Đảm bảo việc làm, an sinh xã hội cho người dân

Thứ năm - 19/12/2024 01:17
Nhằm hỗ trợ, tạo động lực cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS… có điều kiện vươn lên phát triển sản xuất, ổn định chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống, Sở LĐTB&XH đã phối hợp các cấp, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện nhiều chương trình, giải pháp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Đảm bảo việc làm, an sinh xã hội cho người dân

Nhằm hỗ trợ, tạo động lực cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS… có điều kiện vươn lên phát triển sản xuất, ổn định chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống, Sở LĐTB&XH đã phối hợp các cấp, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện nhiều chương trình, giải pháp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

 

Người lao động có việc làm ở Xí nghiệp Song mây xuất khẩu Rapexco Hòa Hiệp. Ảnh: KIM CHI

 

Với chính sách linh hoạt và huy động các nguồn lực xã hội hóa, thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, các chỉ tiêu trong năm 2024 về công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

 

Nhiều cách giúp dân

 

Năm 2024, sau nhiều nỗ lực, gia đình chị Sô Thị Lét (xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) đã thoát khỏi hộ nghèo. Chị Lét phấn khởi cho biết, trước đây kinh tế gia đình chị rất khó khăn. Từ khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ bò giống để chăn nuôi, gia đình có thêm động lực thoát nghèo, chí thú làm ăn, nên cái nghèo không còn đeo bám nữa.

 

Còn chị Nguyễn Thị Sang ở thôn Tiên Châu (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) chia sẻ: Trong năm 2024, gia đình tôi được Quỹ Vì người nghèo của Ủy ban MTTQ huyện Tuy An hỗ trợ 50 triệu đồng để xóa nhà tạm. Có nơi ở ổn định, không lo mưa dột gió lùa, gia đình yên tâm lao động sản xuất, thoát nghèo, bắt đầu có tích lũy.

 

Không chỉ gia đình chị Lét, chị Sang mà nhiều hộ nghèo khác cũng được hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết hoặc được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

 

Anh Sô Minh Hoàng ở xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân trước đây không có chỗ ở, việc làm không ổn định. Được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 60 triệu đồng, anh Hoàng đầu tư trồng mía, sắn kết hợp chăn nuôi bò. Đến nay, kinh tế gia đình phát triển ổn định, anh Hoàng dần trả được nợ và vươn lên thoát nghèo.

 

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 27.050 lao động, đạt 106% kế hoạch; tổ chức đào tạo nghề cho 10.197 người, đạt 127,46% kế hoạch; huy động đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh trên 1 tỉ đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm 0,85% so với đầu năm, đạt 100% kế hoạch…

 

Ông Nguyễn Hữu Từ, Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những nhiệm vụ trọng tâm của ngành; nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn KT-XH của tỉnh, sở đã chủ động trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và tham mưu đề xuất kịp thời, đúng hướng cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành những chính sách, giải pháp lớn, qua đó cụ thể hóa các nhiệm vụ của ngành. Đồng thời tập trung chỉ đạo, huy động nguồn lực, phối hợp lồng ghép nhiều chương trình để thực hiện có kết quả các mục tiêu đã đề ra.

 

Toàn tỉnh đã cấp 11.964 thẻ BHYT cho người dân thuộc hộ nghèo, 29.588 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, cấp trên 55.000 thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình nông lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; hỗ trợ hơn 7 tỉ đồng xây nhà ở cho 130 hộ nghèo, hộ chính sách. Các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ cho các đối tượng chính sách, chăm lo đời sống người có công với cách mạng, đối tượng xã hội, hộ nghèo, nhất là trong dịp lễ, tết.

 

Theo ông Lê Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH), năm 2024, các sở, ban ngành, địa phương và hội đoàn thể tỉnh đã giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 101 tỉ đồng, đạt 77,9% tổng vốn giai đoạn 2022-2024.

 

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn và hạn chế. Cụ thể là công tác tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động chưa sâu rộng; người lao động có tâm lý ngại đi làm việc ở nước ngoài do khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Một số giáo viên dạy nghề có tay nghề chưa cao, chưa kịp thời cập nhật các phương pháp, kiến thức mới; chưa có nhiều giải pháp mang tính chất đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nghề...

 

Ông Nguyễn Hữu Từ cho biết năm 2025, mục tiêu của toàn ngành là phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; đẩy mạnh công tác đưa người lao động Phú Yên đi làm việc ở nước ngoài, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

 

Theo đó, ngành LĐTB&XH tiếp tục đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường lao động trong tỉnh, trong nước và nước ngoài để hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu làm việc trong nước và nước ngoài theo hợp đồng, qua đó định hướng công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

 

Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng, quan tâm đời sống người nghèo, người gặp khó khăn, thu nhập thấp. Đồng thời đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới…

 

Toàn tỉnh phấn đấu năm 2025, giải quyết việc làm cho 25.500 lao động; tỉ lệ lao động tham gia BHXH đạt 21,6%; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt 1 tỉ đồng; mức giảm tỉ lệ hộ nghèo 1,02%. 

 

KIM CHI

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp