Tỉnh Phú Yên đã phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 26/4/2016 về lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là tiền đề để ngành Nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững.
Thành tựu 30 năm qua
Trong 30 năm qua, sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp được đẩy mạnh, từng bước xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ngành Nông nghiệp 30 năm qua đạt bình quân 13,5%/năm, giá trị sản xuất tăng 17,4%/năm; kết quả tái cơ cấu từ năm 2015-2018 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,2%/năm. Tỉ trọng ngành Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch đúng hướng, từ 28,7% (năm 2011) giảm còn 24,5% (năm 2018); cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉ trọng giá trị sản xuất (GTSX) thủy sản tăng từ 32,5% năm 2011 lên 37,78% năm 2018; tỉ trọng GTSX nông - lâm nghiệp giảm từ 67,5% năm 2011 xuống còn 62,22% vào năm 2018.
Giá trị sản phẩm thu được trên đơn vị diện tích canh tác tăng cao. Năm 2017, mỗi hécta đất trồng trọt đạt bình quân 69,5 triệu đồng (gấp 1,5 so năm 2011), ước năm 2018 đạt khoảng 72 triệu đồng/ha. Đặc biệt, giá trị sản phẩm thu được bình quân trên mỗi hécta mặt nước nuôi trồng đạt 842 triệu đồng/ha (gấp 2,6 so năm 2011) và gấp 4,1 lần so với bình quân cả nước (năm 2017 đạt 206,8 triệu đồng/ha). Giá trị xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản ngày càng tăng, giữ vai trò thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó thủy sản là mặt hàng chủ lực xuất khẩu của tỉnh với kim ngạch năm 2018 đạt 57,1 triệu USD, chiếm tỉ trọng 39,0% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn năm 2017 đạt 26,2 triệu đồng, gấp 2,9 lần so với năm 2008. Tỉ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn tiếp tục giảm nhanh, từ 14,56% năm 2008 giảm còn 7,1% năm 2018. Nông dân đã và đang phát huy vai trò chủ thể, tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị nông sản.
Đặc biệt, sau 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cấp nước, cấp điện, trường học… được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn. Đến nay, có 47/88 xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15,83 tiêu chí/xã; đã có 3/9 đơn vị cấp huyện có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu trong năm 2019, huyện Tây Hòa và Phú Hòa đạt chuẩn nông thôn mới.
Kinh tế hộ gia đình nông thôn tiếp tục phát triển. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển sâu rộng. Kinh tế trang trại phát triển nhanh, năm 2018 có 174 trang trại, gấp 3,7 lần so với năm 2011. Các hợp tác xã được tổ chức lại, hoạt động theo kiểu mới và thành lập mới theo Luật Hợp tác xã, với 80 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động. Tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; toàn tỉnh có 146 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp trở thành nòng cốt trong kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Khai thác cá ngừ đại dương - một lợi thế của tỉnh Phú Yên - Ảnh: N.CHUNG |
Định hướng phát triển trong thời gian tới
Mục tiêu chung của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục phát triển toàn diện ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm an ninh quốc phòng. Đồng thời thực hiện mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tốc độ giá trị tăng thêm toàn ngành đạt tối thiểu 3,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng ít nhất 1,2 lần so với năm 2017; trên 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỉ lệ che phủ rừng đạt 45%; hầu hết dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Để thực hiện mục tiêu đó, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp nhằm khai thác và tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hướng đến phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp, hợp tác xã trong liên kết chuỗi sản xuất, kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản, thị trường tiêu thụ; tạo dựng thương hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với BĐKH. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, cơ giới hóa và phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả. Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (lúa, sắn, mía); phát triển sản xuất rau, hoa, cây dược liệu, cây công nghiệp dài ngày ở những vùng có lợi thế, thuận lợi về kết cấu hạ tầng, nguồn nước. Phấn đấu đạt tốc độ giá trị gia tăng trên mỗi hécta đất trồng trọt khoảng 2,5-3,0%/năm. Phát triển vùng chăn nuôi tập trung đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh, duy trì và nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái; đẩy mạnh sử dụng giống tiến bộ có năng suất, chất lượng cao. Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; phấn đấu đạt mức tăng giá trị gia tăng từ sản xuất chăn nuôi khoảng 5%/năm.
Quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả rừng tự nhiên; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên gắn với mục tiêu phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp đạt từ 8,5-9,0%/năm; tỉ lệ che phủ rừng đạt 45% và có khoảng 20% diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có chứng chỉ vào năm 2020.
Ở lĩnh vực thủy sản, tiếp tục cơ cấu lại sản xuất thủy sản theo hướng giảm tỉ trọng khai thác; đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị chế biến, bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là cá ngừ đại dương; tổ chức sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giữa khai thác - cung ứng dịch vụ hậu cần và thu mua trên biển - chế biến thủy sản; khai thác phải gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, an ninh quốc phòng; thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản; phấn đấu tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực thủy sản đạt từ 5,5-6,0%/năm.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu trên 65% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, có 2 huyện đạt tiêu chí huyện nông thôn mới.
TS NGUYỄN TRỌNG TÙNG
Giám đốc Sở NN-PTNT