Sơn Hòa, 30 năm một chặng đường đổi mới

Thứ hai - 22/04/2019 01:20
Năm 1984, huyện Sơn Hòa tách ra từ huyện Tây Sơn (tỉnh Phú Khánh). Năm 1989, tỉnh Phú Yên được tái lập, huyện Sơn Hòa là một trong bảy đơn vị hành chính của tỉnh và được giữ nguyên tới ngày nay.
Sơn Hòa, 30 năm một chặng đường đổi mới

Năm 1984, huyện Sơn Hòa tách ra từ huyện Tây Sơn (tỉnh Phú Khánh). Năm 1989, tỉnh Phú Yên được tái lập, huyện Sơn Hòa là một trong bảy đơn vị hành chính của tỉnh và được giữ nguyên tới ngày nay. Sơn Hòa là cửa ngõ phía tây của tỉnh, có quốc lộ 25 chạy qua; mắt xích quan trọng trong hành lang kinh tế Đông - Tây. Sau 30 năm, kể từ khi tái lập tỉnh, huyện đã đạt những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

 

Từ năm 1989 đến nay, Đảng bộ huyện Sơn Hòa đã trải qua 7 kỳ đại hội. Tại mỗi kỳ đại hội, Ban Chấp hành đảng bộ huyện luôn đề ra mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng đúng hướng, sát thực tế và hàng năm ban hành nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.

 

Vươn lên từ khó khăn

 

30 năm trước, đời sống bà con nhân dân trong huyện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xác định: “Đẩy mạnh phát triển công - lâm - thương nghiệp, trên cơ sở nền kinh tế quốc doanh, HTX và gia đình… tập trung giải quyết cơ bản vững chắc vấn đề lương thực và nông sản hàng hóa là nhiệm vụ then chốt… đồng thời phát triển mạnh vấn đề y tế, giáo dục, là việc làm cấp bách”.

 

Những năm sau tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đảng bộ huyện đưa ra chủ trương: “Tiếp tục duy trì và thực hiện tốt cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng ngành Nông nghiệp; phát huy nội lực, thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các ngành sản xuất; gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng - an ninh…”.

 

Nhờ có các chính sách đúng đắn, kịp thời, đời sống người dân trên địa bàn huyện đã dần đi vào ổn định. Thu nhập kinh tế của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không ngừng được cải thiện; các chế độ, chính sách dành cho người đồng bào DTTS được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Theo đó, tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 giảm còn 15,31%, giảm sâu so với năm 2000 là 40%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,7 triệu đồng/người, tăng gấp 19 lần so với năm 1989. Nền kinh tế xã hội có bước phát triển mới, từ nền sản xuất tự cấp tự túc mang tính tự nhiên chuyển sang sản xuất hàng hóa. Cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch tích cực, tỉ trọng nông - lâm nghiệp chiếm khoảng 1/3 cơ cấu kinh tế; tỉ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ chiếm gần 70%.

 

Về kinh tế có bước phát triển ổn định. Tổng diện tích gieo trồng đầu năm 2019 tăng 2,6 lần so với năm 1989. Cây trồng chủ lực hiện nay là cây mía, với tổng diện tích gần 16ha (chiếm 56,07% so với tổng diện tích gieo trồng năm 2018); niên vụ 2017-2018, sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Tổng đàn bò trên 20.800 con, tỉ lệ bò lai chiếm gần 69%. Thu ngân sách địa phương tăng từ 659 triệu đồng (năm 1989) lên 54,7 tỉ đồng vào cuối năm 2018.

 

Y tế, văn hóa, giáo dục ngày càng phát triển, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư để đáp ứng nhu cầu của người dân. Những năm gần đây, Sơn Hòa thu hút đông đảo khách du lịch cả nước đến tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như: Nhà thờ Bác Hồ, Hội trường Mùa xuân, hồ Vân Long, suối đá - cây đỏ... Bên cạnh đó, các chính sách xã hội được giải quyết kịp thời. Thực hiện tốt các chương trình, dự án thoát nghèo, giảm nghèo bền vững đã xóa hàng ngàn nhà ở tạm bợ của hộ nghèo có mã số; cho người nghèo vay hàng chục tỉ đồng để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

 

Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được ổn định; các loại tội phạm, tệ nạn xã hội khi phát sinh được điều tra, xử lý kịp thời, đúng pháp luật. Công tác quốc phòng được củng cố. Công tác tuyển quân hàng năm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu tỉnh giao.

 

Đặc biệt, trong 30 năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Sơn Hòa đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2010-2020; chương trình 134, 135; dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình thoát nghèo trên địa bàn các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS; tập trung trợ giúp đồng bào DTTS giải quyết tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt, không đủ tư liệu sản xuất, dụng cụ sinh hoạt; thực hiện các chính sách hỗ trợ về y tế, cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo được chăm sóc sức khỏe đầy đủ; thực hiện chính sách miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên người DTTS theo nghị định của Chính phủ... Khuyến khích các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao như: Mô hình sản xuất lúa lai vụ đông xuân (giống TH3-5) tại xã Suối Trai và xã Krông Pa; mô hình sản xuất lúa nước vụ đông xuân (giống ML48) tại trạm bơm điện Ma Đao, xã Cà Lúi; mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm không bùn tại thị trấn Củng Sơn và xã Sơn Hội... Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hỗ trợ người dân bằng việc cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật trao đổi kinh nghiệm sản xuất để đồng bào DTTS thoát nghèo, vươn lên làm giàu...

 

Mô hình mía tưới nước tại xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: MINH DUYÊN

 

Đột phá công nghiệp để phát triển

 

Những năm qua, nền kinh tế của huyện từng bước phát triển, cơ cấu chuyển dịch tích cực, bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Đạt được những kết quả trên có phần đóng góp của các doanh nghiệp đã và đang hoạt động trên địa bàn huyện.

 

Quá trình phát triển này được đánh dấu bằng những mốc quan trọng gắn với lĩnh vực công nghiệp, công trình trọng điểm và các sự kiện nổi bật diễn ra trên địa bàn huyện. Đó là vào năm 2000, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam với 100% vốn đầu tư nước ngoài được thành lập. Từ đây, không chỉ tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương mà còn ổn định được đầu ra giúp bà con yên tâm đầu tư vào cây mía. Nhiều hộ xóa được đói, giảm được nghèo, trở thành triệu phú rồi tỉ phú cũng nhờ cây mía. Tiếp đó, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đi vào hoạt động năm 2009. Đây là công trình tầm cỡ quốc gia, vừa giúp cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia vừa cắt lũ cho vùng hạ lưu sông Ba, trong đó có Phú Yên, tăng khả năng cấp nước cho đồng bằng Tuy Hòa. Trên địa bàn huyện, công trình này đã cùng với hàng chục công trình thủy lợi khác phục vụ tưới tiêu cho cây trồng, phát triển chăn nuôi và dân sinh.

Năm 2003, Cụm công nghiệp Ba Bản được thành lập với quy mô 7ha. Đến năm 2014, UBND tỉnh có quyết định thành lập Cụm công nghiệp Ba Bản mở rộng thêm 67ha, nâng tổng số diện tích toàn cụm công nghiệp lên 74ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 80,5 tỉ đồng. Hiện nơi đây thu hút nhiều doanh nghiệp vào hoạt động. Huyện đang tiếp tục xây dựng chính sách thu hút và kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp Ba Bản.

 

Trong tương lai, nơi đây sẽ đem lại nhiều cơ hội để huyện nhà phát triển mạnh các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng thông thường, đá ốp lát, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm… Ngoài ra, từ các chương trình dự án của Trung ương, của tỉnh về nâng cấp quốc lộ 25, đường cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa, cầu Sông Ba, tràn Ngã Hai… đang góp phần giúp địa phương từng bước mở rộng quy hoạch đô thị, thay đổi bộ mặt nông thôn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa miền núi - đồng bằng, tạo thời cơ để Sơn Hòa bứt phá và phát triển bền vững.

 

 

Thời gian tới, huyện Sơn Hòa tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thực hiện có hiệu quả và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu, kế hoạch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra. Trong đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư, nhằm tạo khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các chương trình đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS; nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cải thiện đời sống nhân dân; thực hiện tốt các chế độ chính sách, đảm bảo an sinh xã hội. Giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

 

NAY Y BLUNG

Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp