2018 là năm đầu tiên Phú Yên thí điểm triển khai Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI) nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân. Đây là một trong những giải pháp đột phá thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng quản lý điều hành thích ứng với giai đoạn mới. Tuy nhiên, để cải thiện vị trí, nâng cao bộ chỉ số này cần sự chung tay, hợp lực của cả cộng đồng.
Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến, từ kết quả DDCI tỉnh Phú Yên năm 2018 vừa được công bố có thể đánh giá được những điểm mạnh, điểm hạn chế của 26 cơ quan, đơn vị tham gia thí điểm. Thông qua đó, các cơ quan, đơn vị tự nhìn nhận, rút kinh nghiệm, chủ động đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả hơn, nhất là công tác CCHC và hoạt động điều hành. Mặc dù là năm đầu tiên triển khai, nhưng DDCI Phú Yên đã nhận được sự phản hồi của hơn 700 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia khảo sát và nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng.
“Nếu như PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh chính quyền cấp tỉnh về chất lượng điều hành kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh, thì DDCI là chỉ số năng lực cạnh tranh của chính quyền cấp huyện, thành phố và các sở, ban ngành trực thuộc tỉnh, có ý nghĩa làm sáng tỏ các chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh; đánh giá chất lượng thực tế điều hành cấp tỉnh, cấp huyện thông qua góp ý của người dân và doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội “truyền lửa cải cách về cơ sở” và hướng đến môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững”, đồng chí Nguyễn Chí Hiến nhấn mạnh.
Ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nhân tỉnh tâm đắc: “DDCI thí điểm thực hiện ở Phú Yên có ý nghĩa rất quan trọng đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Nó như một cú hích toàn diện từ tỉnh đến huyện và các sở, ban ngành đều tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Chỉ số này được xây dựng trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp. Đây là cơ sở giúp cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động và sản xuất bền vững.
Tôi đánh giá cao việc lựa chọn các chỉ số đánh giá tương đối chính xác của Bộ Chỉ số DDCI này của các chuyên gia tư vấn cho tỉnh”. Còn theo ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN-MT, DDCI giúp cho các sở, ban ngành thấy được những tồn tại, hạn chế của ngành mình. Thông qua chỉ số này, từng đơn vị có thể xây dựng cho mình những chương trình hành động, kế hoạch triển khai để tạo những bước đột phá, cải cách đơn vị mình. Đồng thời cải thiện vị trí xếp hạng trong mắt của các tổ chức, cá nhân. Đây là công cụ hữu hiệu cho chương trình cải cách hành chính của sở.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Theo UBND tỉnh, DDCI triển khai thí điểm với 17 sở, ngành và 9 địa phương trên cơ sở 8 chỉ số thành phần gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; vai trò người đứng đầu; tính năng động và hiệu lực của khối sở, ban ngành/tiếp cận đất đai của khối địa phương.
Bảng xếp hạng DDCI cho thấy, khối sở, ban ngành, một số đơn vị có truyền thống quản lý tuân thủ, tương tác nhiều với doanh nghiệp như ngành Thuế, Công thương, KH-ĐT được sự đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp; khối sở, ban ngành tham mưu, phụ trách các nguồn lực đất đai, cơ sở hạ tầng được đánh giá ở nhóm xếp cuối. Đối với khối địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao hai địa phương Tuy An, Tây Hòa. Qua kết quả này, xét về tổng thể, các cơ quan của tỉnh đang có thế mạnh tương đối ở một số khía cạnh như: thiết chế pháp lý và cạnh tranh bình đẳng.
Đại diện đơn vị tư vấn DDCI Phú Yên, TS Nguyễn Đức Nhật cho biết: “Qua nghiên cứu thực tế cho thấy, khoảng cách giữa kết quả trung bình toàn tỉnh với các mức điểm số trung bình mỗi chỉ số thành phần trong PCI 2017 còn rất lớn. Kết quả DDCI đã bộc lộ những hạn chế trong công tác tham mưu, quản lý cấp sở, ngành và địa phương.
Trong khi khối địa phương lộ rõ những hạn chế về chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, vai trò người đứng đầu, tính minh bạch và tiếp cận thông tin thì khối sở, ban ngành có những điểm yếu về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức, vai trò người đứng đầu và chi phí thời gian. Chính vì vậy, tỉnh cần đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục những điểm yếu này”.
Ông Trần Văn Tân, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết: “Nhờ có DDCI mà tỉnh có thể đánh giá được sức cạnh tranh của các sở, ngành và địa phương. Đây là cơ hội cộng đồng doanh nghiệp cùng chính quyền chung tay đổi mới, nâng cao hiệu quả điều hành hướng tới môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng bền vững, góp phần giúp cho chính quyền và doanh nghiệp có tiếng nói chung - tiếng nói vì công cuộc phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện tốt các chỉ số thành phần là điều không đơn giản. Sở sẽ tiếp tục với đơn vị tư vấn rà soát các chỉ tiêu trong bộ chỉ số này để cùng với các sở, ngành, địa phương xây dựng mục tiêu của mỗi đơn vị”.
Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến, cải cách DDCI là tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều chỉnh kinh tế giữa chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban ngành. Cải cách DDCI một cách quyết liệt, đồng bộ là cần thiết để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư. Bảng xếp hạng DDCI là cơ sở giúp UBND tỉnh xác định các điểm nghẽn trong công tác điều hành. Qua đó giúp tỉnh giải quyết các “nút thắt” về thể chế, tổ chức cũng như công tác cán bộ kịp thời và hiệu quả.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì công bố công khai chỉ số DDCI, nhằm tạo sự cạnh tranh liên tục, tạo cơ sở dữ liệu đo lường và giám sát chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh và các đơn vị cơ sở theo thời gian. Ban chỉ đạo PCI-DDCI của tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, nhóm nghiên cứu và tư vấn có những giải pháp đồng bộ, nhất là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tập huấn các nội dung này và cùng với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, trao đổi xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ số thành phần DDCI.
Kết quả công bố DDCI cho thấy đơn vị tư vấn thực hiện phương pháp đánh giá cơ bản đảm bảo độ tin cậy và tính khách quan. Cải thiện DDCI là mục tiêu để Phú Yên phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, song điều này còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố cơ chế, chính sách, chiến lược và con người. Do vậy, lãnh đạo tỉnh, các cấp cần nỗ lực, quyết tâm cao; có giải pháp làm thay đổi tư duy, thói quen và tập trung đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tế nhằm tăng tính minh bạch trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện.
Các sở, ban ngành và địa phương phải mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại của đơn vị mình trong từng chỉ số thành phần DDCI, để có những giải pháp quyết liệt hơn, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Qua đó cũng giúp tỉnh nhìn nhận được những việc làm được và những hạn chế cần khắc phục để cải thiện chỉ số DDCI, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong thời gian đến.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương |
PHẠM THÙY