Phát triển đô thị và tầm nhìn tương lai

Chủ nhật - 16/06/2019 10:08
Các đô thị có vai trò tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, là nhân tố chính của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp - dịch vụ.

Các đô thị có vai trò tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, là nhân tố chính của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp - dịch vụ. Đô thị cũng là nơi tạo ra không gian sống chất lượng, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho đời sống người dân như y tế, giáo dục, văn hóa và là nơi thu hút phần lớn nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo ra nhiều việc làm, thu hút lượng lớn lao động.

 

Quá trình phát triển đô thị qua 30 năm

 

Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên được tái lập, cả tỉnh có 7 đô thị gồm: TX Tuy Hòa là đô thị tỉnh ly loại IV và 6 thị trấn loại V: Phú Lâm (huyện Tuy Hòa), Chí Thạnh (huyện Tuy An), La Hai (huyện Đồng Xuân), Hai Riêng (huyện Sông Hinh), Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), Sông Cầu (huyện Sông Cầu).

 

Các thị trấn đều chưa có quy hoạch chung, cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, nước sạch, đường giao thông, thoát nước, thu gom rác thải chưa được đầu tư. Có thể nói, tỉ lệ đô thị hóa tại thời điểm này ở mức rất thấp, ước tính chỉ trên dưới 10%.

 

Nhìn lại quá trình phát triển đô thị của tỉnh Phú Yên trong 30 năm qua, có thể chia ra thành ba giai đoạn:

Giai đoạn 1989-1999, số lượng đô thị được giữ ổn định, việc quy hoạch chung đô thị và quy hoạch chi tiết các khu chức năng trung tâm đô thị được quan tâm hoàn chỉnh.

 

Đến năm 1999, tất cả các đô thị được lập và phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/2000) khu trung tâm. Tỉ lệ đô thị hóa được nâng lên nhưng tốc độ khá chậm, chủ yếu là hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện, cấp nước. Năm 1999, thành lập thêm 2 phường thuộc TX Tuy Hòa là phường 7 và 8.

 

Giai đoạn 1999-2009, ghi nhận sự phát triển đô thị diễn ra nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn này đã thành lập TP Tuy Hòa (đô thị loại III) trên cơ sở TX Tuy Hòa và sáp nhập thị trấn Phú Lâm vào năm 2005. Thành lập TX Sông Cầu (đô thị loại IV) từ huyện Sông Cầu vào năm 2009. Thành lập thêm thị trấn Phú Hòa, huyện lỵ của huyện mới Phú Hòa và 6 phường (2 phường thuộc TP Tuy Hòa và 4 phường thuộc TX Sông Cầu).

 

Công tác quy hoạch đô thị được rà soát, cập nhật, điều chỉnh và phủ kín quy hoạch chi tiết, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư mạnh mẽ, chất lượng đường giao thông nội thị, hệ thống cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải được đầu tư, nâng cấp. Nhiều công trình văn hóa, thể thao, công viên cây xanh được đầu tư theo quy hoạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2009 đạt 20%.

 

Giai đoạn 2009-2019, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, chất lượng và quy mô đô thị ngày càng đáp ứng bộ tiêu chí phân loại đô thị. Năm 2013 thành lập thêm 3 thị trấn là Hòa Vinh (huyện lỵ), Hòa Hiệp Trung thuộc huyện Đông Hòa và thị trấn Phú Thứ là huyện lỵ Tây Hòa.

 

Cũng trong năm này, TP Tuy Hòa được công nhận là đô thị loại II, đánh dấu sự phát triển về chất của đô thị tỉnh lỵ. Gần đây nhất, đầu tháng 3/2019, TX Sông Cầu được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Tốc độ đô thị hóa trung bình của giai đoạn này đạt 1,8%, cao gấp đôi tốc độ của thời kỳ 10 năm trước. Đến hết năm 2018, tỉ lệ đô thị hóa đạt 34%, dự kiến cuối năm 2019 sẽ đạt 38%.

 

Việc UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và chương trình phát triển đô thị tỉnh Phú Yên đến năm 2025 đã xác định được không gian đô thị cho toàn tỉnh và lộ trình, hướng đi cụ thể để hoàn thiện và phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh trong tổng thể hệ thống đô thị quốc gia.

 

Nhiều khu vực phát triển đô thị đã được lập quy hoạch chung và xây dựng chương trình phát triển đô thị để từng bước đáp ứng tiêu chí đô thị loại V. Hiện nay, 100% đô thị đã được phê duyệt quy hoạch chung, tỉ lệ phủ kín quy hoạch phân khu (tỉ lệ 1/2000) đạt 37% quy hoạch chung, tỉ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500) đạt 15,7%.

 

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô. Đến nay, toàn tỉnh có 10 đô thị gồm TP Tuy Hòa - loại II, TX Sông Cầu - loại III và 8 thị trấn loại V với hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại.

 

Từ 6 phường nội thị của Tuy Hòa, đến nay toàn tỉnh có 16 phường nội thị (TP Tuy Hòa 12 phường, TX Sông Cầu 4 phường), chất lượng sống của người dân đô thị ngày càng nâng cao, theo kịp đà phát triển chung của khu vực và cả nước.

 

Tầm nhìn tương lai

 

Dựa trên cơ sở quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và chương trình phát triển đô thị tỉnh, trong giai đoạn tới, Phú Yên xác định các chiến lược phát triển dựa trên các trụ cột sau đây:

 

Chiến lược 1, phát triển đô thị theo mô hình các trục động lực. Lấy cơ sở hạ tầng giao thông làm động lực chính. Dựa vào mô hình này, toàn tỉnh có 3 trục phát triển chính là: trục đô thị ven biển, trục đô thị đông - tây và trục đô thị bắc - nam ở phía tây.

 

Trục đô thị ven biển là trục động lực chính, với chuỗi đô thị ven biển: Sông Cầu - Tuy An - Tuy Hòa - Đông Hòa. Với chiều dài 189km bờ biển, dân số trên 500.000 người (chiếm khoảng 54% toàn tỉnh) nhưng chiếm tới trên 75% tiềm lực kinh tế của tỉnh. Có thể nói, đây là khu vục kinh tế trọng điểm, có trình độ phát triển cao nhất tỉnh.

 

Định hướng phát triển đến năm 2025 sẽ hình thành chuỗi đô thị liền kề nhau có trình độ phát triển cao, trong đó Tuy Hòa (đô thị loại I) là trung tâm, có vai trò động lực chính thúc đẩy đô thị hóa theo chiều sâu; Sông Cầu (loại III) là đô thị du lịch - dịch vụ, là cửa ngõ phía bắc của tỉnh, lấy khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài là trung tâm động lực phát triển; Đông Hòa (loại IV) là đô thị công nghiệp - dịch vụ với động lực chính là Khu kinh tế Nam Phú Yên và Tuy An (loại IV) là đô thị dịch vụ - du lịch với hai di tích thắng cảnh quốc gia là đầm Ô Loan và gành Đá Đĩa là tài nguyên tạo động lực phát triển.

 

Trục đô thị đông - tây, gồm chuỗi các đô thị: Đông Hòa - Tuy Hòa - Phú Thứ - Phú Hòa - Củng Sơn - Hai Riêng - Ea Ly. Đây là chuỗi đô thị phát triển dọc theo hai tuyến quốc lộ 25 và quốc lộ 29 nằm ở hai bên bờ sông Ba. Phía đông kết nối với trục ven biển và có sự phát triển cao, phía tây là các đô thị nhỏ dọc sông Ba có vai trò kết nối tiểu vùng dọc tuyến quốc lộ.

 

Dự kiến đến năm 2025, phía tây sẽ có 2 đô thị đạt tiêu chí loại IV là Củng Sơn và Hai Riêng, hình thành thêm 2 đô thị là Sơn Thành Đông và Sơn Giang. Đặc điểm chính của trục đô thị này là thúc đẩy tiến trình đô thị hóa nông thôn, phát triển dịch vụ với vai trò là cửa ngõ kết nối với các tỉnh Tây Nguyên.

 

Trục đô thị bắc - nam ở phía tây, là chuỗi các đô thị dọc tuyến đường quốc lộ 19C gồm các đô thị hiện hữu: Hai Riêng - Củng Sơn và các đô thị dự kiến hình thành đến năm 2025 là: Vân Hòa (Sơn Long) - Trà Kê (Sơn Hội) - Xuân Phước - Xuân Lãnh.

 

Đây là chuỗi đô thị tiểu vùng phía tây lấy tuyến quốc lộ 19C là động lực chính với các trung tâm đô thị hiện tại giao với các tuyến giao thông theo hướng đông - tây của tỉnh. Đặc điểm chính là các đô thị nhỏ ở miền núi có chức năng kết nối tiểu vùng, thúc đẩy đô thị hóa nông thôn trên nền tảng phát triển nông nghiệp hàng hóa, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ cấp tiểu vùng.

 

Chiến lược 2, phát triển đô thị hướng biển, gắn kinh tế đô thị với kinh tế biển. Một tiềm năng vô cùng to lớn đó là chiều dài bờ biển 189km với nhiều bãi biển, đầm vịnh đẹp, nhiều thắng cảnh nổi tiếng đã được đưa vào hệ thống quy hoạch du lịch quốc gia như vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô, gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan… là nguồn tài nguyên to lớn để phát triển du lịch biển, một ngành kinh tế sạch và bền vững.

 

Bên cạnh đó là quỹ đất ven biển còn rất dồi dào, nhiều tiềm năng cho phát triển đô thị và dịch vụ. Chính vì thế, việc phát triển đô thị hướng biển với cấu trúc không gian và hình thái kiến trúc gắn với bờ biển sẽ tạo ra nét đặc trưng đô thị biển của Phú Yên, tạo lợi thế và động lực mạnh mẽ cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ nông, ngư nghiệp sang dịch vụ, du lịch.

 

Chiến lược 3, phát triển đô thị lấy yếu tố bền vững làm cốt lõi, trong đó các tiêu chí đô thị tăng trưởng xanh, đô thị sinh thái làm nền tảng và dần tiệm cận với các chỉ tiêu đô thị thông minh. Với quan điểm phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt, việc thực hiện các tiêu chí phát triển bền vững trong phát triển đô thị phải thực hiện đồng bộ từ công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và quản lý đô thị.

 

Cả ba chiến lược trên đây tuy có vẻ rời rạc nhưng thực chất là sự kết hợp đồng bộ, thống nhất dựa trên 3 yếu tố: xác định động lực, quy hoạch không gian lãnh thổ và hoạch định chính sách cho sự phát triển. Các quá trình phát triển đô thị trong thời gian tới cần thực hiện dựa trên nền tảng 3 trụ cột chiến lược trên đây để đưa tỉnh nhà cất cánh, trở thành một ngôi sao mới trên bản đồ du lịch của quốc gia.

 

ThS HUỲNH LỮ TÂN

Giám đốc Sở Xây dựng

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp