Hỏi: Làm thế nào để biết nước giếng bị nhiễm bẩn, mức độ tác hại đối với sức khỏe và phương án khắc phục?
Trả lời: Hầu hết gia đình nông thôn sử dụng nước giếng (đào hoặc khoan) làm nguồn nước sinh hoạt chính. Đây là nguồn nước ngầm nông nên rất dễ bị nhiễm bẩn từ các chất thải sinh hoạt của người và động vật trên bề mặt. Nhiễm bẩn chính là các chất hữu cơ phân hủy từ chất thải. Một số chỉ số được phân tích dưới đây chủ yếu chỉ điểm sự nhiễm bẩn hữu cơ của nguồn nước về mặt hóa học và sinh học. Việc xét nghiệm các chỉ số này được thực hiện theo các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sinh hoạt QCVN 02:2009/BYT.
Hàm lượng ion amoni: Ammonia (NH3 hoặc NH4+) làsản phẩm đầu tiên của sự phân giải chất hữu cơ. Ammonia trong nước là một chỉ điểm về khả năng ô nhiễm nguồn nước từ chất thải của người và động vật. Giới hạn theo QCVN 02:2009/BYT là: Amoni ≤ 3 mg/lít.
Nitrat (NO3) và nitrit (NO2) là những ion phát sinh tiếp sau amoniac trong chu trình chuyển hóa nitơ trong tự nhiên. Nồng độ giới hạn trong nước uống theo QCVN 01:2009 là Nitrat ≤ 50mg/lít, nitrit ≤ 3mg/lít.
Chỉ số Permanganat thểhiện sự oxy hóa của chất hữu cơ bằng chất oxy hóa kali permanganat (KMnO4). Đây là một trong những chỉ số thể hiện sự nhiễm bẩn chất hữu cơ. Giới hạn theo QCVN 02:2009 ≤ 4mg/lít.
Chỉ sốClorua đại diện cho sự nhiễm muối NaCl. Vì hầu hết dịch thể động vật đều chứa nhiều NaCl, nên NaCl cũng là một chỉ điểm của sự nhiễm bẩn từ chất thải sinh hoạt của người và động vật. Giới hạn theo QCVN 02:2009/BYT: Cl ≤ 300 mg/l.
ChỉsốColiform tổng số: Coliforms là một họ gồm nhiều loài vi khuẩn có thể sống và phát triển trong nước. Coliforms vừa có mặt trong phân và không phải từ phân nên nhóm này được sử dụng để đánh giá tình trạng nhiễm bẩn nói chung. Giới hạn tối đa theo QCVN 02:2009/BYT là: Coliforms ≤ 150 con/100ml đối với giếng nước hộ gia đình và ≤ 50 đối với các nguồn nước công cộng.
ChỉsốE.Coli: Trong nhóm coliforms, thì vi khuẩn tiêu biểu làEscherichia coli. E.Coli chỉcó nguồn gốc từ phân, do vậy E.Coli là vi khuẩn chỉ điểm chính sự nhiễm bẩn nguồn nước từ phân (người hoặc động vật). Giới hạn tối đa cho phép theo QCVN 02:2009: E.Coli ≤ 20 con/100ml đối với nước giếng hộ gia đình, không được có trong nguồn nước công cộng (nước cấp).
Bản thân các chất chỉ điểm đãnêu không trực tiếp cóhại cho sức khỏe, nhưng khi chúng hiện diện trong nước vượt mức cho phép, sẽ có giá trị cảnh báo nguồn nước có nguy cơ cao bị nhiễm bẩn bởi những tác nhân nguy hại hơn như vi trùng tả, lỵ, thương hàn, viêm gan, bại liệt và nhiều loại vi sinh vật gây bệnh tiêu chảy khác.
Sự nhiễm bẩn hữu cơ, vi sinh vật có thể khắc phục phần nào bằng cách hạn chế, cách ly nguồn ô nhiễm, phương án cụ thể còn tùy thuộc điều kiện sinh hoạt khách quan của mỗi gia đình, nhưng nói chung có thể thực hành những điểm cơ bản sau:
- Di chuyển các công trình vệ sinh, hố rác, chuồng gia súc cách xa nguồn nước mạch nông, giếng khơi ít nhất 10m.
- Xây kín thành giếng, nền giếng và làm rãnh thoát nước tốt ra xa giếng.
- Đối với các giếng nơi công cộng như trường học, chợ, trạm y tế, giếng dùng chung…, tốt nhất nên dùng bơm chứa nước lên hồ để sử dụng, tránh lấy nước trực tiếp bằng gàu múc.
- Đối với những nơi có nguy cơ ô nhiễm cao, cần định kỳ vét giếng và khử trùng bằng dung dịch có Clo.
- Có thể xem xét lựa chọn nguồn nước cấp, nếu không thể đáp ứng đủ các giải pháp khắc phục trên.
BS ĐOÀN VĂN HẢI