Lành mạnh hoạt động kinh doanh trên nền tảng số

Thứ hai - 02/12/2024 12:24
NGUYỄN QUANG
Lành mạnh hoạt động kinh doanh trên nền tảng số

Nhâm nhi ly cà phê sáng, ông N.H.N ở huyện Tây Hòa lầm bầm về việc ông bị lừa mất 3 triệu đồng khi cọc tiền mua chiếc xe máy trên nền tảng xã hội TikTok và Zalo. Theo lời ông N, cách đây 10 ngày, ông truy cập TikTok, thấy một tài khoản lạ giới thiệu bán xe máy giá rẻ và được hướng dẫn kết bạn Zalo từ số điện thoại 0934803xxx để giao dịch. Tin tưởng, ông N kết bạn Zalo theo hướng dẫn và chọn mua chiếc xe máy hiệu Honda Dream với giá 7 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận, ông N chuyển cọc 3 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng cho bên bán xe, số tiền còn lại khi nào ông N nhận xe thì sẽ trả đủ. Thế nhưng, sau khi nhận tiền cọc của ông N thì bên bán xe hủy kết bạn Zalo với ông, số điện thoại 0934803xxx thì không liên lạc được.

 

Qua tìm hiểu, những người bị lừa mất tiền như ông N.H.N không phải hiếm, khi hiện nay có nhiều người chọn mua hàng hóa trên các nền tảng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo… Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra 61.079 trường hợp, phát hiện và xử lý 41.725 vụ vi phạm kinh doanh trên nền tảng số, tổng số tiền xử lý hơn 770 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử, nền tảng số.

 

Hoạt động kinh doanh trên nền tảng số tại Việt Nam trở thành phương thức kinh doanh phổ biến và được áp dụng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề với nhiều đối tượng tham gia. Các tổ chức và cá nhân có thể dễ dàng thiết lập và sử dụng nhiều tài khoản đăng nhập vào các trang mạng như: Facebook, Zalo, TikTok... để thực hiện các giao dịch mua, bán hàng hóa. Do tính chất đặc thù, người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp, chỉ thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng, nên hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… xuất hiện ngày càng nhiều. Để bán được nhiều hàng, các đối tượng kinh doanh thường dùng những hình thức phổ biến như livestream với giá sản phẩm rất rẻ, kèm theo lời mời chào hấp dẫn để thu hút khách hàng. Và hậu quả là nhiều người bị lừa mất tiền, hoặc mua phải hàng lậu, hàng giả.

 

Khó khăn đối với lực lượng chức năng trong việc quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng số là tình trạng các đối tượng kinh doanh lập nhiều tài khoản bán hàng trên các mạng xã hội, mập mờ trong đăng ký hoạt động, khai báo thông tin không chính xác về nhân thân, thường xuyên thay đổi địa chỉ, hoặc khi có dấu hiệu vi phạm thì xóa bỏ mọi hình ảnh có liên quan.

 

Trước tình hình này, UBND tỉnh vừa chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, nhất là công tác quản lý thuế, tạo sự công bằng trong việc chấp hành pháp luật thuế đối với người nộp thuế. Kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

 

Chỉ khi các ngành, đơn vị chức năng phối hợp, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa đảo, gian lận, trốn thuế và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì môi trường kinh doanh trên không gian mạng mới lành mạnh, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng và không gây thiệt hại cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 

NGUYỄN QUANG

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp