Song hành với nhiều khó khăn từ những ngày đầu mới thành lập, ngành TT-TT đã hết sức nỗ lực, khắc phục hạn chế, hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực quan trọng, đạt được nhiều thành tựu nổi bật và sẽ tiếp tục sáng tạo, đổi mới trong cách làm để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Năm 2008, Sở TT-TT được thành lập, với chức năng quản lý nhà nước trên 5 lĩnh vực: Báo chí, Xuất bản, Bưu chính viễn thông (BCVT), Công nghệ thông tin (CNTT), điện tử. Từ năm 2011, sở được giao thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và an toàn an ninh thông tin.
Trong thời gian qua, ngành TT-TT đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình với nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh.
Ứng dụng CNTT trong nền hành chính công
Những năm qua, ngành TT-TT đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử, hỗ trợ tỉnh trong quá trình cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng lành mạnh.
Theo đó, đơn vị đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn xây dựng Trục liên thông văn bản tỉnh theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia TCVN 102:2016/BTTTT về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại các sở, ngành, địa phương, kết nối thông suốt với Trục liên thông văn bản quốc gia; giúp 100% sở, ngành và địa phương triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong công việc.
Tỉ lệ văn bản được xử lý song song giữa giấy và điện tử đạt trên 90%; số lượng văn bản xử lý hoàn toàn điện tử 10%. Ngành cũng đã cấp 1.488 chứng thư số cho các tổ chức và cá nhân.
Sở TT-TT còn thúc đẩy triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đây là hệ thống duy nhất vừa thực hiện vai trò tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính trực tuyến, vừa giúp các cơ quan tiếp nhận, xử lý, công khai kết quả giải quyết. Hiện tại, 100% thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp trực tuyến mức độ 2; 945 thủ tục ở mức độ 3; 93 thủ tục ở mức độ 4.
Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh cũng kết nối chia sẻ với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, tích hợp thanh toán trực tuyến qua hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và tương thích với các trình duyệt web thông dụng khác như Chrome, IE, Firefox… Đặc biệt đầu năm 2019, Sở TT-TT đã tham gia tích cực trong việc hình thành Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến tại trung tâm.
Tính đến thời điểm này, thư điện tử công vụ đã cấp trên 6.300 tài khoản cho các cơ quan, đơn vị; 100% cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh được cấp tài khoản thư điện tử công vụ để trao đổi công việc.
Lĩnh vực bưu chính, viễn thông không ngừng phát triển. Sở đã triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển ngành; xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, internet băng rộng hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ sóng dịch vụ rộng trên cơ sở chuẩn hóa, đồng bộ.
Hiện nay, toàn tỉnh đã phủ kín sóng viễn thông 2G, 3G và hầu hết 4G ở đô thị và vùng phụ cận. Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, phục vụ cơ quan Đảng và Nhà nước cũng thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng trong cải cách hành chính.
Trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêu chí số 8 về TT-TT của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các xã, ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền về quy định sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện của bộ đàm đặt trên phương tiện nghề cá, thiết bị nhận dạng tự động tàu cá (AIS) của ngư dân; quản lý chặt chẽ điểm truy nhập internet và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng... Kết quả, 83 xã có điểm bưu điện văn hóa xã, chiếm 91,8%; mật độ sử dụng điện thoại di động, cố định, internet tại các vùng có bước phát triển.
Đảm bảo thông tin truyền thông, đối ngoại
Thời gian qua, ngành TT-TT đã triển khai có hiệu quả Luật Báo chí, Luật Xuất bản; đồng thời chủ động, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan làm tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí xuất bản, thúc đẩy phát triển sự nghiệp báo chí - xuất bản trên địa bàn.
Sở TT-TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức và duy trì tốt việc giao ban báo chí; đồng hành cùng các cơ quan báo chí - xuất bản trên địa bàn đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật.
Các cơ quan báo chí đã tập trung thông tin, tuyên truyền tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tuyên truyền về quan điểm, cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội bền vững, định hướng dư luận xã hội lành mạnh; tăng cường sự đoàn kết, nhất trí về tư tưởng, chính trị và hành động trong nhân dân; biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngành TT-TT cũng chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm bảo tính hiệu quả trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án thông tin đối ngoại; quảng bá hình ảnh Phú Yên ổn định và phát triển, nâng cao uy tín, vị thế trong khu vực và cả nước.
Tuyên truyền mạnh mẽ về công tác cải cách đến với người dân, doanh nghiệp, khuyến khích hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công qua mạng. Chất lượng nội dung thông tin ngày càng nâng cao, nhất là những thông tin, kiến thức cần thiết đối với đời sống hàng ngày của người dân; mảng thông tin cơ sở lấy đối tượng tuyên truyền trọng tâm là người dân theo hướng chủ động, kịp thời, nhanh nhạy, chính xác và có sức thuyết phục, phù hợp với trình độ của người dân, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh và doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet, có giải pháp thu hút người sử dụng, cung cấp thông tin hữu ích, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, nhất là giới trẻ.
Định hướng đến năm 2020
Từ nay đến năm 2020, ngành TT-TT phấn đấu hoàn thành cơ bản chính quyền điện tử tỉnh, người dân tiếp cận dịch vụ công tăng trưởng 10-20%/năm. 100% văn bản lưu chuyển giữa các cơ quan có chữ ký số và hồ sơ điện tử được thực hiện trên môi trường mạng. Xây dựng TP Tuy Hòa đáp ứng cơ bản một số tiêu chí của đô thị thông minh; ứng dụng CNTT mạnh mẽ trong ngành Y tế và Giáo dục.
100% nhu cầu về dịch vụ viễn thông được đáp ứng. Ngầm hóa đồng bộ hạ tầng mạng cáp tại các khu vực, tuyến đường, phố chính tại TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và trung tâm các huyện. Cáp quang hóa tới 100% trung tâm xã, cụm xã.
Đảm bảo 100% hộ gia đình có máy thu hình trên địa bàn tỉnh xem được truyền hình số bằng các phương pháp khác nhau, trong đó truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình; các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng phủ sóng truyền hình số mặt đất truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư. Dịch vụ kho bãi, dịch vụ quản lý chu trình cung cấp hàng hóa tại 100% điểm mạng. Bưu điện văn hóa xã hiện có được củng cố và từng bước đa dạng hóa 80% dịch vụ bưu chính mà bưu cục cung cấp.
Với những cố gắng, nỗ lực của ngành, sự chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của các cấp, ngành TT-TT của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở vững chắc để ngành tiếp tục phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa trong thời gian đến, nhất là thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong những năm đến. Chúng tôi tin tưởng rằng, với những khó khăn, thách thức được nhận diện, tập thể ngành TT-TT sẽ tìm ra hướng đi mới mang tính đột phá, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, cố gắng để đạt được những chỉ tiêu đề ra.
LÊ TỶ KHÁNH
Phó Giám đốc Sở TT-TT