Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Gìn giữ, phát huy những giá trị cốt lõi của gia đình Việt

Thứ ba - 24/05/2022 02:33
Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội. Gia đình là chiếc nôi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn của mỗi con người, là nơi phát triển mọi tiềm năng của thế hệ tương lai. Trải qua bao biến đổi của cuộc sống, giá trị này vẫn được giữ vững và phát huy.
Gìn giữ, phát huy những giá trị cốt lõi của gia đình Việt

Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội. Gia đình là chiếc nôi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn của mỗi con người, là nơi phát triển mọi tiềm năng của thế hệ tương lai. Trải qua bao biến đổi của cuộc sống, giá trị này vẫn được giữ vững và phát huy.

 

Gia đình là tổ ấm, nơi hình thành nhân cách của mỗi người. Ảnh: CTV

 

Tuy nhiên, trước tác động nhiều mặt của đời sống xã hội, các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đang có những biến đổi nhất định.

 

Lỗ hổng trong giáo dục nhân cách

 

Trước hết có thể thấy nhịp sống của nhiều gia đình Việt Nam ngày càng hối hả, tất bật hơn. Thời gian dành cho nhau giữa những người thân thiết trong gia đình ngày một ít, nhất là thời gian cha mẹ dành cho con cái. Một bộ phận cha mẹ mải mê làm ăn, đầu tư về kinh tế nhưng không đầu tư thời gian dành cho con. Theo một kết quả điều tra gia đình Việt Nam, gần 58% cha mẹ ở phía Nam và gần 63% cha mẹ ở phía Bắc không dành nổi 30 phút một ngày để giải trí với con. Mải miết với cơm áo, gạo tiền và những nhu cầu khác không dành đủ thời gian bên con tất sẽ dẫn đến những hệ lụy. Các nhà giáo dục đã chỉ ra một số biểu hiện lệch chuẩn trong giáo dục con cái của không ít gia đình hiện nay.

 

Tại hội thảo “Xây dựng nhân cách người Phú Yên từ giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình”, ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL) cho rằng: Một trong những thách thức của gia đình hiện nay là giáo dục gia đình. Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong của gia đình truyền thống Việt Nam. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam có biểu hiện xuống cấp, mai một…

 

Giáo dục trong không ít gia đình đôi khi không còn tiêu chí đạo đức rõ ràng. Cụ thể, nhiều năm trở lại đây, việc trọng bằng cấp và thói háo danh một cách thái quá đã khiến không ít gia đình (nhất là nơi đô thị) quay cuồng vào cuộc chạy đua cho con vào đại học, vào trường chuyên lớp chọn một cách vô lối. Dường như đã trở thành một nhu cầu của cha mẹ, ngày nào thấy con đi học về cũng chỉ hỏi “hôm nay được mấy điểm”. Không ít gia đình trẻ, người lớn thích điểm 10 và giấy khen hơn cả trẻ em. Điều này cho thấy mối quan tâm của cha mẹ là muốn con học giỏi, chẳng mấy khi quan tâm dạy con nên người.

 

Trước thực trạng trên và cách giáo dục lệch chuẩn của không ít gia đình, nhà tâm lý học Đỗ Văn Giảng từng nhận xét: “Cách dạy con cái trong gia đình này thường nuôi dưỡng những thú tính của trẻ đó là thói tham lam, ích kỷ, lười biếng và ỷ lại. Những thói xấu đó nhiễm dần vào chúng sẽ trở nên khó gạt bỏ nên đã trở thành thói quen. Trẻ bây giờ ít có những khả năng tự lập, tự làm chủ nên thường hay rụt rè, e ngại, thiếu năng động; hoặc dễ bị kích động trở nên liều lĩnh, dễ bị lừa gạt, hoặc a dua theo đám đông không ý thức được việc làm của mình”.

 

Cha mẹ là tấm gương cho con cái

 

Tình trạng suy đồi đạo đức vẫn diễn ra và đang là vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay. Dù vậy, giá trị gia đình vẫn được phát huy. Trong tâm thức của người Việt, gia đình là cái nôi sinh thành, để lại dấu ấn dưỡng dục không thể phai mờ trong suốt cuộc đời. Thế nên, để con cái nên người, trước hết cha mẹ phải là tấm gương soi, gương mẫu trong từng lời nói, hành động, lối sống. Đặc biệt, trong cuộc sống, dù lo toan với chuyện cơm áo gạo tiền, cha mẹ vẫn nên dành thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái, phù hợp với từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý của con.

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Chánh, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa là điển hình tiêu biểu nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Việc duy trì nếp sống văn hóa của gia đình gồm ba thế hệ này trong thời gian qua luôn được bà con hàng xóm ngưỡng mộ, noi theo. Ông Chánh chia sẻ: “Khi gia đình có mâu thuẫn thì vợ chồng tôi luôn biết nhường nhịn, cùng nhau khuyên nhủ, chịu khó ngồi lại nói chuyện với nhau để giải quyết vấn đề. Chuyện lớn được hóa nhỏ, rồi chuyện nhỏ hóa không”.

 

Với chị Nguyễn Thị Út ở xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa, hơn 10 năm chung sống với chồng, không tránh khỏi cảnh cơm không lành, canh không ngọt. Nhưng những lúc ấy, hai vợ chồng chị sẽ đóng cửa bảo nhau, nói chuyện thẳng thắn và cùng nhau giải quyết vấn đề. Trong việc dạy bảo các con, chị xác định làm bạn với con, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con, không áp đặt theo ý của mình. Bây giờ, điều chị tự hào là 2 con ngoan ngoãn, lễ phép, hiếu kính với ông bà, cha mẹ.

 

Chị Út tâm sự: “Với tôi, gia đình luôn là nơi bình yên nhất, nơi gửi gắm nuôi dưỡng những ước mơ, giáo dục nhân cách đầu tiên cho các con về cách đối nhân xử thế. Cho dù sau này các con có trưởng thành thì khi về gia đình vẫn là con của mình, không được quên đi cội nguồn và phải giữ nếp nhà. Đây là nền tảng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì thế, vợ chồng tôi luôn ý thức làm gương cho các con noi theo trong từng cử chỉ, hành động, lời ăn tiếng nói...”.

 

Với tôi, gia đình luôn là nơi bình yên nhất, nơi gửi gắm nuôi dưỡng những ước mơ, giáo dục nhân cách đầu tiên cho các con về cách đối nhân xử thế. Cho dù sau này các con có trưởng thành thì khi về gia đình vẫn là con của mình, không được quên đi cội nguồn và phải giữ nếp nhà. Đây là nền tảng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì thế, vợ chồng tôi luôn ý thức làm gương cho các con noi theo trong từng cử chỉ, hành động, lời ăn tiếng nói...

 

Chị Nguyễn Thị Út, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa

 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp