Nỗi đau da cam giữa lòng thành phố

Thứ sáu - 08/11/2024 09:20
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những nạn nhân chất độc da cam và thân nhân của họ vẫn khóc mỗi ngày vì những cơn đau, vì tương lai mờ mịt bởi di chứng quái ác. Gia đình chị Nguyễn Thị Khánh Ly (khu phố Nguyễn Du, phường 7, TP Tuy Hòa) là một trong những trường hợp như thế.
Nỗi đau da cam giữa lòng thành phố

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những nạn nhân chất độc da cam và thân nhân của họ vẫn khóc mỗi ngày vì những cơn đau, vì tương lai mờ mịt bởi di chứng quái ác. Gia đình chị Nguyễn Thị Khánh Ly (khu phố Nguyễn Du, phường 7, TP Tuy Hòa) là một trong những trường hợp như thế.

 

Sinh con - không sinh niềm hạnh phúc

 

Chúng tôi theo chân ông Trần Văn Thái, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dionxin Phú Yên đến nhà chị Nguyễn Thị Khánh Ly để trao món quà nhỏ.

 

Chị Ly cho biết, chị và chồng là Phạm Trung Tâm cùng sinh năm 1983. Năm 2006, họ cưới nhau và được cha mẹ nhường cho khoảnh đất để xây nhà này. Nói là nhà nhưng như là phòng cất tạm, khoảng 20m2, lợp tôn với ba bốn bậc nền xập xệ. Không thấy giường tủ, bàn ghế, chỉ thấy hai đứa con nhỏ co quắp, vô hồn đang nằm trên chiếc nệm đã cũ sờn.

 

Năm 2008, chị Ly sinh đứa con đầu lòng là Phạm Tiến, hai vợ chồng vô cùng vui mừng. Nhưng chờ mãi hơn hai tuổi mà cháu Tiến vẫn không biết đi, không biết nói. Hy vọng trời sẽ ban phước lành, năm 2010 chị sinh tiếp đứa thứ hai là Phạm Thiên Bảo. Thế nhưng, cả hai anh em hơn 10 năm nay vẫn nằm mãi một nơi, nhận biết kém, nói ngọng nghịu, chân tay co quắp. Mọi sinh hoạt của hai cháu trông cậy hoàn toàn vào sự giúp đỡ của cha mẹ và ông bà. Mặc dù vậy, vợ chồng chị vẫn nỗ lực lao động, chắt bóp dành dụm để nuôi con.

 

Họa vô đơn chí, năm 2017 chồng chị là anh Phạm Trung Tâm phát bệnh thần kinh. Thường ngày anh đi làm chăm chỉ, mang tiền về hỗ trợ vợ nuôi con. Từ ngày phát bệnh, nhiều hôm anh Tâm đi làm được đồng nào là đem cho hết, không lấy anh cũng cho. Nhiều đêm, trong cơn mộng mị anh dùng đèn pin đi soi tìm nhặt các loại đinh, mảnh chai, gạch đá… đem về nhà cất. Căn nhà có chỗ nào viết được là anh mua sơn về viết đủ các loại thơ, tục ngữ, châm ngôn, nói năng như người mộng du. Bệnh ngày một nặng dần, sức khỏe anh Tâm yếu không thể đạp ba gác, đành phải đem bán xe. Cuộc sống của chị Ly vốn đã khó khổ, từ đây trở nên cùng cực.

 

Cần lắm sự giúp đỡ của cộng đồng

 

Gia đình chị Ly thuộc diện hộ nghèo, nhà bốn người thì đã ba người bệnh nặng, có giấy chứng nhận tàn tật hưởng trợ cấp xã hội. Mỗi tháng ba người bệnh và chị Ly là người chăm sóc được trợ cấp tổng cộng 2,34 triệu đồng. Mọi công việc của “gia đình đặc biệt” này như một gánh nặng quá sức đè lên vai người phụ nữ ấy.

 

Hàng ngày, chị Ly “đầu tắt, mặt tối” vẫn không hết việc. Chăm sóc hai con nằm liệt giường, theo dõi chồng không biết phát bệnh lúc nào; việc nhà đã thế, chị còn phải tranh thủ thời gian buôn bán kiếm thêm thu nhập. Chị Ly kể: “Thời gian đầu tôi khóc nhiều lắm, khóc vì nhiều thứ. Vì thương con, thương chồng thiếu đói, bệnh đau không thuốc thang, khóc vì thấy tương lai mờ mịt, khóc vì tủi thân... Nhưng rồi khóc mãi có giải quyết được gì, chỉ làm mình thêm kiệt sức. Tôi nghĩ, có khổ cực đến mấy thì sống vẫn phải sống, phải nuôi con, nuôi chồng. Nghĩ vậy nên tôi phải cố mà vươn lên, được đến đâu hay đến đó”.

 

Mỗi ngày, chị Ly dậy đi chợ từ sáng sớm, về lo cho các con ăn uống rồi gửi ông bà nội. Còn chị và chồng chuẩn bị đồ đi bán nước mía, nước giải khát. Ngày được khách thì hai vợ chồng thu lãi khoảng 300.000 đồng, gặp ngày thời tiết xấu hoặc mưa thì lỗ vốn. Đó là mùa nắng, sang mùa mưa thì chị đi rửa chén bát cho các nhà hàng để có tiền chi tiêu cầm cự qua ngày. Hơn một năm trở lại đây, anh Tâm bệnh nặng, vài tháng là lên cơn phải đưa đi tiêm thuốc. Hai bên nội ngoại cũng rất nghèo không giúp đỡ được gì ngoài việc trông hai cháu bệnh tật khi ba mẹ chúng đi bán hàng.

 

Chị Ly cũng không biết nguyên cớ nào mà chồng chị và hai con lâm bệnh hiểm nghèo. Chỉ biết cha của chồng là ông Phạm Trung Trường sinh năm 1954, ở Hải Phòng. Năm 1973, ông nhập ngũ rồi vào chiến đấu ở vùng núi Sơn Hòa. Ba mẹ của chị Ly (ông Nguyễn Ngọc Thừa và bà Đàm Thị Bình) nay đã ngoài 70 tuổi, cũng tham gia cách mạng, sống ở vùng địch rải chất độc hóa học.

 

Ông Phạm Trung Trường, cha chồng chị Ly nói trong đau thương: “Hàng ngày nhìn con, nhìn cháu mà ruột gan đau thắt. Nhiều người chỉ cho chữa bệnh nơi này, nơi kia. Muốn lắm, mà không làm sao được. Tiền đâu mà đi, tiền đâu mà mua thuốc… Đành cắn răng chịu đựng!”.

 

Theo chị Tô Thị Mỹ Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường 7, gia đình chị Nguyễn Thị Khánh Ly nhiều năm nay là hộ nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bản thân chị Ly là phụ nữ nhưng là trụ cột, chịu khó lao động, vươn lên giữa nghịch cảnh. “Thời gian qua, gia đình chị cũng nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các ban ngành, địa phương, tuy nhiên không thấm tháp vào đâu so với hoàn cảnh ngặt nghèo của họ. Chúng tôi rất mong trong thời gian đến, gia đình anh Tâm - chị Ly nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn nữa của những tấm lòng hảo tâm”, chị Thúy nói.

 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về chị Nguyễn Thị Khánh Ly (Tổ 10, Khu phố Nguyễn Du, phường 7, TP Tuy Hòa) - ĐT: 0337579724. 

 

Thời gian qua, gia đình anh Tâm - chị Ly cũng nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các ban ngành, địa phương, tuy nhiên không thấm tháp vào đâu so với hoàn cảnh ngặt nghèo của họ. Chúng tôi rất mong trong thời gian đến, gia đình họ nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn nữa của những tấm lòng hảo tâm.

 

Chị Tô Thị Mỹ Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường 7

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp