Sinh thêm con, quyết định khó khăn nhưng phù hợp

Thứ bảy - 30/11/2024 21:24
Có cặp vợ chồng mất 10 năm để quyết định sinh đứa con thứ hai. Ban đầu đắn đo suy nghĩ, sau thấy quyết định này thật phù hợp.
Sinh thêm con, quyết định khó khăn nhưng phù hợp

Có cặp vợ chồng mất 10 năm để quyết định sinh đứa con thứ hai. Ban đầu đắn đo suy nghĩ, sau thấy quyết định này thật phù hợp.

 

Bơ vơ con một

 

Chị N.T.M ở phường 7 (TP Tuy Hòa) kể, vợ chồng chị có con gái đầu lòng 1 năm sau cưới, khi nhà cửa và sự nghiệp chưa kịp ổn định. Lúc đó M còn công tác ở huyện, đường xa, đi sớm về tối. Nhớ lại cảnh ở chung nhà ba má chật chội, con nhỏ quấy khóc ban đêm, ban ngày đi làm ngồi ngủ gục, chị M ám ảnh suốt nhiều năm.

 

“Khi con 4 tuổi, vợ chồng tôi dành dụm tiền mua nhà, tôi chuyển công tác về thành phố, con gái càng lớn càng đáng yêu, cả nhà thường xuyên có những chuyến đi chơi ngắn ngày vui vẻ, hạnh phúc. Khi con gái tôi tầm 5 tuổi, tôi hỏi con muốn có em không thì bé lắc đầu. Tôi thấy con chưa sẵn sàng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nên không nghĩ đến chuyện sinh thêm nữa”, chị M nói.

 

Chị M kể tiếp, đến tầm 9 tuổi thì bé đòi em, bé nói: Nhà các bạn đứa nào cũng có anh chị em, chơi vui, đùa giỡn, con có một mình buồn. Bạn con khoe có em, mua quà cho em rất vui. Tôi hỏi bạn bè đều khuyên, con một áp lực nhiều hơn hạnh phúc, khi trong nhà con trẻ một mình buồn vì không có anh chị em để vui chơi. Vợ chồng tôi quyết định sinh con, giờ trong nhà hai đứa con vui vẻ vì có chị có em. Tôi thấy quyết định của mình là phù hợp.

 

Chị L.T.T ở phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa), năm nay 36 tuổi, vừa sinh con thứ 2. Chị T kể, có lần tôi vào bệnh viện nuôi mẹ bệnh. Mẹ được hai chị em tôi thay nhau chăm sóc, còn giường bà cụ bên cạnh chỉ có mình cô con gái lo cho mẹ. Mỗi lần ra ngoài, cô “gửi mẹ” cho tôi trông giùm.

 

Cô gái tâm sự, cô là con một, nuôi mẹ bệnh là việc đương nhiên, nhưng cô lo mai này khi ba mẹ mất, cô bơ vơ giữa đời vì không có anh chị em nương tựa. Lúc đó tôi chỉ có một đứa con gái, thấy cảnh con một nuôi mẹ bệnh, về sau sinh thêm đứa nữa. “Chăm con mọn vất vả nhưng vui vì sau này các con có thể nương tựa nhau. Nghĩ tới cảnh sau này vợ chồng tôi già yếu, con sẽ có chị có em, với tôi quyết định sinh đứa con thứ hai khó khăn nhưng phù hợp”, chị T nói.

 

Nhiều hệ lụy của mức sinh thấp

 

Theo Bộ Y tế, nước ta đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện KT-XH còn khó khăn.

 

GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho rằng, tình trạng mức sinh thấp còn dẫn đến nhiều hệ lụy như hội chứng “4-2-1” - tức là 4 ông bà nội ngoại, 2 cha mẹ và 1 người con.

 

Cụ thể, đối với hội chứng “4-2-1”, khi còn nhỏ, đứa trẻ được 6 người chăm sóc nhưng lớn lên đứa trẻ lại phải gánh vác, chăm sóc lại 6 người. Trong khi đó, cuộc sống hiện đại, đứa trẻ được chăm sóc, nâng niu nên khi gánh vác nhiệm vụ phải chăm sóc 6 người thì sẽ không thể sẵn sàng về mặt tâm lý cũng như các kỹ năng cần thiết. “Nếu tình trạng này không được khắc phục thì sẽ dẫn đến già hóa dân số khi tỉ lệ người 60 tuổi trở lên rất cao”, GS.TS Nguyễn Đình Cử nói.

 

Hiện nay, Cục Dân số đang tham mưu xây dựng dự thảo Luật Dân số, trong đó đề xuất các biện pháp của Nhà nước khuyến khích sinh đủ 2 con tại tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Theo đó, nhằm khuyến khích sinh đủ 2 con tại các tỉnh, thành có mức sinh thấp, dự thảo Luật Dân số đã đưa ra đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai. Đồng thời miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học.

 

Với các tỉnh, thành có mức sinh thấp, địa phương cũng cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con mà cần khuyến khích sinh đủ 2 con. Các địa phương phải xác định thực trạng, xu hướng mức sinh để có kế hoạch phù hợp thực tiễn. Hiện ngành Dân số cũng đã đề xuất các giải pháp để cân bằng mức sinh giữa các vùng.

 

Để giải quyết chênh lệch mức sinh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cho vùng mức sinh thấp đó là tập trung tuyên truyền vào lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con đối với phát triển KT-XH; đối với gia đình và chăm sóc cha mẹ khi về già; tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt.

 

Thời gian đến, nếu mức sinh tiếp tục giảm sâu sẽ dẫn đến tình trạng phát triển không bền vững về dân số, xã hội của tỉnh.

 

Ông Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế

 

Theo Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh hiện nay mức sinh có xu hướng giảm ở các vùng thành thị. Nếu mức sinh giảm sâu sẽ dẫn đến tình trạng phát triển không bền vững về dân số, xã hội. Vì vậy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền về duy trì mức sinh hợp lý, duy trì khoảng cách giữa các lần sinh, ổn định mức sinh, nâng cao chất lượng dân số.

 

Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Lê Xuân Bích cho biết: Trong thời gian đến, nếu mức sinh tiếp tục giảm sâu sẽ dẫn đến tình trạng phát triển không bền vững về dân số, xã hội của tỉnh. Sở Y tế đề nghị ngành chức năng đẩy mạnh truyền thông, tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sự tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể; vận động các tầng lớp nhân dân để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ, các mục tiêu về duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

 

Tiếp tục thực hiện Nghị định 39/2015/NĐ-CP, ngày 27/4/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo các quy định hiện hành.

 

MẠNH LÊ TRÂM

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp