Là năm đầu tiên Phú Yên thí điểm bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI) nên vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Người đứng đầu cần phải phát huy tính năng động, tạo động lực cạnh tranh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính.
Kịp thời phát hiện các “điểm nghẽn”
TS Nguyễn Đức Nhật, Trưởng nhóm nghiên cứu DDCI tại Phú Yên cho biết: Vai trò của người đứng đầu là chỉ số hoàn toàn mới được áp dụng trong thí điểm khảo sát đánh giá DDCI, cũng là chỉ số quan trọng nhằm đánh giá thúc đẩy sự vào cuộc sát sao hơn, mạnh mẽ hơn của người đứng đầu của các sở, ban ngành, địa phương.
Đồng thời tạo sự thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp từ chính các đơn vị tham gia thí điểm, tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, năng động và hấp dẫn không chỉ với các doanh nghiệp trong tỉnh mà còn nhiều hơn nữa nhà đầu tư ngoài tỉnh, nước ngoài.
Năm 2018, ghi nhận vai trò lãnh đạo của ba đơn vị, gồm: Sở KH-ĐT, Chi cục Hải quan và Sở Tài chính; đối với khối địa phương cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực nhất 3 huyện Tuy An, Tây Hòa và Sơn Hòa. Đây là cơ sở giúp UBND tỉnh xác nhận các “điểm nghẽn” trong công tác điều hành, tập trung giải quyết các nút thắt về thể chế, tổ chức cũng như công tác cán bộ kịp thời và hiệu quả.
Ông Hồ Văn Tân ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) cho biết: “Với bất cứ công việc nào, vai trò của người đứng đầu đều rất quan trọng, còn trong giải quyết các vấn đề bức xúc, như giải quyết TTHC thì càng quan trọng. Thời gian qua, lãnh đạo huyện Phú Hòa có tổ chức hoạt động đối thoại những vấn đề “nóng”, tại đó người đứng đầu công tâm giải quyết các vấn đề cho rốt ráo ngay. Tôi thấy hài lòng”.
Theo UBND tỉnh, Bộ Chỉ số DDCI với trọng tâm đánh giá các sở, ban ngành và địa phương đã triển khai tại một số tỉnh, thành phố và được công nhận là công cụ hữu ích cho chương trình cải cách. Với hai mục đích, gồm: tạo động lực cạnh tranh và cải cách cấp cơ sở thông qua xếp hạng thường niên; trao quyền cho cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan vào cuộc cùng chính quyền tỉnh liên tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác điều hành kinh tế hướng tới môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng bền vững. Chính vì vậy năm 2018, Phú Yên quyết định triển khai thí điểm DDCI nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh và sản xuất lâu dài bền vững.
Đánh giá DDCI gắn với trách nhiệm lãnh đạo
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương, việc đánh giá DDCI năm 2018 giúp tất cả các sở, ngành và địa phương phân tích chi tiết hơn về năng lực, kết quả và tác động của hoạt động chỉ đạo điều hành. Qua đó, một mặt giúp từng đơn vị vươn lên, mặt khác về tổng thể hỗ trợ tỉnh xác định những nút thắt trong công tác điều hành. Trong giai đoạn tiếp theo, việc đánh giá DDCI sẽ gắn với trách nhiệm của từng lãnh đạo.
Đây là cơ sở để rà soát vai trò của các vị trí đứng đầu; đồng thời khuyến khích các đơn vị xây dựng và phát triển một số sáng kiến đột phá trong hỗ trợ doanh nghiệp, minh bạch hóa và tiếp cận thông tin, tiếp cận đất đai và thông tin về đất đai thuận lợi, đặc biệt giảm mạnh chi phí không chính thức.
Còn theo TS Nguyễn Đức Nhật, thực hiện DDCI sẽ chỉ rõ vai trò và vị trí của từng đơn vị trong mỗi chỉ số thành phần tạo nên sức cạnh tranh chung của tỉnh Phú Yên và là hành động cụ thể thể hiện thái độ lắng nghe và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp của chính quyền trong tỉnh giai đoạn phát triển mới.
“Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy một trong những điểm yếu chung của 2 khối là vai trò người đứng đầu. Chính vì vậy, tỉnh rà soát ngay vai trò các vị trí đứng đầu các đơn vị và gắn trách nhiệm cải thiện PCI/DDCI với từng lãnh đạo sở, ban ngành và địa phương”, TS Nguyễn Đức Nhật đề xuất.
Theo UBND tỉnh, năm 2019 sẽ tiếp tục chỉ đạo kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy tổ chức các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chỉ đạo thực hiện các giải pháp hiệu quả nâng cao chỉ số PCI, PAPI. Theo đó, chỉ số đánh giá DDCI cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
PHẠM THÙY