Giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững cho người lao động

Thứ sáu - 15/11/2024 10:38
Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, đây cũng là giải pháp tạo việc làm bền vững cho người lao động, thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động.
Giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững cho người lao động

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, đây cũng là giải pháp tạo việc làm bền vững cho người lao động, thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động.

 

Trường cao đẳng Nghề Phú Yên ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nghề với Công ty TNHH Thương mại đầu tư Vĩnh Bảo - Wink hotel Tuy Hòa Beach. Ảnh: KIM CHI

 

Theo số liệu thống kê của Sở LĐTB&XH, lực lượng lao động trong độ tuổi của tỉnh hiện nay hơn 470.300 người, chiếm 53,65% tổng dân số. Phú Yên đang trong thời kỳ dân số vàng (tỉ số phụ thuộc chung 37,3% đến dưới 50%). Tỉ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 72,9%, tỉ trọng dân số dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi lần lượt là 17,3% và 9,8%, lực lượng lao động đang trong thời kỳ đông đảo nhất, cứ có 1 người phụ thuộc thì có 2 người trong độ tuổi lao động.

 

Liên kết chặt chẽ Nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường

 

Những năm qua, công tác giải quyết việc làm và đào tạo nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng để cung ứng lao động đã có những chuyển biến rõ nét và mang tính đột phá. Trung bình mỗi năm giải quyết việc làm trên 24.000 lao động.

 

Trong đó, tạo việc làm mới tăng thêm bình quân mỗi năm hơn 4.460 lao động. Song, kết quả này vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tìm đủ và giữ chân được người lao động ở các vị trí cần tuyển và có lúc phải đào tạo lại lao động sau khi tuyển dụng. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho địa phương, các ban ngành, cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp để cùng nhau vạch ra một chiến lược phát triển hợp lý, đáp ứng xu hướng thị trường.

 

Ông Huỳnh Văn Thọ, đại diện bộ phận nhân sự Công ty CP An Hưng chia sẻ: Hiện nay, đơn hàng của công ty đã bắt đầu có những tín hiệu khả quan. Số lượng đơn hàng đã bắt đầu đủ và vượt ngưỡng năng suất thiết kế theo lực lượng lao động hiện có. Để đảm bảo thời gian xuất hàng, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn đã qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của công ty trong thời kỳ mới. Cụ thể, từ nay đến cuối năm công ty cần tuyển 350 lao động và nhu cầu năm 2025 dự kiến tuyển 1.500 lao động.

 

Theo ông Lê Đức Tịnh, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, công tác GDNN gắn với doanh nghiệp, với sự phát triển KT-XH của địa phương và thị trường lao động là một tất yếu. Đây là một nội dung hết sức quan trọng, cấp thiết, đang được các cấp, ngành quan tâm. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động GDNN như chính sách xã hội hóa, chính sách miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Một số cơ sở GDNN đã có nhiều hoạt động liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho học viên, học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

 

Tại hội nghị gắn kết GDNN với việc làm và doanh nghiệp mới đây, nhiều ý kiến cho rằng cần tổ chức liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường để tuyển dụng, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp mà không phải đào tạo lại.

 

Ông Phạm Tâm Đê, Phó Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐTB&XH) cho biết toàn tỉnh có 18 cơ sở GDNN. Các cơ sở GDNN có tham gia tuyển sinh và dạy nghề qua các ngành, nghề cụ thể như: hàn; tiện; sửa chữa ô tô; kỹ thuật lắp ráp máy tính; vận hành máy đào, máy ủi; may công nghiệp; may thời trang; uốn tóc; điện dân dụng, điện công nghiệp; nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn; pha chế đồ uống; phòng và trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật làm bánh Âu Á; gia công thiết kế sản phẩm mộc, kỹ thuật chế biến các món ăn, kỹ thuật trồng trọt; tin học văn phòng… Tính đến cuối tháng 9, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 77,26%. Trong đó tỉ lệ có văn bằng chứng chỉ 28,62%.

 

Nhìn chung, các cơ sở GDNN đã từng bước chú ý đến việc giải quyết việc làm cho người lao động sau khi đào tạo bằng các hình thức như: Ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ cho các doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp, mời các doanh nghiệp về cơ sở tuyển dụng sau mỗi khóa học...; tạo thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm. Bước đầu đã có sự liên kết giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động. Các doanh nghiệp đã tham gia với các cơ sở GDNN trong việc hoàn thiện nội dung, chương trình dạy nghề theo yêu cầu của sản xuất; nhận học sinh, sinh viên vào thực tập và làm việc tại doanh nghiệp.

 

TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết: Để tiếp tục gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh trong giai đoạn hiện nay, nhà trường sẽ phối hợp Ban Quản lý KKT, Hiệp hội Doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh… tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về nhu cầu sử dụng lao động trong toàn tỉnh để có kế hoạch đào tạo, tạo nguồn nhân lực có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

 

Học viên tham gia học nghề điện dân dụng tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: KIM CHI

 

Đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

 

Theo Sở LĐTB&XH, trong những năm qua, hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu. GDNN thu hút được nhiều doanh nghiệp cùng đồng hành giải quyết bài toán nâng cao chất lượng GDNN, tạo dựng việc làm bền vững và nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động.

 

Ông Hoàng Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề thanh niên dân tộc Phú Yên cho biết thời gian qua, nhà trường không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo các ngành nghề gắn với nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp, thị trường lao động. Bên cạnh đó, hằng năm trường còn phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức ngày hội, tư vấn, giới thiệu việc làm. Qua đó giúp các em có thông tin vị trí việc làm, có thể tìm được nghề phù hợp sau khi tốt nghiệp. Tỉ lệ học sinh của trường có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 72-75%.

 

Để có sự phối hợp chặt chẽ trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm, ông Lê Đức Tịnh, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho hay: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động có thu nhập cao và đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH là mục tiêu mà tỉnh hướng đến. Theo đó, các cơ sở GDNN thực hiện việc đào tạo thông qua đặt hàng của doanh nghiệp, người sử dụng lao động để tiếp nhận vào làm việc.

 

Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin liên quan đến đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở GDNN. Tổ chức tốt thông tin thị trường lao động, nắm bắt diễn biến cung - cầu nhằm điều chỉnh, di chuyển lao động từ nơi thừa sang nơi thiếu; thu hút lao động các ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao mà tỉnh không đáp ứng được từ nơi khác đến.

 

Đồng thời hỗ trợ người lao động trong tỉnh đi làm việc ở địa bàn khác phù hợp với nguyện vọng, kỹ năng họ có; tổ chức tốt hoạt động dịch vụ, giới thiệu việc làm. Tiếp tục duy trì, phát triển cả về quy mô và tần suất mở các sàn giao dịch việc làm. Nâng cấp và tăng cường năng lực Trung tâm Dịch vụ việc làm để tổ chức tốt sàn giao dịch việc làm, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động… 

 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động có thu nhập cao và đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH là mục tiêu mà tỉnh hướng đến.

 

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Lê Đức Tịnh

 

KIM CHI

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp