Kết quả điều hành của UBND tỉnh nhiệm kỳ 1994-1999

Thứ năm - 07/03/2019 15:41
Tại phiên họp ngày 17/12/1994 của HĐND tỉnh khóa III, HĐND tỉnh đã bầu đồng chí Lê Văn Hữu làm Chủ tịch UBND tỉnh.
Kết quả điều hành của UBND tỉnh nhiệm kỳ 1994-1999

Tại phiên họp ngày 17/12/1994 của HĐND tỉnh khóa III, HĐND tỉnh đã bầu đồng chí Lê Văn Hữu làm Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Các đồng chí Nguyễn Thành Quang, Bùi Sơn Hải, Nguyễn Văn Tân được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh có các đồng chí Trần Văn Mười - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Lê Văn Liễm - Giám đốc Công an tỉnh, Phạm Ngọc Chi - Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Lương Ngọc Ái - Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch tỉnh và Nguyễn Tài - Chánh Văn phòng UBND tỉnh. Đến năm 1996, HĐND tỉnh bầu đồng chí Đào Tấn Lộc làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay đồng chí Bùi Sơn Hải chuyển sang làm Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

 

Trong nhiệm kỳ UBND tỉnh, bộ máy Văn phòng UBND tỉnh được kiện toàn, các phòng chức năng của văn phòng được củng cố.

 

Đồng chí Lê Văn Hữu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 1994-1999 - Ảnh: MINH KÝ

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa VII về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính nhà nước, UBND tỉnh Phú Yên xác định nhiệm vụ ưu tiên trong cải cách hành chính các cấp là “chấn chỉnh, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy - biên chế và cán bộ”. Một số sở, ngành sáp nhập, giải thể, thành lập một số đơn vị theo quy định của Trung ương:

 

- Sở Nông nghiệp, Sở Thủy lợi, Sở Lâm nghiệp sáp nhập thành Sở NN-PTNT.

 

- Đổi tên Ủy ban Kế hoạch thành Sở KH-ĐT.

 

- Thành lập Sở Địa chính.

 

- Chuyển Chi cục Quản lý thị trường về Sở Thương mại và Du lịch.

 

- Giải thể cơ quan Trọng tài kinh tế, chuyển giao chức năng này cho Tòa án nhân dân.

 

- Chuyển Cục Thống kê về ngành dọc Trung ương quản lý.

 

- Chuyển Chi cục Kiểm lâm trực thuộc UBND tỉnh.

 

- Thành lập Ban Tôn giáo tỉnh.

 

Qua sắp xếp và chuyển đổi cơ quan quản lý, đến cuối tháng 12/1998, tỉnh Phú Yên có 26 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, đó là: Sở NN-PTNT, Sở KH-ĐT, Sở Địa chính, Sở Tài chính - Vật giá, Sở LĐ-TB-XH, Sở Y tế, Sở GT-VT, Sở Xây dựng, Sở Thương mại và Du lịch, Sở Tư pháp, Sở Thủy sản, Sở Công nghiệp, Sở KH-CN-MT, Sở VH-TT, Sở TD-TT, Sở GD-ĐT, Ban Tổ chức chính quyền, Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc - miền núi, Ban quản lý dự án Đường Hùng Vương, Ban quản lý dự án Cảng Vũng Rô, Thanh tra tỉnh, Chi cục kiểm lâm, Ủy ban DS và KHHGĐ, Ủy ban Chăm sóc và bảo vệ bà mẹ - trẻ em và Văn phòng UBND tỉnh.

 

Trong điều hành, UBND tỉnh đã có những quyết định quan trọng mang tính đột phá làm tiền đề phát triển cho những năm sau: Quyết định xác định địa giới hành chính từ xã, phường, thị trấn đến huyện, thị xã đặt cơ sở pháp lý việc phân định địa giới hành chính ở Phú Yên, giúp cho công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch ngắn hạn cũng như dài hạn trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh; Quyết định xây dựng khu công nghiệp đầu tiên ở Phú Yên và các cơ sở công nghiệp khác trong tỉnh mở đầu cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Quyết định xây dựng thí điểm đường Hùng Vương theo phương thức đổi đất xây dựng công trình, mở các tuyến giao thông mang tính chiến lược như: đường Quy Nhơn - Sông Cầu, nâng cấp quốc lộ 1, ĐT645 tạo động lực cho sự phát triển; Quyết định liên doanh xây dựng Nhà máy bia Sài Gòn công suất 10 triệu lít/năm tạo bước đột phá cho tăng thu ngân sách địa phương…

 

UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ những ách tắc trong đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh, vừa khắc phục hậu quả thiên tai, vừa giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong tỉnh.

 

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Tỉ trọng kinh tế quốc doanh trong GDP chiếm 24% năm 1995 đã tăng lên 30% trong năm 1999. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp, giảm dần tỉ trọng nông nghiệp: Nông nghiệp chiếm 50,7% GDP năm 1995 xuống còn 44,1% năm 1999; công nghiệp chiếm 12,4% GDP năm 1995 tăng lên 23,1% năm 1999.

 

Sản xuất nông nghiệp được xem là lĩnh vực trọng điểm được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo khắc phục khó khăn về thời tiết, thiên tai, sâu bệnh. Sản lượng lương thực quy thóc năm 1995 là 28,3% vạn tấn, đến năm 1999 tăng lên 30 vạn tấn. Hình thành các vùng chuyên canh lúa cao sản ở huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa, vùng nguyên liệu mía ở phía tây các huyện Tuy Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy An, Đồng Xuân với diện tích trên 18.000ha, sản lượng trên 800.000 tấn. Ngành chăn nuôi có bước phát triển về số lượng và chất lượng gia súc, gia cầm. Năm 1999, cả tỉnh có 176.589 con bò (trong đó bò lai chiếm 10,9%), 202.246 con heo và 1,7 triệu gia cầm.

 

Ngày 23/11/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt về dự lễ khởi công thủy điện Sông Hinh. Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói: “Tôi xin chia sẻ niềm vui với Đảng bộ và nhân dân Phú Yên, con em Phú Yên công tác tại các bộ ngành Trung ương từ lâu mong đợi công trình này” - Ảnh: MINH KÝ

 

Trong chỉ đạo công tác lâm nghiệp, UBND tỉnh chú trọng vào khâu trồng rừng và bảo vệ rừng. Trong giai đoạn 1994-1999 đã trồng mới 18.000ha rừng tập trung và 8,8 triệu cây phân tán.

 

Kinh tế biển ngày càng phát triển theo hướng khai thác các tiềm năng, lợi thế, tận dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản, đóng mới tàu thuyền để đánh bắt xa bờ. Việc nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng, nhất là nghề nuôi tôm phát triển mạnh với diện tích 1.400ha. Nghề cá nhân dân phát triển mạnh, công suất tàu thuyền ngày càng lớn thuận lợi cho việc khai thác khơi xa và nghề câu cá ngừ đại dương. Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt thủy sản hàng năm đều tăng: năm 1995 đạt 22.000 tấn, đến năm 1998 lên 24,4.000 tấn.

 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND tỉnh đã xác định đẩy mạnh CNH-HĐH, trước hết là CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tỉnh đầu tư xây dựng nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp như: Nhà máy đường Đồng Xuân, Nhà máy đường Tuy Hòa, Nhà máy liên doanh bia Sài Gòn, Nhà máy nước khoáng Phú Sen, Nhà máy Tê giác húc, Nhà máy phân vi sinh… đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng hàng năm 22,7%. Nhiều cơ sở được đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm và đổi mới thiết bị hiện đại. Một số sản phẩm công nghiệp vươn ra thị trường ngoài tỉnh như: đường, bia, xi măng… hoặc tham gia xuất khẩu hạt điều, may mặc, đồ mỹ nghệ, đông lạnh… Công nghiệp chế biến đã góp phần vào việc khai thác, nâng cao giá trị nông lâm sản địa phương, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, giải quyết việc làm cho người lao động.

 

Trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tỉnh tập trung xây dựng và nâng cấp các tuyến giao thông trong tỉnh như quốc lộ 25, ĐT645, đường nội thị Tuy Hòa, thị trấn, hệ thống giao thông nông thôn với tổng chiều dài là 1.942km. Một số đoạn đường liên tỉnh như: đường Quy Nhơn - Sông Cầu, đường Phú Lâm đi buôn Hồ (Đắk Lắk) và đường liên thôn, liên xã được đầu tư xây dựng, sửa chữa phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Các công trình thủy lợi như: Đồng Cam, Tam Giang, Phú Xuân, Đá Vải được nâng cấp, sửa chữa đảm bảo nước tưới trên 50.000ha diện tích gieo trồng.

 

Hệ thống thông tin liên lạc trong tỉnh được đầu tư nâng cấp và mở rộng. Năm 1999, cả tỉnh có đến 75/101 xã, phường có điện thoại, trung bình 1,6 máy/100 dân. Hệ thống phát thanh, truyền hình cơ bản phủ sóng trên phạm vi khắp tỉnh, tạo điều kiện nhân dân hưởng thụ văn hóa, tiếp nhận thông tin. Mạng lưới điện được nâng cấp và hòa vào lưới điện quốc gia. Năm 1994 có 74/101 xã có điện, nâng sản lượng điện bình quân đầu người đạt 100KW/năm, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.

 

Các ngành thương mại, dịch vụ và hợp tác đầu tư được chú trọng. Mạng lưới thương nghiệp ngày càng mở rộng với nhiều thành phần tham gia, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong tỉnh. Hoạt động dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng và phong phú với các loại hình ăn uống, khách sạn. Ngành Du lịch được xác định là mũi nhọn có phát triển nhưng chậm.

 

Do tác động của khủng hoảng tài chính khu vực, hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tìm kiếm thị trường để xuất khẩu hàng hóa địa phương. Trong giai đoạn 1994-1999, tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh đạt 393 triệu USD. Cũng do tình hình suy thoái kinh tế nên việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Phú Yên diễn ra chậm. Đến năm 1999 chỉ có 7 dự án với tổng số vốn 6 triệu USD, chủ yếu là vốn ODA.

 

Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Đàm (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) năm 1998 - Ảnh: MINH KÝ

 

Phát triển các thành phần kinh tế là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo của UBND tỉnh. Các doanh nghiệp nhà nước được củng cố, sắp xếp để nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Năm 1999 cả tỉnh có 31 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp của Đảng và 19 đơn vị kinh tế trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Kinh tế tập thể cũng được củng cố, đổi mới nội dung quản lý với nhiều loại hình hợp tác xã như: hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã nghề cá, hợp tác xã xây dựng, hợp tác xã đóng tàu, hợp tác xã giao thông vận tải… thu hút trên 160.000 lao động, nhiều hợp tác xã làm ăn có hiệu quả. Các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể được khuyến khích phát triển tập trung trên các lĩnh vực thương mại, vận tải, xây dựng, công nghiệp chế biến… nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

 

Để đảm bảo nguồn ngân sách cho nhu cầu chi thường xuyên, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung việc thu đúng, thu đủ và ổn định, tập trung vào các nguồn thu lớn như: quốc doanh, ngoài quốc doanh, thuế nông nghiệp. Hoạt động tín dụng ngân hàng có nhiều tiến bộ, đã huy động vốn tăng 49%/năm, trong đó nguồn vốn địa phương 40%, dư nợ cho vay tăng 45%/năm góp phần đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm.

 

Xây dựng và phát triển miền núi là một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND tỉnh chỉ đạo tập trung nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc đầu tư vào các lĩnh vực điện - đường - trường - trạm đã làm thay đổi bộ mặt miền núi so với trước đây. Năm 1999, trên địa bàn tỉnh có đến 25/42 xã miền núi có điện, 18/43 xã có điện thoại, 100% buôn, làng có trường học và mạng lưới y tế hoạt động, có 4 trường nội trú dành riêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và hơn 100 sinh viên người dân tộc thiểu số đang theo học các trường đại học, cao đẳng.

 

Văn hóa - xã hội có những tiến bộ rõ rệt. Ngành Giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển với số lượng học sinh tăng, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ. Ngoài hệ thống giáo dục phổ thông các cấp còn có các trường bổ túc, mầm non, khuyết tật, hướng nghiệp dạy nghề, các trường trung cấp nông nghiệp, y tế, cao đẳng sư phạm. Đặc biệt năm 1998, Phú Yên đã hoàn thành đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học xóa mù chữ. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân với mạng lưới y tế mở rộng. Năm 1999, toàn tỉnh có 115 cơ sở y tế (trong đó có 8 bệnh viện, 18 phòng khám bệnh đa khoa khu vực, 73 trạm y tế xã) với 1.270 giường bệnh, 302 bác sĩ. Các chương trình phòng chống các loại bệnh dịch nguy hiểm, tiêm chủng mở rộng đạt kết quả tốt. Việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình triển khai ngày càng có kết quả. Tỉ lệ sinh sản hàng năm là 1‰, đưa tỉ lệ phát triển dân số cả tỉnh từ 2,4% năm 1995 xuống còn 2,1% năm 1998. Phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng được chú trọng và duy trì. Nhiều công trình phục vụ hoạt động văn hóa được xây dựng từ tỉnh đến cơ sở như: Thư viện tỉnh, Nhà văn hóa huyện Sơn Hòa… Công tác vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo được nhân dân hưởng ứng đông đảo. Phong trào thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe ngày càng phát triển, một số môn thể thao được các vận động viên Phú Yên tham gia trong nước và khu vực giành thứ hạng cao.

 

Công tác đền ơn đáp nghĩa cho các đối tượng chính sách được các ngành các cấp quan tâm, đi vào chiều sâu. Các đơn vị, cá nhân trong tỉnh tự nguyện nhận nuôi các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, các gia đình chính sách neo đơn, khó khăn được giúp đỡ vươn lên trên mức sống trung bình ở cơ sở. Việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được triển khai bằng các chương trình, dự án quốc gia và nhiều hoạt động tích cực nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Năm 1995, quỹ xóa đói giảm nghèo tỉnh được thành lập và huy động được 9 tỉ đồng đóng góp, giải quyết việc làm trên 1.500 lao động.

 

Nhà máy bia Sài Gòn - Phú Yên, thành quả giai đoạn 1994-1999 - Ảnh: MINH KÝ

 

Lĩnh vực quốc phòng - an ninh được chú trọng để đảm bảo việc phòng thủ và duy trì trật tự an toàn xã hội trên phạm vi toàn tỉnh. Hàng năm công tác tuyển quân, tổ chức huấn luyện, diễn tập phòng thủ đạt kết quả cao. Việc đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy được chỉ đạo chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng phát triển, góp phần đấu tranh phòng ngừa tội phạm có hiệu quả.

 

Công tác đấu tranh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm được UBND tỉnh triển khai rộng rãi trong cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở. Nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng được phát hiện, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh góp phần giáo dục, ngăn ngừa và tạo niềm tin trong nhân dân. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đối với các vụ khiếu kiện phức tạp, UBND tỉnh thành lập các đoàn công tác về cơ sở xem xét, giải quyết, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại tố cáo vượt cấp.

 

Trong nhiệm kỳ 1994-1999, UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo, điều hành ưu tiên hàng đầu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng CNH-HĐH và đạt những kết quả đáng kể. Cơ cấu kinh tế tập trung chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa đã đưa tỉ trọng công nghiệp xây dựng từ 12,4% lên 22%. Các chương trình kinh tế - xã hội phát huy hiệu quả rõ nét như: Chương trình lương thực tập trung phát triển cây lúa đảm bảo nhu cầu lương thực trong nhân dân, chương trình cây mía và các cây công nghiệp khác như điều, hồ tiêu, cà phê làm thay đổi cơ cấu cây trồng trong tỉnh, chương trình thủy lợi với việc tập trung sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy nông Đồng Cam và xây dựng nhiều công trình thủy lợi nhỏ ở vùng núi và trung du, chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số tập trung vào 3 huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển giao thông thủy lợi, y tế, giáo dục làm thay đổi bộ mặt miền núi và nâng cao đời sống đồng bào thiểu số.

 

Dưới sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, kinh tế - xã hội Phú Yên giai đoạn 1994-1999 có bước phát triển, nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra vượt dự kiến và đạt kết quả ổn định: lương thực đạt 30 vạn tấn/năm, trồng rừng đạt 109,6%, đánh bắt thủy hải sản đạt 131%, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 156,2%, tỉ lệ tăng dân số giảm còn 2,42%, xây dựng cơ sở hạ tầng tạo tiền đề cần thiết cho bước phát triển tiếp theo. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, năng lực quản lý và điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên một bước.

 

Trong công tác điều hành, chỉ đạo, UBND tỉnh nhiệm kỳ 1994-1999 đã hoàn thành về cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đã đề ra. Những kết quả đạt được bắt nguồn từ sự ổn định về chính trị, sức mạnh trí tuệ và vật chất của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, nhiều sáng kiến của cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã mở đường và tạo cơ sở cho tiến trình đổi mới. Một trong những nguyên nhân thắng lợi của nhiệm kỳ qua là sự đoàn kết nhất trí trong UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các thành viên UBND tỉnh với các ngành, các cấp. Phần lớn cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước của tỉnh đều tốt, trung thành, hết lòng vì dân, vì nước, biết lo cho dân để đưa nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.

 

PHAN THANH

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp