Cùng với triển khai các hoạt động phòng chống, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều trị cai nghiện tập trung là một giải pháp quan trọng nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội.
Học viên cai nghiện ma túy tham gia lao động, sản xuất tại Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội tỉnh. Ảnh: KIM CHI |
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) và sự phối kết hợp giữa các sở, ngành, địa phương, công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã có hiệu quả hơn.
Quyết tâm cai nghiện, từ bỏ “nàng tiên nâu”
Ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội Phú Yên (cơ sở) cho biết: Cơ sở là nơi tổ chức tiếp nhận người cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện và người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Năm 2024, cơ sở tổ chức cai nghiện cho 124 người, trong đó năm 2023 chuyển sang 49 người. Hiện tại, cơ sở tổ chức cai cho 62 người nghiện ma túy (học viên), trong đó có 48 trường hợp cai nghiện bắt buộc, còn lại làtựnguyện.
Học viên H.T.S (SN 1999, phường 9, TP Tuy Hòa) cho biết đã nghiện ma túy 6 năm; đi cai nghiện vài lần nhưng vẫn chưa từ bỏ được ma túy. “Em vào đây theo lệnh của tòa án. Đây là lần cai nghiện bắt buộc nên em sẽ cố gắng làm lại cuộc đời. Em thấy môi trường cai nghiện ở đây rất tốt. Bên cạnh trị liệu, các học viên còn được học văn hóa, trồng rau, nuôi heo, gà, học nghề như đan ghế nhựa… Em chỉ mong cai nghiện thành công, trở về gia đình hòa nhập cộng đồng, có việc làm, ổn định cuộc sống”, S bày tỏ.
Còn học viên L.T.T (phường 5, TP Tuy Hòa) vào cơ sở hơn 5 tháng, thổ lộ: “Vì một phút bốc đồng, nông nổi, tôi nghe theo lời rủ rê của bạn bè rồi sa vào con đường nghiện ma túy. Gia đình, người thân cố gắng khuyên can nhưng tôi không thể tự mình dứt bỏ con ma này được. Với sự vận động của nhiều người, sau thời gian vật lộn với “cái chết trắng”, tôi tự nguyện vào đây để cai nghiện, hy vọng sẽ có ngày làm lại cuộc đời”.
Tương tự, học viên N.Đ.T.A (SN 2000, phường 5, TP Tuy Hòa) được gia đình đưa vào cơ sở cai nghiện tự nguyện khi phát hiện có sử dụng trái phép chất ma túy. Tâm sự với chúng tôi, A nức nở khi nhớ lại ngày ba mẹ thất vọng vì phát hiện A sử dụng ma túy. Từ khi dính vào “nàng tiên nâu”, đời sống sinh hoạt và tính cách của A thay đổi theo hướng tiêu cực. A rơm rớm nước mắt: “Em cảm thấy may mắn vì gia đình đã đưa em vào cơ sở cai nghiện. Bây giờ em mới thấy lỗi lầm của mình; em còn trẻ nên còn có thể sửa chữa”.
Học viên cai nghiện ma túy tham gia lao động, sản xuất tại Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội tỉnh. Ảnh: KIM CHI |
Điều trị đúng phác đồ
Theo ông Lê Trung Kiên, người nghiện (cả tự nguyện và bắt buộc) khi được đưa vào cơ sở sẽ được điều trị đúng phác đồ mới nhất của Bộ Y tế, kết hợp phương pháp chăm sóc sức khỏe, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và lao động trị liệu khoa học đem lại hiệu quả cao trong điều trị. Nhờ đổi mới phương thức hoạt động, với phương châm lấy học viên làm trung tâm, cơ sở thực sự có những bước chuyển mình vượt bậc, thực hiện tốt đề án của Chính phủ về đổi mới công tác cai nghiện.
Theo đó, công tác điều trị cai nghiện, tư vấn tâm lý cho học viên luôn được cơ sở thực hiện nghiêm túc trong suốt thời gian qua, như tổ chức các buổi tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, tư vấn pháp luật cho học viên; tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, HIV/AIDS.
Đặc biệt, cơ sở thường xuyên tổ chức sinh hoạt nội vụ để nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm của mỗi học viên; kịp thời uốn nắn, sửa chữa, giáo dục hành vi nhân cách, đạo đức lối sống của từng người thông qua các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức các trò chơi dân gian...; tạo điều kiện cho học viên gặp gỡ người thân, gia đình nhằm ổn định tâm lý, giúp học viên vui vẻ, giảm bớt trầm uất, nhận thức rõ tác hại của ma túy để cai nghiện thành công.
Ngoài ra, cơ sở còn duy trì hoạt động đọc sách. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho học viên cập nhật kiến thức, có đời sống tinh thần thoải mái, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, cai nghiện.
Chị Nguyễn Sơn Ca, nhân viên cơ sở, chia sẻ: Thời gian gần đây, người sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy dạng đá ngày càng tăng; người đăng ký vào cơ sở cũng đông hơn nên công tác cai nghiện phục hồi đối với người sử dụng ma túy càng thêm vất vả. Tuy vậy, chúng tôi luôn cố gắng xây dựng quy trình cai nghiện cho học viên theo hướng chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần song song với giáo dục phục hồi hành vi nhân cách. Cơ sở tổ chức các hoạt động lao động trị liệu phù hợp với độ tuổi, giới tính, năng lực và tình trạng sức khỏe cho các đối tượng khác nhau như: nấu ăn, trồng và chăm sóc rau, chăm sóc cây xanh, chăn nuôi gia cầm…
Hoạt động này từng bước tạo được nguồn rau sạch, cải thiện đời sống học viên, đồng thời qua đó giúp học viên nhận thức được giá trị của sức lao động, góp phần tạo ra môi trường điều trị cai nghiện thân thiện, tạo tâm lý thoải mái cho học viên. Đặc biệt, cơ sở cũng đã liên hệ và được một số doanh nghiệp đặt hàng đan đát ghế nhựa, dạy nghề và tạo việc làm cho người cai nghiện, tạo thu nhập, cải thiện đời sống cho học viên và giúp họ có nghề để sau khi tái hòa nhập cộng đồng có thể nuôi sống bản thân…
Nhờ các hoạt động thiết thực phù hợp, học viên đã có những chuyển biến tích cực sau quá trình thực hiện cai nghiện tại cơ sở. Hầu hết học viên đều chấp hành tốt nội quy, quy chế của cơ sở, tích cực rèn luyện, học tập, thay đổi được hành vi nhân cách... Người nhà học viên mỗi dịp lên thăm, gặp đều bày tỏ niềm vui với sự thay đổi rõ rệt đó.
“Để người nghiện thực sự từ bỏ được ma túy, bên cạnh nỗ lực của cơ sở cai nghiện rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể trong việc quản lý đối tượng sau cai, tạo điều kiện về việc làm để người nghiện có thể ổn định cuộc sống lâu dài. Thời gian tới, cơ sở sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ điều trị, xây dựng môi trường cai nghiện ma túy gần gũi, thân thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện trong tình hình mới”- ông Kiên cho biết thêm.
Để người nghiện thực sự từ bỏ được ma túy, bên cạnh nỗ lực của cơ sở cai nghiện rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể trong việc quản lý đối tượng sau cai, tạo điều kiện về việc làm để người nghiện có thể ổn định cuộc sống lâu dài. Thời gian tới, cơ sở sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ điều trị, xây dựng môi trường cai nghiện ma túy gần gũi, thân thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện trong tình hình mới.
Ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội tỉnh |
HOÀNG LÊ