Góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân

Thứ năm - 07/03/2019 16:07
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Thành ủy, 5 năm qua, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của hệ thống Mặt trận các cấp TP Tuy Hòa đã từng bước đi vào nề nếp và hiệu quả.
Góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Thành ủy, 5 năm qua, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của hệ thống Mặt trận các cấp TP Tuy Hòa đã từng bước đi vào nề nếp và hiệu quả. Qua hoạt động này, Mặt trận các cấp cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm thiết thực.

 

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tuy Hòa Phạm Văn Ý cho biết: Căn cứ Thông tri 28, ngày 17/4/2014 của Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chỉ thị 29, ngày 10/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” (Quyết định 217, 218), Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn thành phố, quán triệt, triển khai thực hiện; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy đảng trực thuộc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.

 

“Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 217, 218, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo Ban thường trực Ủy ban MTTQ thành phố lựa chọn những vấn đề mà người dân đang quan tâm, những vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân để tổng hợp, xây dựng kế hoạch và xác định mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức giám sát trình Thường trực Thành ủy xin ý kiến trước khi tổ chức thực hiện”, đồng chí Nguyễn Văn Ý nhấn mạnh.

 

Kết quả đạt được

 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa Đặng Thị Thu Thủy cho biết: Với vai trò là chủ thể giám sát và phản biện xã hội, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) đã chủ động phối hợp với HĐND, UBND thành phố xây dựng chương trình báo cáo cấp ủy và tổ chức ký chương trình phối hợp thực hiện Quyết định 217, 218 bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu địa phương và chức năng của từng tổ chức.

 

Trong các hoạt động giám sát, MTTQ và các tổ chức CT-XH chủ động thông tin kịp thời cho đối tượng được giám sát, phản biện và góp ý những nội dung liên quan. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị được giám sát, phản biện và góp ý cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, văn bản dự thảo liên quan thực hiện quy chế, quy định.

 

“Để thực hiện cơ chế cung cấp thông tin trong giám sát và phản biện xã hội có hiệu quả, UBND thành phố đã chỉ đạo, gắn với việc quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các ban, ngành và UBND các phường, xã trong công tác phối hợp với MTTQ và các tổ chức CT-XH để triển khai, thực hiện.

 

Các nội dung kiến nghị của MTTQ, tổ chức CT-XH sau giám sát và các nội dung góp ý xây dựng chính quyền được tiếp nhận, tiếp thu, nghiên cứu và trả lời kịp thời, đúng các quy định nêu trong quy chế, quy định”, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Võ Ngọc Kha chia sẻ.

 

Theo Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa, trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ thành phố đã tổ chức 13 cuộc giám sát chuyên đề tại 59 UBND phường, xã và tại Phòng GD-ĐT; các đoàn thể CT-XH thực hiện 3 cuộc giám sát tại 3 phường, xã của thành phố.

 

Song song với thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng được MTTQ thành phố và các phường, xã triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.

 

Trong đó, MTTQ thành phố đã tổ chức 8 cuộc đối thoại với nhân dân về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các dự án giải tỏa, đền bù, tái định cư, công tác chỉnh trang đô thị…, với 398 người tham gia và có 48 lượt ý kiến.

 

MTTQ 16 phường, xã phối hợp với HĐND tham gia giám sát theo chức năng của HĐND với 78 đợt về nhiều lĩnh vực; phối hợp với UBND cùng cấp tham gia đối thoại với nhân dân hơn 150 cuộc với 1.234 người tham gia.

 

Bà Nguyễn Thị Mỹ Sang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bình Ngọc, cho biết từ năm 2014 đến nay, MTTQ xã Bình Ngọc đã tổ chức 5 cuộc giám sát chuyên đề, như: công tác thu ngân sách xã (năm 2014, 2015), xét hộ nghèo, cận nghèo (năm 2016), cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở (năm 2017), thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Xây dựng công trình Hưng Thịnh (năm 2018).

 

Đồng thời phối hợp tổ chức 6 “diễn đàn”, như: góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; góp ý đối với lực lượng công an… Cùng với chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân; MTTQ tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân về những vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực… để có biện pháp giải quyết hợp lý, thỏa đáng, phù hợp với thực tiễn. Qua đó tạo sự đồng thuận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

 

Còn theo ông Võ Kỳ Lam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 1, Ban thường trực Mặt trận đã chủ động tham mưu cấp ủy và mạnh dạn chọn chủ đề với những nội dung sát thực để thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong đó, MTTQ và các đoàn thể tổ chức giám sát chuyên đề 6 lần với 4 nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động của phường, nhất là công tác điều hành của chính quyền.

 

Trong đó góp ý đối với tổ chức, tập thể có 41 lượt ý kiến, với 80 nội dung; góp ý đối với cá nhân lãnh đạo, có 26 lượt ý kiến với 18 nội dung. “Qua giám sát, chất lượng, tác phong, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, việc thực thi nhiệm vụ hiệu quả hơn”, ông Võ Kỳ Lam khẳng định.

 

Bài học kinh nghiệm

 

Theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tuy Hoà Phạm Văn Ý, qua thực tiễn hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ thành phố trong 5 năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm.

 

Một là, công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ phải có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự thống nhất của các đoàn thể CT-XH, các tổ chức thành viên; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban MTTQ.

 

Hai là, phát huy vai trò chủ động, chủ trì của Ban thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong việc tổng hợp, xác định nội dung giám sát, phản biện của mình và các đoàn thể CT-XH, kịp thời báo cáo, xin ý kiến thống nhất của cấp ủy cùng cấp. Trao đổi, thống nhất với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp và Thanh tra, Ủy ban Kiểm tra các cấp để tránh trùng lắp, chồng chéo.

 

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa việc nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân với hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên ở từng cấp.

 

Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tế của từng phường, xã, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể CT-XH các cấp cần lựa chọn những nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội phù hợp, những vấn đề mà xã hội và nhân dân đang quan tâm để báo cáo với cấp ủy, thống nhất với chính quyền cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện.

 

Mặt khác, hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ cần phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của Luật MTTQVN và các văn bản hướng dẫn của Trung ương.

 

Đồng thời phải có cách làm, phương thức tiến hành linh hoạt, phù hợp với điều kiện về nhân lực, kinh phí, đặc điểm cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương.

 

Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau phản biện của Ủy ban MTTQ phải khách quan, trung thực, đầy đủ và có sự chắt lọc kỹ càng, đảm bảo căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn; các giải pháp đưa ra phải đảm bảo hiệu quả, tính khả thi.

 

Ủy ban MTTQ và các đoàn thể CT-XH phải theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị sau giám sát, phản biện và góp ý.

 

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 29 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể thành phố dần đi vào nền nếp, có trọng tâm; hoạt động phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền rõ nét hơn, góp phần làm rõ hơn những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế trong quá trình thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

Mọi ý kiến, kiến nghị sau giám sát, góp ý được cơ quan chủ quản tiếp thu, chỉnh sửa trước khi ban hành. Từ kết quả hoạt động giám sát, phản biện đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận xã hội. Qua đó bảo đảm và giữ vững tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch vững mạnh.

 

Trong thời gian đến, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quán triệt, nâng cao nhận thức và xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả Quyết định 217, 218 gắn với thực hiện Quy định 99 và Quy định 124 của Ban Bí thư: “Tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và “Giám sát của MTTQVN, các tổ chức CT-XH và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

 

Bí thư Thành ủy Tuy Hòa Lương Mộng Sanh

 

LẠC HỒNG

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp