Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Ngành GD-ĐT Phú Yên: Những gam màu sáng sau 30 năm tái lập tỉnh

Chủ nhật - 26/05/2019 23:49
Những năm đầu tái lập tỉnh, Phú Yên được xem là “vùng trũng” về GD-ĐT. Cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên thiếu và yếu. 30 năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội và sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, sự nghiệp GD-ĐT tỉnh đã có bước tiến vượt bậc.
Ngành GD-ĐT Phú Yên: Những gam màu sáng sau 30 năm tái lập tỉnh

Những năm đầu tái lập tỉnh, Phú Yên được xem là “vùng trũng về GD-ĐT. Cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên thiếu và yếu. 30 năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội và sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, sự nghiệp GD-ĐT tỉnh đã có bước tiến vượt bậc. Mạng lưới trường lớp được xây dựng khang trang, chất lượng GD-ĐT được nâng cao.

 

Thay đổi về “lượng”

 

Gần 30 năm trôi qua, nhưng Nhà giáo ưu tú, TS Nguyễn Xuân Đàm vẫn còn nhớ như in thời điểm tỉnh Phú Yên chính thức được tái lập ngày 1/7/1989. 11 ngày sau, UBND tỉnh ra Quyết định 105/UB thành lập Sở GD-ĐT Phú Yên. Khi ấy, ngành Giáo dục non trẻ của tỉnh nhà phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: quy mô trường lớp hạn hẹp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiếu thốn và xuống cấp. Mặt khác, cán bộ quản lý giáo dục ở cấp ngành còn thiếu nhiều, số giáo viên được chuẩn hóa còn ít; đời sống và điều kiện làm việc của giáo viên rất thiếu thốn.

 

Với vai trò Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm cùng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo lúc bấy giờ đã quyết tâm chấn hưng nền giáo dục tỉnh nhà phát triển từ hệ thống giáo dục phổ thông đến chuyên nghiệp, mở rộng phong trào học ngoại ngữ, tiến dần lên xã hội học tập. Chỉ trong gần 10 năm, từ 1989-1998, hệ thống giáo dục Phú Yên đã cơ bản, toàn diện ở các cấp học.

 

TS Nguyễn Xuân Đàm chia sẻ: “Với quyết tâm phục hồi và từng bước phát triển nền GD-ĐT của tỉnh, đưa “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”, trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển GD-ĐT và dạy nghề với nhiều giải pháp cụ thể.

 

Điểm nhấn trong giai đoạn này là đã thành lập được Trường Niềm Vui, tiền thân của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, địa chỉ giáo dục tin cậy cho trẻ khuyết tật; mở trường dân tộc nội trú các cấp, chăm lo giáo dục cho con em dân tộc miền núi… Công tác xóa mù chữ được đẩy mạnh, đời sống và điều kiện làm việc của đội ngũ nhà giáo được nâng cao hơn, bộ mặt giáo dục của tỉnh nhà dần khởi sắc”.

 

Nếu như năm 1989, toàn tỉnh chỉ có 188 trường học với 150.000 học sinh/4.255 lớp, tổng số giáo viên là 4.971 người, thì sau 30 năm phát triển và đổi mới, đến tháng 1/2019, toàn tỉnh có 404 trường, trong đó 138 trường mầm non, 127 trường tiểu học, 106 trường THCS, 33 trường THPT với 195.561 học sinh các cấp theo học.

 

Cùng với mở rộng, ổn định quy mô trường lớp, giảm các điểm trường lẻ và phát triển theo hướng xã hội hóa, các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội đã quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp ngày càng khang trang, hiện đại, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng được nhu cầu của giáo viên và học sinh. Đến tháng 1/2019, toàn tỉnh có 187 trường học đạt chuẩn quốc gia.

 

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành cũng được tăng cường về số lượng, chuẩn hóa về trình độ, đảm bảo yêu cầu dạy học. Hiện nay, toàn ngành có 12.293 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên. 99,97% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo.

 

Năm 2018, toàn ngành Giáo dục và 3 trường đại học, cao đẳng thuộc tỉnh có 557 người có trình độ sau đại học, gồm 29 tiến sĩ, 2 phó giáo sư, 32 nghiên cứu sinh, 496 thạc sĩ. Nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng tham gia lớp bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, là những giáo viên cốt cán, dạy giỏi từ cấp trường đến cấp quốc gia, nhiều nhà giáo là những tấm gương sáng, vượt khó, đổi mới sáng tạo.

 

Chuyển biến về “chất”

 

Trong gần ba thập kỷ qua, chất lượng GD-ĐT của Phú Yên đã có bước chuyển biến rõ rệt ở tất cả các cấp học, từ giáo dục văn hóa, đạo đức đến giáo dục lý tưởng, phẩm chất, kỹ năng sống cho học sinh. Là nền tảng quan trọng của sự nghiệp giáo dục, những năm qua, bậc học mầm non của tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, đảm bảo an toàn mọi mặt cho trẻ… Năm 2016, tỉnh đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2010-2015.

 

Đối với giáo dục phổ thông, toàn ngành chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Các trường tiểu học, THCS, THPT triển khai nhiều chương trình, dự án, mô hình dạy học hiệu quả; đa dạng hóa các hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo của học sinh; tích cực đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá học sinh. Chất lượng giáo dục được nâng cao qua từng năm, tỉ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT ngày càng cao hơn, đạt 97,42% (năm 2018).

 

Dạy và học Tin học tại Trường tiểu học Sông Cầu (TX Sông Cầu) - Ảnh: HÀ MY

 

Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, ngành tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh loại hình giáo dục mũi nhọn. Công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp được quan tâm, đầu tư. Nhờ đó, 30 năm qua, có hàng ngàn học sinh, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực, quốc gia, quốc tế. Nhiều em trở thành các nhà khoa học nổi tiếng trên một số lĩnh vực khoa học trong và ngoài nước.

 

Bên cạnh đó, công tác giáo dục thường xuyên cũng được ngành tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục chuyên nghiệp tiếp tục đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, từng bước nâng cao chất lượng dạy học, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương… Giáo dục dân tộc, giáo dục hòa nhập cộng đồng được quan tâm triển khai. Các hoạt động hợp tác quốc tế có nhiều khởi sắc...

 

“Những thành tích của ngành Giáo dục Phú Yên trong 30 năm qua đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng. Nhiều năm liên tục, ngành đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT tặng cờ thi đua, bằng khen; nhiều tập thể, cá nhân được tặng phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh”, ông Phạm Huy Văn, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Phú Yên cho hay.

 

Đổi mới và hội nhập

 

Theo TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh trong 30 năm qua tuy có sự chuyển biến, khởi sắc nhưng so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự phát triển của các tỉnh trong khu vực và cả nước, thì vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

 

Đó là cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đổi mới giáo dục; việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, thư viện chuẩn còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; công tác phân luồng học sinh chưa mang lại hiệu quả; tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn cao ở cấp THCS; chất lượng giáo dục ở vùng sâu vùng xa chưa cao; công tác xã hội hóa giáo dục còn chậm...

 

“Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa mạnh mẽ, ngành GD-ĐT Phú Yên đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là yêu cầu khách quan và cấp bách. Vì vậy, ngành GD-ĐT Phú Yên rất mong trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh, các cấp chính quyền và toàn xã hội tiếp tục quan tâm nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục.

 

Ngành GD-ĐT cũng sẽ có lộ trình đổi mới đồng bộ, phù hợp với thực tế của địa phương để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; đồng thời phát triển GD-ĐT cân đối về quy mô, cơ cấu và đa dạng hình thức học tập và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; góp phần cùng cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, xây dựng Phú Yên ngày càng phát triển giàu mạnh”, TS Phạm Văn Cường cho biết.

 

HÀ MY - KHÁNH TRANG

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp