Bộ phim của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) về sự trắc trở của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cuối thế kỷ XIX tiếp tục con đường chinh phục thị trường điện ảnh Mỹ khi được công chiếu ở hơn 30 thành phố.
“Người vợ ba” lấy bối cảnh vùng nông thôn quê Việt Nam cuối thế kỷ XIX với nội dung xoay quanh câu chuyện về cô gái tên Mây (Nguyễn Phương Trà My thủ vai) được gả làm vợ ba cho một gia đình giàu có. Tưởng như bắt đầu một cuộc sống sung túc, đầy đủ, cô gái trẻ không ngờ mình bị lôi vào một cuộc tranh đấu ngầm trong gia đình mới với vợ cả (Trần Nữ Yên Khê) và vợ hai (Maya) để có được vị trí quan trọng ở nhà chồng.
Dựa trên những câu chuyện có thật về thân phận người phụ nữ Việt Nam trong xã hội trước đây, phim cũng đề cập đến các vấn đề của xã hội thời bấy giờ như hôn nhân sắp đặt, tục đa thê, trọng nam khinh nữ. Những hình ảnh đầu tiên của bộ phim đã phần nào tiết lộ một vài chi tiết về số phận của Mây trong xã hội thời bấy giờ, khi người phụ nữ không có sự lựa chọn.
Với nội dung sâu sắc, “Người vợ ba” đang nhận những phản hồi tích cực từ giới phê bình tại Mỹ. Cây viết Jessica Kiang của tờ Variety nhận định: “Phim đầu tay của Ash Mayfair mang đến một câu chuyện tuyệt đẹp, khơi gợi và đầy u sầu về sự khuất phục của phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XIX”.
Trong khi New York Times cho rằng phim quá hấp dẫn để coi là một tác phẩm thuộc thể loại tình cảm lãng mạn, cũng quá đẹp đẽ nên thơ để cho rằng phim chứa đựng những thông điệp đanh thép về nữ quyền, những gì mà Mây trải qua nằm giữa sự thương xót dịu dàng và cơn phẫn nộ trào dâng. Những sự tàn nhẫn mà cô phải đối diện là thực tế của cuộc sống.
Còn Mallory Andrews của tờ CinemaScope nhận định: “Đây là một tác phẩm của sự thấu cảm thầm lặng được mô tả tinh tế trong giới hạn tồn tại khắc nghiệt của cuộc sống ở một nhân vật mà cô ấy không bao giờ để lộ ra sự tuyệt vọng của mình”.
Sau Mỹ, Úc và Nhật Bản, phim “Người vợ ba” sẽ được chiếu thương mại ở các rạp trong nước vào tháng 6 và tháng 8 năm nay. Trước khi ra mắt khán giả trong nước, “Người vợ ba” đã gây nhiều tiếng vang ở các sự kiện điện ảnh quốc tế uy tín. Phim thắng giải của NETPAC - tổ chức phát triển điện ảnh châu Á gồm 29 quốc gia thành viên - ở Liên hoan phim Toronto (Canada); giải TVE-Another Look tại Liên hoan phim San-Sebastian (Tây Ban Nha) và giải “Phim xuất sắc” ở hạng mục tác phẩm quốc tế tại Liên hoan phim Kolkata International (Ấn Độ).
MỸ AN (tổng hợp)