đứa nhỏ ăn xong, nghỉ ngơi rồi lại đi học tiếp. Vì thế, mình vào bếp cũng là đúng mà. Rồi anh nói tiếp: Lâu nay hai vợ chồng mình cùng giúp nhau làm việc nhà, ai rảnh khi nào thì ra tay lúc ấy thôi…
Từ chuyện đến trễ của T, buổi gặp mặt nhóm chúng tôi bỗng dưng chia làm hai “phái”: ủng hộ và không ủng hộ chồng phải chia sẻ việc nhà với vợ. “Phái” không đồng ý cho rằng lâu nay “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là quan niệm phổ biến và bất di bất dịch. Người chồng là trụ cột kinh tế gia đình, phải đau đầu nhức óc lắm mới kiếm tiền về lo cho vợ con. Vì thế, cần được nghỉ ngơi, thư giãn khi trở về mái ấm sau một ngày lao động vất vả.
Còn việc nhà thì người vợ phải lo toan tất tần tật là lẽ đương nhiên. T đại diện cho “phái” ủng hộ chia sẻ việc nhà, lập luận: Điều này chỉ phù hợp đối với những gia đình mà chồng đi làm nhưng vợ ở nhà hay chưa kiếm được việc làm phù hợp, đành phải ở nhà tối mặt tối mũi lo nội trợ. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, nếu chồng mà thương vợ, biết đỡ đần khi cần thiết thì vợ cũng thấy bớt tủi và sống vui hơn. Còn nếu cả vợ và chồng đều có công ăn việc làm ổn định thì dứt khoát phải cùng nhau gánh vác, sẻ chia việc nhà.
Cùng tan sở, tan trường về nhà, trong khi chồng vô tư nằm đọc báo, chơi game, xem phim… trong phòng khách, còn vợ phải lo nấu ăn, tắm cho con, dọn dẹp nhà cửa… rõ ràng đây là cảnh không thể chấp nhận được. Nếu điều này cứ kéo dài theo năm tháng, người vợ sẽ dần dần cảm thấy mệt mỏi, buồn chán và hạnh phúc gia đình chắc chắn bị ảnh hưởng!
Chắc chắn nhiều người sẽ đồng ý với phân tích của T vì trong thực tế, vợ chồng cùng chia sẻ, chung tay giải quyết việc nhà sẽ góp phần giữ cho ngọn lửa hạnh phúc cháy mãi. Mà việc nhà có gì to tát, lớn lao đâu. Đó chỉ là phụ và cùng vợ nấu ăn; trang trí, làm đẹp, dọn dẹp, giữ cho “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”; cùng chơi và học cùng con hàng ngày…
Khi cùng nhau chia sẻ việc nhà, cùng nhau nuôi dạy con cái, tình cảm vợ chồng càng gắn bó, khắng khít hơn để mái ấm đảm bảo luôn chắc chắn, vững vàng. Khi vợ chồng cùng nhau sẻ chia việc nhà, con cái sẽ nhìn vào mà bắt chước bố mẹ, từ đó tự giác và siêng năng hơn trong học tập, sinh hoạt, rèn luyện kỹ năng khéo léo để sau này ra đời cứng cáp, năng động và biết chia sẻ với cộng đồng, xã hội hơn. Vì thế, làm chồng phải chia sẻ việc nhà với vợ là vậy đó.
LÊ NGỌC KHẢI