Công nghệ điện tử phát triển sản xuất ra nhiều loại loa phát âm thanh, từ chiếc loa thường phát triển lên thành loa kéo, có mặt trên khắp mọi miền đất nước, từ thị thành cho đến nông thôn. Việc mua một chiếc loa để giải trí đã trở thành trào lưu của nhiều người, và cũng từ đấy nó trở nên phiền toái hơn.
Bây giờ, đi đâu người ta cũng cảm thấy đau đầu vì sự ồn ào phát ra từ chiếc loa kéo. Nhớ ngày xưa ra chợ, tiểu thương chào mời khách bằng chất giọng ngọt ngào, lảnh lót nhằm kéo khách về phía mình. Còn bây giờ, bước ra chợ mua hàng, người nội trợ cảm thấy hoa cả mắt, điếc cả tai vì chiếc loa kéo. Tiểu thương thu giọng rao hàng của mình được ghi âm tích hợp trong chiếc loa kéo rồi bật nút phát.
Do cạnh tranh nhau, cho nên hầu như chỗ nào cũng có loa kéo. Người ta đi chợ thực phẩm mà ngỡ lạc vào chợ điện tử.
Các siêu thị điện máy nào có kém gì. Họ đặt hai chiếc loa ở lối ra vào, rồi bật hết công suất để thu hút người qua lại. Trọng tâm là họ thông báo các chương trình khuyến mãi, hay những mặt hàng mới nhập về “hot”. Sau đó thì họ “tra tấn” người đi đường bằng những bản nhạc sôi động như đang ở bar.
Khổ nhất là chiếc loa kéo trong vai trò dàn karaoke di động. Bất cứ cảm xúc nào người ta cũng hát được. Đám cưới, sinh nhật, tân gia, buổi tiệc nhỏ, bữa nhậu vui... thậm chí đám ma người ta cũng “phiêu”. Ở quê thì còn đỡ, vì nhà xa nhau, âm thanh hạn chế. Trong khi thị thành, nhà san sát, nếu hôm ấy có karaoke bằng chiếc loa kéo thì coi như hàng xóm mệt mỏi.
Họ cuốn vào cuộc vui, vào những bài hát đến nỗi quên mất lịch sự là như thế nào. Đang giữa trưa nghỉ ngơi lại nghe cất lên những bản nhạc remix, rock, rap xập xình. Buổi tối, người ta đi làm về mệt, nhưng không thể nào ngủ được vì nhà kế bên karaoke bằng loa kéo quá lảnh lót, om sòm. Họ không muốn kết thúc, cho đến khi qua góp ý, hoặc nhờ trưởng khu phố can thiệp thì mới ngưng. Nhưng cũng từ đấy hàng xóm lại nghịch nhau.
Cũng cần nói thêm, chiếc loa không có lỗi, nó cũng được sử dụng vào một số mục đích tích cực nhưng phải đúng không gian, hoàn cảnh. Do con người chúng ta quá đòi hỏi nên chiếc loa trở nên ồn ào, điếc tai. Tiếng ồn không những ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, mà còn làm mất đi tình nghĩa xóm giềng. Vì vậy, đã đến lúc những nhà làm luật, chính quyền địa phương cần có những quy định rõ ràng, chặt chẽ và biện pháp chế tài mạnh để chấm dứt tình trạng tra tấn màng nhĩ người dân vì ô nhiễm tiếng ồn.
ĐẶNG TRUNG THÀNH