Lên rẫy thu hoạch keo thuê

Thứ sáu - 21/02/2025 08:10
Tháng Giêng ở vùng núi là thời điểm thu hoạch rộ gỗ keo nguyên liệu, bởi đã qua mùa mưa, đường sá khô ráo, xe tải vào tận rẫy vận chuyển.
Lên rẫy thu hoạch keo thuê

Tháng Giêng ở vùng núi là thời điểm thu hoạch rộ gỗ keo nguyên liệu, bởi đã qua mùa mưa, đường sá khô ráo, xe tải vào tận rẫy vận chuyển.

 

Từng tốp người lên rẫy cao thu hoạch keo thuê đóng trại ở lại đêm, ban ngày cưa, lột vỏ cây keo rồi bốc lên xe tải. Nghề này tuy vất vả nhưng giúp nhiều người có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định.

 

Đóng trại tại rẫy

 

Tốp người chạy xe máy trên tuyến đường từ xã Xuân Quang 3 qua Xuân Phước lên Xuân Quang 1 rồi ngược lên xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) thu hoạch keo thuê, phía sau xe chở máy cưa, xoong nồi, xăng nhớt...

 

Ông Nguyễn Văn Tưng, một người thu hoạch keo thuê ở xã Xuân Quang 3 chia sẻ: Gia đình tôi làm nghề nông nhưng cũng chỉ có gần 2 sào lúa. Thời điểm này lúa đã cấy dặm, vãi phân xong nên vợ chồng đi thu hoạch keo thuê. Nghề này tuy vất vả vì đi xa, nằm rừng nằm rẫy, nhưng có thu nhập hằng ngày để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.

 

Cũng theo ông Tưng, từ nhà lên Phú Mỡ xa 40 cây số nên đến nơi, ông phải căng bạt đóng trại tại rẫy keo tối ngủ, ban ngày thu hoạch keo. “Làm nghề này lên núi ở lại tại rẫy từ 7-10 ngày nên phải đi chợ “sắm chuyến”, mua gạo, nước mắm, cá mặn, mắm ruốc... Vợ chồng tôi mỗi lần đi “sắm chuyến” từ bột ngọt, nước mắm đến gạo... tốn hơn 1 triệu đồng”, ông Tưng nói.

 

Người làm công việc thu hoạch keo thuê phải có sức khỏe để dùng cưa xăng cưa hạ cây, lột vỏ, vận chuyển lên xe. Nghề này ăn theo sản phẩm, phân ra 2 công đoạn, cưa và lột vỏ, vác keo lên xe. Người thầu rẫy keo đứng ra nhận thu hoạch keo cả hai khâu rồi phân chia lại, người chuyên cưa hạ cây, còn lại là lột vỏ và vác keo lên xe. “Hiện nay nhận “keo 30”, tức là 300.000 đồng/tấn, thì người cưa được 70.000 đồng/tấn, còn lại là công lột vỏ, vận chuyển keo lên xe”, ông Tưng nói.

 

Ông Nguyễn Toán, một người chuyên cưa keo thuê cho hay: Một ngày tôi cưa hạ 15 tấn keo, thu hơn 1 triệu đồng, trừ chi phí xăng xe, tiền “sắm chuyến”, còn 400.000 đồng. Công đoạn cưa đòi hỏi phải có sức vì hạ cưa sát mặt đất cắt gốc, nếu cưa chừa gốc còn lại 20cm thì chủ keo không chịu. Vì vậy, người cưa có khi nằm dài cưa gốc. Công việc vất vả nhưng có khoản thu nhập đáng kể.

 

Trang trải cuộc sống gia đình

 

Nghề thu hoạch keo hình thành những nhóm làm việc với nhau. Trung bình mỗi nhóm có từ 5-7 người, 1 người cưa, còn lại lột vỏ, vác keo lên xe tải. Với những người làm nghề lột vỏ, vác keo thì việc trầy xước, dẫm phải gai, té ngã chảy máu là chuyện thường; khi bốc gỗ lên xe tải, gỗ rơi trúng chân, trúng người cũng không hiếm.

 

Chị Hờ Thị Bông ở xã Xuân Phước cho biết: Lần trước do trời mưa nên khi tôi chuyển gỗ keo lên xe, trơn quá, tuột tay, rớt trúng chân. Lần đó tôi cũng phải nghỉ điều trị mất mấy ngày, tiền công không đủ bù tiền thuốc.

 

Cũng theo chị Bông, vợ chồng chị đảm nhận khâu lột vỏ, vác keo lên xe, thường mỗi ngày kiếm 600.000-700.000 đồng. Tuy nhiên, có lúc gặp rẫy keo khó lột vỏ dẫn đến cầm công thì ngày công lao động chỉ 200.000 đồng/người. Có chuyến vợ chồng đi cả tuần về trừ tiền “sắm chuyến”, xăng xe, còn lại 3 triệu đồng. “Tối ở trên rẫy cao, muỗi bay như hốt cát vãi. Tối nào chúng tôi cũng quơ cành nhánh keo khô nhóm lửa hun khói đuổi muỗi. Nghề lột keo thuê vất vả nhưng ráng làm thì kiếm tiền nuôi con ăn học”, chị Bông nói.

 

Thông thường một nhóm thu hoạch keo thuê thường đi theo một chủ thu mua. Có lúc chủ mua những rẫy keo ở gần thì nhóm thu hoạch keo thuê sáng đi chiều về. Đối với những rẫy keo ở khu vực khó đi lại, họ muốn khai thác phải mở đường để xe chuyên chở vào nơi gần nhất. Có những đồi keo ở xa qua suối, xe tải không thể vào đến nơi, người vận chuyển phải vác bộ từ rẫy vượt qua dốc cao để đến khu vực tập kết keo. Có nơi dùng ngựa thồ vận chuyển.

 

Trên rẫy keo hai bên quốc lộ 19C đoạn qua xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), tốp người ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) vượt đèo bằng xe máy đến đây mưu sinh bằng nghề cưa hạ, cắt khúc và lột vỏ keo thuê. Đàn ông khỏe mạnh ôm cưa máy cưa cây và cắt thành khúc dài tầm 3m. Phụ nữ gom cây thành đống rồi cặm cụi lột vỏ. Công việc kéo dài từ sáng sớm đến tận trưa. Họ ăn vội gói cơm mang theo, nghỉ ngơi giây lát rồi tiếp tục ra rừng làm việc. Chiều, mọi người cùng nhau gắng sức khiêng, vác gỗ chất lên xe tải chở đến bán cho những nhà máy dăm gỗ.

 

Vợ chồng chị Bùi Thị Điệp ở xã An Lĩnh cho hay: Gà gáy, chúng tôi thức dậy nấu nướng rồi ăn vội bữa sáng trước khi rời nhà. Trưa, hai vợ chồng mở gói cơm mang theo ăn qua bữa rồi tiếp tục làm việc. Sau khi lột vỏ rồi chất gỗ lên xe tải 20 tấn, vợ chồng vượt đường rừng trở về nhà trong đêm tối mịt.

 

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng công việc khai thác keo thuê đã và đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở các huyện miền núi, giúp họ có nguồn thu nhập trong lúc nông nhàn trang trải cuộc sống gia đình.

 

Theo nhiều người dân trên quốc lộ 19C đoạn từ xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) qua xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), hiện mỗi ngày có từ 5-7 xe tải với trọng lượng trên 100 tấn vận chuyển gỗ keo về nhà máy dăm gỗ.

 

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hằng năm toàn tỉnh trồng 6.000ha rừng tập trung, sản lượng khai thác 240.000 tấn rừng trồng. Nhiều gia đình sống dựa vào khai thác và trồng rừng kinh tế, cuộc sống ổn định.

 

MẠNH HOÀI NAM

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp