Xây dựng nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch

Thứ năm - 07/03/2019 16:20
UBND tỉnh vừa sơ kết 2 năm triển khai Kế hoạch hành động 97 về Chính phủ điện tử (KH97). Qua đó cho thấy, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành (QLVBĐH) được kết nối vào trục liên thông, cơ bản hoạt động ổn định, giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân.
Xây dựng nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch

UBND tỉnh vừa sơ kết 2 năm triển khai Kế hoạch hành động 97 về Chính phủ điện tử (KH97). Qua đó cho thấy, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành (QLVBĐH) được kết nối vào trục liên thông, cơ bản hoạt động ổn định, giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch này còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa đồng bộ.

 

Nhiều kết quả tích cực

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng cho biết: Qua 2 năm triển khai thực hiện KH97, đến nay trên địa bàn tỉnh đã triển khai trục liên thông văn bản tương đối ổn định (tại địa chỉ http://truclienthong.phuyen.gov.vn/) giữa tỉnh với Văn phòng Chính phủ, các sở, ban ngành, địa phương và giữa các sở, ban ngành, địa phương với nhau.

 

Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng hệ thống QLVBĐH được kết nối vào trục liên thông, cơ bản hoạt động ổn định, đáp ứng công việc tại các cơ quan, đơn vị, giúp giảm thời gian, chi phí. Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh cũng cơ bản hoạt động ổn định, phục vụ việc tiếp nhận và công khai minh bạch quy trình các bước từ khâu tiếp nhận, xử lý và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

 

Về các văn bản pháp lý, tỉnh đã ban hành mã định danh phục vụ việc trao đổi văn bản điện tử… góp phần phát triển Chính phủ điện tử theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, DDCI, PCI, ICT-Index của tỉnh.

 

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, việc triển khai Chính phủ điện tử đã góp phần đơn giản hóa nhiều TTHC. Hiện 100% văn bản gửi của sở được đưa lên trục liên thông của tỉnh. Trong thời gian đến, sở tiếp tục đầu tư dần dần máy móc thiết bị cho các đơn vị trực thuộc, cùng với tỉnh hoàn thiện chương trình này.

 

Còn theo ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, thời gian qua, lãnh đạo thị xã đã quyết liệt thực hiện chương trình Chính phủ điện tử. Theo đó, văn bản giao nhận giữa các xã, phường hầu hết trên môi trường mạng; đã có dịch vụ công mức độ 4.

 

Đến nay, các xã, phường đã tổ chức thực hiện DVCTT góp phần cắt giảm thời gian nhận trả hồ sơ cho công dân; dịch vụ trả kết quả, thị xã phối hợp với ngành Bưu điện trả tận nhà cho người dân. Sông Cầu cũng đã tổ chức tập huấn việc thực hiện chữ ký số...

 

Ông Ngô Tấn Đậu, một người dân ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), cho hay: “Tôi nghe nói về việc liên thông giải quyết các TTHC cho người dân trên mạng internet. Qua tìm hiểu, thấy hay quá nên tôi tham gia ngay DVCTT tại Sở Xây dựng và được nhân viên bưu điện chuyển hồ sơ về tận nhà”.

 

Cần sự chung tay của cộng đồng

 

Theo UBND tỉnh, việc triển khai chương trình Chính phủ điện tử còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ; chủ trương phê duyệt thuê Trục liên thông và Cổng DVCTT chưa có kế hoạch cụ thể cho lộ trình tối thiểu quy định; nguồn nhân lực triển khai sử dụng các ứng dụng tại các đơn vị và việc hỗ trợ của các đơn vị cung cấp dịch vụ còn hạn chế; ứng dụng chưa hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong khi đó, sự quyết tâm và chỉ đạo vào cuộc của nhiều người đứng đầu còn chưa mạnh mẽ và sâu sát.

 

Ông Đặng Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Huyện đã triển khai thực hiện nhưng vẫn còn lúng túng nên chưa chỉ đạo quyết liệt; chưa triển khai được DVCTT mức độ 3, 4; văn bản điện tử chưa thay được văn bản giấy nên còn rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do chưa có cán bộ chuyên trách. Cán bộ tham gia thực hiện phần lớn là kiêm nhiệm.

 

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Ksor Y Phun, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức còn hạn chế, nhất là lãnh đạo các phòng, ban; tổ chức, cá nhân chưa tiếp cận được DVCTT. Công tác tuyên truyền, phổ biến đã được triển khai nhưng các tổ chức, cá nhân vẫn chưa tiếp cận được DVCTT, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nên vẫn nộp văn bản trực tiếp. Bên cạnh đó, cán bộ “một cửa” hiện đang thiếu nghiêm trọng. Chính vì vậy, chương trình Chính phủ điện tử rất khó thực hiện.

 

Theo Văn phòng UBND tỉnh, KH97 ban hành vào tháng 7/2016 nhưng cơ quan chuyên trách chưa chủ động, kịp thời về mặt thời gian trong việc tham mưu các quy định liên quan đến triển khai chính quyền điện tử. Từ đó dẫn đến các đơn vị, địa phương lúng túng, thiếu chủ động trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo thực tế.

 

Cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị thiếu quyết tâm triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị. Nhiều quy định ra đời nhưng thiếu chế tài và sự theo dõi, đôn đốc, giám sát của cơ quan chuyên trách nên có đơn vị không triển khai hoặc chỉ triển khai mang tính hình thức. Hiện tỉ lệ sử dụng văn bản điện tử thay văn bản giấy vẫn còn khá khiêm tốn; các DVCTT chưa được người dân, doanh nghiệp quan tâm và sử dụng thường xuyên…

 

“Tinh thần thực hiện chương trình Chính phủ điện tử của tỉnh là rất quyết liệt, mang lại hiệu quả thiết thực nhất. UBND tỉnh xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và hết sức khó khăn. Càng khó khăn tỉnh càng quyết tâm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng nhấn mạnh và cho biết, thời gian đến, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh quy chế quản lý, vận hành, sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh; hệ thống QLVBĐH, trục liên thông văn bản điện tử trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng Cổng DVCTT và hệ thống một cửa liên thông tỉnh. Đồng thời bổ sung hình thức công bố và quy định trách nhiệm của thủ trưởng, công chức, viên chức trực tiếp sử dụng, đảm bảo có khen thưởng, kỷ luật để công khai, minh bạch việc ứng dụng công nghệ thông tin tại từng đơn vị.

 

Cũng theo đồng chí Phan Đình Phùng, mục tiêu đến 31/12/2018, tất cả các sở, ban ngành, UBND cấp huyện gửi, nhận văn bản qua Trục liên thông và xử lý văn bản trên hệ thống QLVBĐH; cập nhật đầy đủ TTHC, dịch vụ công mức độ 3, 4 tại các sở, ban ngành trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh theo quyết định công bố của cấp có thẩm quyền; tích hợp công khai kết quả giải quyết TTHC, DVCTT trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ban ngành. Đồng thời tiếp nhận và giải đáp các ý kiến, giải đáp vướng mắc của người dân và doanh nghiệp về TTHC thông qua tổng đài; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích, tạo thói quen để cá nhân, tổ chức sử dụng mạnh mẽ DVCTT mức độ 3, 4. Nâng cao tỉ lệ văn bản trao đổi trên môi trường mạng là 15% so với cùng kỳ.

 

THÙY THẢO

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp