Công nghiệp Phú Yên trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ sáu - 10/05/2019 01:36
Phú Yên có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp. Trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, công nghiệp luôn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn; được cụ thể hóa qua những chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư.
Công nghiệp Phú Yên trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Phú Yên có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp. Trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, công nghiệp luôn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn; được cụ thể hóa qua những chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư. Những năm gần đây, ngành Công nghiệp Phú Yên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình tái cơ cấu ngành Công thương Phú Yên cần có những định hướng phát triển phù hợp để phát triển.

 

Những nền tảng bước đầu

 

Phú Yên có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp với nguồn nguyên liệu nông - lâm - thủy sản dồi dào; nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao, có khả năng sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Phú Yên đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành Công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh xác định các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như: Chế biến nông - lâm - thủy sản gắn với việc quy hoạch vùng nguyên liệu; dược phẩm, dệt may, sản phẩm từ công nghệ mới, công nghiệp phần mềm và nội dung số, hóa chất, năng lượng, thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ làm tiền đề xây dựng những ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, Phú Yên đã hình thành 14 khu, cụm công nghiệp với cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhờ vậy, ngành Công nghiệp Phú Yên tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng cao, cơ bản bám sát định hướng của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp, trong đó tăng mạnh nhất là tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; cơ cấu xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.

 

Cụ thể, đến cuối năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt hơn 17.000 tỉ đồng; tỉ trọng ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng chiếm 29,84%; tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành Công nghiệp đạt 10,75%; tổng kim ngạch xuất khẩu 146,5 triệu USD. Vốn đầu tư vào ngành Công nghiệp liên tục gia tăng, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia.

 

Trong năm 2018, tỉnh đã thu hút thêm 12 dự án đầu tư vào khu công nghiệp, với vốn đầu tư đăng ký là 5.135 tỉ đồng và 2,75 triệu USD. Lũy kế số dự án đăng ký vào Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu công nghiệp đến nay là 95 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 9.950 tỉ đồng và gần 26 triệu USD. Năng lực sản xuất mới và mặt hàng mới có sự phát triển đáng kể; nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư chiều sâu, đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ theo hướng hiện đại… để phù hợp với xu thế 4.0.

 

Cơ hội và thách thức

 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo sẽ tạo ra những tác động hết sức mạnh mẽ tới mọi khía cạnh của hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành Công thương cần có những định hướng phát triển phù hợp để phát triển trong thời gian tới.

 

Cụ thể, ngành Công thương Phú Yên tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo… Đây là cơ hội, tiền đề cho ngành Công nghiệp phát triển phù hợp với xu thế của công nghiệp 4.0.

 

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp của tỉnh cũng có nhiều cơ hội tiếp cận với trình độ quản lý tiên tiến, những tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, nhất là những thành tựu của 4.0 để tạo ra bước đột phá trong phát triển. Ngoài ra, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế đang được tập trung đầu tư hoàn thiện là cơ hội thuận lợi để ngành Công nghiệp thu hút, tiếp nhận các nguồn vốn FDI để phát triển nhanh và bền vững.

 

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, công nghệ chưa đạt mức tiên tiến, với lợi thế chỉ là nguồn tài nguyên của địa phương và lao động giá rẻ. Trong khi đó, 4.0 mang đến cho chúng ta những khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Bởi lẽ, tốc độ và quy mô của 4.0 rất nhanh và rộng, nếu không có định hướng phát triển phù hợp, kịp thời, ngành Công nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu, quy mô sản xuất kinh doanh ngày một thu hẹp, gia tăng thất nghiệp…

 

Trong cuộc cách mạng này, những sức ép cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, với nhiều đối thủ hơn, trên bình diện rộng và sâu hơn. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp của tỉnh. Cuối cùng, hiện nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý có trình độ chuyên môn, am hiểu luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế cũng như đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế. Do vậy, để tồn tại và phát triển trong bối cảnh 4.0, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện và nhanh chóng. Đây là một thách thức không hề nhỏ trong quá trình phát triển ngành Công nghiệp tỉnh.

 

Định hướng và giải pháp phát triển

 

Từ những kết quả đạt được của ngành Công nghiệp qua 30 năm phát triển và những nhận định về sự tác động, cơ hội, thách thức của 4.0, ngành Công nghiệp Phú Yên định hướng phát triển công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển nhanh các ngành, sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, phù hợp với xu thế phát triển của công nghiệp 4.0.

 

Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo sự phát triển đột phá cho kinh tế tỉnh và thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, đưa Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp.

 

Cụ thể, Phú Yên sẽ ưu tiên phát triển nhóm ngành Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm và đồ uống theo hướng hiện đại; phát triển ngành hóa chất theo hướng sử dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Đối với nhóm ngành dệt may, giày dép, tỉnh khuyến khích phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, chuyển dần từ hình thức gia công sang sản xuất các sản phẩm có thương hiệu nhằm tạo ra bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm. Với nhóm ngành cơ khí, tỉnh khuyến khích các cơ sở đổi mới thiết bị, công nghệ, tăng thêm năng lực sản xuất cần thiết nhằm đảm bảo tốt nhiệm vụ sửa chữa máy móc, thiết bị nông, lâm, ngư nghiệp, thủy lợi, giao thông - vận tải.

 

Với nhóm ngành điện tử, công nghệ thông tin cần tập trung đầu tư cho những dự án sản xuất các thiết bị linh kiện điện tử, điện tử gia dụng, thiết bị viễn thông, thiết bị tự động hóa, sản xuất các thiết bị kỹ thuật điện; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…

 

Từ những định hướng trên, ngành Công thương Phú Yên đã đưa ra một số giải pháp để phát triển ngành Công nghiệp dưới tác động của 4.0. Trong đó, với lĩnh vực công nghiệp phải tiến hành tái cơ cấu một cách mạnh mẽ theo hướng đẩy mạnh việc thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện môi trường, công nghiệp hỗ trợ; nâng cao hiệu quả năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và năng suất của các ngành công nghiệp truyền thống qua việc đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động.

 

Đồng thời thực hiện chính sách thu hút và đào tạo nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao phù hợp với 4.0. Thường xuyên đào tạo bổ sung cho lực lượng lao động có trình độ thấp, ưu tiên các kiến thức và kỹ năng liên quan tới ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, khả năng quản lý và phân tích thông tin; sử dụng có hiệu quả năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ.

 

Cuối cùng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch hóa cơ chế, chính sách; tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất, mặt bằng đất đai và hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao tỉ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

NGUYỄN THANH TUẤN

Phó Giám đốc Sở Công thương

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp