Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh theo hướng điện tử hóa, giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân và nâng cao tính minh bạch.
Tiện lợi, minh bạch, an toàn…
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương, nhìn chung bước đầu ứng dụng CNTT đã đáp ứng một phần mục tiêu đề ra.
Đáng chú ý, tỉnh đã phối hợp với VNPT Phú Yên, Viettel Phú Yên triển khai vận hành ổn định trục liên thông văn bản (https://phuyen.vnptioffice.vn/), Cổng dịch vụ công (DVC) của tỉnh (http://congdichvucong.phuyen.gov.vn/) và đã kết nối ổn định với Chính phủ. Đồng thời đầu tư nâng cấp trung tâm dữ liệu của tỉnh, đảm bảo các tiêu chuẩn thiết yếu đáp ứng nhu cầu trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử tại địa phương.
Ông Trần Nhất Quỳnh ở xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, cho biết: “Hiện nay, công việc chuẩn bị và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) rất tiện lợi. Để đăng ký kinh doanh hộ gia đình, chỉ vài thao tác trên máy tính, tôi tìm đến trang DVC trực tuyến của tỉnh là có đầy đủ thông tin cần tìm”.
Còn ông Huỳnh Tấn Bi ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, chia sẻ: “Tôi rất hài lòng với cách giải quyết TTHC như hiện nay của các cơ quan nhà nước. Ở nhà tôi có thể lên mạng tìm hiểu. Đến cơ quan nhà nước thì có máy lấy số thứ tự, thủ tục được niêm yết công khai. Thời gian giải quyết tại trụ sở cơ quan tiếp nhận và trả kết quả tạo điều kiện cho người dân xác định được tiến độ giải quyết hồ sơ”.
Theo Sở KH-ĐT, hiện sở này đã cập nhật xong các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở lên cổng DVC của tỉnh và thông báo thời gian bắt đầu triển khai, vận hành đến các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp biết.
Đối với công tác văn thư thì tiếp tục ứng dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc để gửi/nhận văn bản qua trục liên thông của tỉnh; tiếp tục cập nhật lên Trang thông tin điện tử Sở KH-ĐT và Trang thông tin điện tử doanh nghiệp và đầu tư Phú Yên các văn bản chỉ đạo về cải cách hành chính của Chính phủ, bộ, ngành và của tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao tính minh bạch trong việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.
Mới đây, UBND tỉnh sơ kết 1 năm triển khai thực Kế hoạch hành động số 97 về thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử (KH97). Qua đó cho thấy các sở, ban ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã hoàn thành 66/73 hạng mục công việc của KH97 (đạt 90,4%).
Kết quả bước đầu đã xây dựng được nền hành chính của tỉnh theo hướng điện tử cơ bản đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cơ sở, đang dần hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, tạo môi trường làm việc điện tử diện rộng, ổn định, an toàn, an ninh thông tin, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, giảm thời gian, chi phí cũng như nâng cao tính minh bạch trong hoạt động các cơ quan nhà nước của tỉnh.
Tiếp tục hoàn thiện, tạo bước đột phá
Ông Võ Đức Thơ, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Hiện nay, 25 sở, ban ngành, 9/9 huyện, thị xã, thành phố và 112/112 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành.
Việc kết nối liên thông hệ thống giữa các phần mềm này giữa các cơ quan, đơn vị cùng cấp hành chính và giữa các cấp cũng đã được triển khai. UBND tỉnh đã xây dựng Trục liên thông văn bản của tỉnh (từ cấp tỉnh đến cấp xã) và đã liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện.
Ngoài ra, sau khi rà soát, thỏa thuận cung cấp dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC với Bưu điện tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã thông báo danh mục TTHC được tiếp nhận và không được tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích công khai rộng rãi để người dân, doanh nghiệp được biết, thực hiện.
Các nội dung, giải pháp đã thực hiện để khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả các DVC trực tuyến, bao gồm: tổ chức tập huấn các điểm hướng dẫn tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng DVC; tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp về lợi ích của DVC trực tuyến và thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến (đối với các TTHC có thông báo thực hiện mức độ 3, 4).
Nhìn chung, cải cách TTHC tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa tạo bước đột phá, thủ tục vẫn còn rườm rà, phức tạp; các thủ tục liên thông còn ít; số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn hạn chế; cơ sở vật chất tại bộ phận một cửa được đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hành chính; chưa có cơ chế kiểm soát tốt công tác giải quyết TTHC; số hồ sơ trễ hẹn còn nhiều, nhất là trong lĩnh vực đất đai, chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính còn hạn chế, chưa đồng bộ và hiệu quả.
Việc đầu tư và ứng dụng các phần mềm trong quản lý hành chính nhà nước thiếu thống nhất, chưa đồng bộ, chỉ triển khai riêng lẻ trong từng đơn vị, dẫn đến khó khăn cho việc kết nối liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu. TTHC thay đổi liên tục và quy trình ISO còn rườm rà, hình thức, chưa thống nhất dẫn đến khó khăn trong triển khai các phần mềm dùng chung...
Theo đồng chí Nguyễn Chí Hiến, trong thời gian đến, tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc quy định TTHC; đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm TTHC trên tất cả các lĩnh vực; tăng cường công khai TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia, trang thông tin điện tử và niêm yết tại trụ sở cơ quan, địa phương; thực hiện thí điểm mô hình giải quyết hồ sơ TTHC lưu động đối với một số lĩnh vực, TTHC thích hợp.
Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, cung cấp DVC và nâng cấp mức độ thực hiện các DVC trực tuyến trong giải quyết TTHC đảm bảo tính hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC và cung cấp DVC cho người dân, doanh nghiệp. Ban hành quy chế quản lý ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh...
PHẠM THÙY