Thời gian qua, Phú Yên có nhiều bứt phá ngoạn mục trong công tác cải cách hành chính (CCHC), trong đó có sự nỗ lực rất lớn trong công tác chỉ đạo. Qua đó, bộ máy hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp hơn, hứa hẹn chỉ số CCHC trong thời gian tới sẽ được cải thiện.
Tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh CCHC
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: Tiếp tục thực hiện Quyết định 225 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 188 về CCHC nhà nước tỉnh năm 2018, trong đó xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ CCHC toàn diện trên cả 6 nội dung CCHC.
Đồng thời xác định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm, sản phẩm và kết quả đầu ra, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch của từng cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo thiết thực, chất lượng, hiệu quả. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2049 về thành lập Ban chỉ đạo CCHC, chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh CCHC, xây dựng chính quyền điện tử và ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh.
Ông Mai Tấn Khoa ở huyện Tây Hòa cho biết: “Tôi thấy chất lượng, việc điều hành của các cấp lãnh đạo ngày càng được nâng lên, thể hiện qua việc các thủ tục hành chính (TTHC) của người dân được giải quyết nhanh hơn, công khai, minh bạch. Thái độ của các vị lãnh đạo cũng niềm nở, tôn trọng tổ chức, cá nhân. Ở tỉnh vận hành thông suốt hệ thống quản lý và xử lý văn bản trên môi trường mạng... tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết TTHC”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, phức tạp và có tác động mạnh mẽ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, UBND tỉnh đã ban hành và tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác CCHC, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện CCHC của sở, ngành, địa phương; đưa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết vào thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, niêm yết công khai, đầy đủ các TTHC theo quy định; khẩn trương xây dựng đề án vị trí việc làm; nỗ lực trong điều hành, cải tiến phương pháp làm việc, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người dân, xóa bỏ dần những rào cản về thủ tục và thái độ gây cản trở, nhũng nhiễu, phiền hà nhằm xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế, xã hội...
Khắc phục hạn chế, nâng chất điều hành
Theo Sở Nội vụ, thực hiện đề án xác định chỉ số CCHC của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh đã triển khai tự đánh giá, chấm điểm và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều tra xã hội học xác định chỉ số CCHC đảm bảo đúng nội dung yêu cầu, chất lượng, tiến độ, thời gian quy định.
Ngay sau khi công bố kết quả các chỉ số CCHC, PCI, PAPI, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị báo cáo và phân tích kết quả các chỉ số, qua đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm, phân tích điểm yếu, hạn chế và nguyên nhân, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác CCHC trong năm 2018 và thời gian tới. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH-ĐT phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát, đánh giá và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) lần đầu tiên trên địa bàn Phú Yên.
Phó Giám đốc phụ trách Sở TT-TT Lê Tỷ Khánh cho biết sở đã rà soát việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và hướng phát triển trong những năm tới, gắn với CCHC, xây dựng chính phủ điện tử; đồng thời hướng dẫn các ngành, địa phương công bố, cập nhật đầy đủ, kịp thời TTHC trên cổng/trang thông tin điện tử của ngành, địa phương... Qua đó vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, thực hiện CCHC, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng nâng cao.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương, công tác CCHC thời gian qua được tập trung chỉ đạo và có chuyển biến tích cực. Cùng với thành lập Ban chỉ đạo về CCHC, chính quyền điện tử và ứng dụng CNTT của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của CBCCVC nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của CBCCVC và người lao động.
Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy tổ chức các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu và việc thực thi công vụ của đội ngũ CBCC; kiên quyết xử lý, thay thế, chuyển đổi vị trí công tác những CBCCVC vi phạm kỷ cương, kỷ luật hành chính, trì trệ, thiếu trách nhiệm, uy tín thấp, năng lực công tác hạn chế không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp, người dân...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiến hành rà soát lại nhiệm vụ của các sở, ngành; khi giao nhiệm vụ phải gắn trách nhiệm với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, nhất là trong tham mưu đề xuất giải quyết công việc phải thực hiện hết trách nhiệm, đúng thẩm quyền, nêu rõ quan điểm, chính kiến, chấm dứt tình trạng tham mưu đề xuất chung chung, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan khác hoặc trình lên cấp trên.
Đồng thời chỉ đạo triển khai các giải pháp về chính quyền điện tử để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính, cắt giảm thời gian, giấy tờ và minh bạch trong giải quyết các công việc hành chính. Tỉnh sẽ thành lập và đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào hoạt động trong quý I/2019; giảm các cuộc họp UBND tỉnh, chỉ tổ chức các cuộc họp xử lý công việc theo đúng thẩm quyền, không xử lý các công việc thuộc trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương.
Tăng việc xử lý và chịu trách nhiệm của chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh theo thẩm quyền riêng. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của UBND tỉnh. Chú ý các vấn đề mới phát sinh ngoài kế hoạch để xử lý kịp thời...
PHẠM THÙY