Thúc đẩy khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thứ tư - 27/11/2024 02:19
Ban Dân tộc tỉnh vừa phối hợp với Sở KH&CN tổ chức Hội thảo giải pháp thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm nâng cao đời sống người dân nơi đây.
Thúc đẩy khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ban Dân tộc tỉnh vừa phối hợp với Sở KH&CN tổ chức Hội thảo giải pháp thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm nâng cao đời sống người dân nơi đây.

  

ÔNG VÕ NGỌC CHÂU, PHÓ TRƯỞNG BAN DÂN TỘC TỈNH:

 

Phấn đấu mỗi xã có tối thiểu 1 mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được hỗ trợ

 

Hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đã và đang trở thành phong trào điển hình, hoạt động trọng tâm phát triển của nhiều tỉnh, thành. Nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, sản xuất bền vững đã và đang thay đổi diện mạo của nhiều địa phương; bằng cách tận dụng được những lợi thế khác biệt và đặc trưng của mỗi tỉnh, thành.

 

Tuy nhiên, việc khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi còn khá mới mẻ, nhiều sản phẩm còn ở dạng chế biến thô, lại tương đối giống nhau nên rất khó cạnh tranh. Khó khăn nhất là sau khi sản xuất ra sản phẩm lại khó kết nối, tiêu thụ, mở rộng thị trường.

 

Tiểu dự án 2 Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình 1719) nhằm hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp với 2 nội dung: phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (hoặc phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cộng đồng); thúc đẩy tinh thần khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 

Mục tiêu của chương trình là mỗi xã sẽ có tối thiểu 1 mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được hỗ trợ. Mỗi mô hình được lựa chọn sẽ nhận được hỗ trợ theo giai đoạn không quá 3 năm dưới các hình thức: hỗ trợ một phần chi phí thực hiện mô hình; cung cấp thông tin, kết nối với các cá nhân, tổ chức chủ trì mô hình được tham gia các hoạt động của hệ sinh thái thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển bền vững và mở rộng, phát huy hiệu quả đầu tư của chương trình.

 

ÔNG LÝ HỒNG QUÂN, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG CỐ VẤN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA,

TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP ƯƠM TẠO KHỞI NGHIỆP SÔNG HÀN:

 

Đòi hỏi tư duy mới, cách làm mới trong khởi sự, khởi nghiệp

 

Người đồng bào DTTS vốn chỉ quen làm những công việc truyền thống, nên họ khá khó khăn khi tiếp cận vấn đề khởi nghiệp. Trong khi đó, vùng đồng bào DTTS là khu vực có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhiều di sản văn hóa độc đáo, nhưng bà con chưa biết cách khai thác. Với một tư duy đổi mới, sáng tạo, chúng ta có thể tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới; có thể khai thác theo nhiều hướng, trong đó chú trọng đến kinh tế xanh, bền vững.

 

Thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là Chương trình 1719. Tuy nhiên, các địa phương vẫn đang thực hiện chuỗi giá trị theo cách truyền thống, chưa hình thành được mạng lưới, hệ sinh thái khởi nghiệp.

 

Chuỗi giá trị truyền thống rất dễ bị đứt gãy vì thiếu sự lựa chọn, cạnh tranh để phát triển một cách bền vững, hiệu quả. Vấn đề là chúng ta phải thay đổi cách làm để hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; hình thành những ý tưởng mới, những câu chuyện của chuỗi liên kết một cách tự nhiên.

 

Để hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp, mỗi địa phương phải thành lập ban điều phối xây dựng chuỗi giá trị; lựa chọn những cá nhân (chủ yếu là người trẻ) có khát vọng, có động lực đóng góp cho dân tộc của mình. Địa phương sẽ hỗ trợ họ nâng cao nhận thức về hành trình khởi sự kinh doanh; lựa chọn sản phẩm, mô hình kinh tế khởi nghiệp, tạo đầu ra cho sản phẩm...

 

Các địa phương cũng cần bám sát, tạo điều kiện cho cá nhân thành lập doanh nghiệp, HTX; mời chuyên gia, cố vấn để hỗ trợ cho cá nhân khởi nghiệp ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Chỉ cần mỗi địa phương gieo được một vài mô hình thành công thì sẽ có tác dụng nhân rộng rất lớn trong cộng đồng đồng bào DTTS.

 

ÔNG TẠ HỮU NGHĨA, TỔNG THƯ KÝ, CHÁNH VĂN PHÒNG HỘI KHOA HỌC

KINH TẾ NN&PTNT VIỆT NAM:

 

Phát triển sản phẩm đặc trưng thành sản phẩm OCOP

 

Trong bối cảnh nền sản xuất nông nghiệp thường xuyên đối mặt với điệp khúc “được mùa mất giá - được giá mất mùa”, người nông dân luôn lâm vào tình thế bị động và khó khăn. Trong khi đó, ở mỗi vùng miền đều có các sản vật đặc trưng của riêng mình. Đây là lợi thế mà các doanh nghiệp nước ngoài không có được. Do vậy, các địa phương nên định hướng phát triển sản phẩm đặc trưng phù hợp với sản xuất của vùng đồng bào DTTS và miền núi thành sản phẩm OCOP.

 

Tại Phú Yên, đến tháng 8/2024, toàn tỉnh có 286 sản phẩm đạt 3 sao trở lên của 120 chủ thể, gồm 10 sản phẩm đạt 4 sao và 276 sản phẩm đạt 3 sao; 1 sản phẩm du lịch cộng đồng đạt 3 sao, 1 sản phẩm du lịch cộng đồng đạt 4 sao. Các sản phẩm OCOP đã khơi dậy nhiều tiềm năng, lợi thế các vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả và bền vững.

 

Để phát triển sản phẩm đặc trưng vùng đồng bào DTTS và miền núi trở thành sản phẩm OCOP, các địa phương cần xây dựng sản phẩm chủ lực theo từng vùng hàng hóa, hướng đến sản phẩm chất lượng cao, sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững. Các cơ quan liên quan hỗ trợ chủ thể chế biến sâu theo chuỗi liên kết nhằm phát huy giá trị của sản phẩm. Ngoài ra, địa phương có giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khác nhau; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ các chủ thể thực hiện Chương trình OCOP tham gia sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị ở các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

ÔNG HỒ THANH HẢI, PHÓ CHỦ TỊCH UBND XÃ XUÂN LÃNH, HUYỆN ĐỒNG XUÂN:

 

Chương trình tạo động lực cho bà con mạnh dạn khởi nghiệp

 

Trong năm 2024, xã Xuân Lãnh đã được đầu tư hơn 3 tỉ đồng cho người dân vùng đồng bào DTTS thực hiện mục tiêu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư. Địa phương cũng liên kết các phòng ban của huyện mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật và cho bà con đi tham quan học tập kinh nghiệm một số mô hình hay ngoài tỉnh.

 

Ngoài ra, xã Xuân Lãnh nỗ lực tận dụng, kết nối nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ bà con khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thông qua việc hỗ trợ người dân Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại trang bị các vật dụng cần thiết để bảo tồn, khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đào tạo các lớp lên khung, nâng cao kỹ thuật và tạo thêm nhiều sản phẩm mới; hỗ trợ chi phí xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm Xí Thoại; thành lập tổ hợp tác gạo đỏ Xuân Lãnh…

 

Các chương trình, dự án được triển khai trong thời gian qua đã tạo động lực cho bà con mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Nhiều cá nhân nỗ lực học tập, thích nghi, đổi mới tư duy trong cách làm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Các sản phẩm tạo ra cũng ngày càng hoàn chỉnh, từng bước được thị trường chấp nhận và ưa chuộng. Các chương trình, dự án đã góp phần tạo được niềm tin trong dân, phát triển KT-XH, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

Chương trình được kỳ vọng sẽ giúp người dân có được những mô hình phát triển kinh tế bền vững, tạo nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh bằng chính tài nguyên bản địa. 

 

NGÔ XUÂN (ghi)

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp