Sông Hinh kiến thiết và phát triển

Chủ nhật - 14/04/2019 01:16
Cách đây gần 35 năm, huyện Sông Hinh được thành lập (ngày 25/2/1985 trên cơ sở chia tách huyện Tây Sơn (tỉnh Phú Khánh) thành hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh), là sự kiện quan trọng đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Sông Hinh kiến thiết và phát triển

Cách đây gần 35 năm, huyện Sông Hinh được thành lập (ngày 25/2/1985 trên cơ sở chia tách huyện Tây Sơn (tỉnh Phú Khánh) thành hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh), là sự kiện quan trọng đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Thời kỳ đầu mới thành lập, huyện gặp rất nhiều khó khăn. Từ sau ngày tái lập tỉnh Phú Yên (1/7/1989), Sông Hinh được tiếp thêm luồng gió mới, từng bước kiến thiết và phát triển. Sau 30 năm tái lập tỉnh, Sông Hinh đã thay da đổi thịt, sức sống mới đang về trên vùng đất đỏ bazan này.

 

Một góc thị trấn Hai Riêng ngày nay - Ảnh: NGỌC CƯỜNG

 

Từ ngày đầu mới thành lập

 

Huyện có diện tích gần 887km2, dân số khoảng 48.000 người với 19 dân tộc khác nhau đến từ mọi miền Tổ quốc về đây sinh sống. Trong đó có gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Ê Đê.

 

Những ngày đầu thành lập, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện yếu và thiếu, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; sản xuất nông nghiệp chỉ độc canh cây lúa rẫy và hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên; các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trong tình trạng kém phát triển; việc học tập của con em chưa được quan tâm, toàn huyện chỉ có hơn 3.000 học sinh từ mẫu giáo đến cấp II, với 119 giáo viên; chỉ có 3/6 xã có trạm y tế và 1 bác sĩ. Đội ngũ cán bộ được tập hợp từ nhiều nguồn, vừa thiếu, vừa chưa am hiểu hết tình hình địa phương...

 

Nhằm sớm đưa huyện thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, những ngày đầu thành lập, Đảng bộ huyện đã đề ra Nghị quyết 01. Đây là nghị quyết mang tính chiến lược của địa phương, vừa tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa định hướng phát triển lâu dài trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị, thể hiện sự nhạy bén và bản lĩnh chính trị của Đảng bộ, chính quyền với những vấn đề bức xúc trên địa bàn đặt ra. Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp tổ chức lại sản xuất, đời sống, từng bước làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của đồng bào dân tộc; tiến hành định canh - định cư, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, mở rộng mạng lưới thương nghiệp quốc doanh… Sau 2 năm triển khai thực hiện, huyện Sông Hinh bước đầu phát triển và thay đổi nhiều mặt.

 

Đến thành quả sau 30 năm

 

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự năng động, sáng tạo trong quản lý điều hành của chính quyền, sự phối hợp có hiệu quả của Mặt trận và các đoàn thể, sự nỗ lực to lớn của nhân dân cùng nhau đồng sức, đồng lòng, qua 30 năm xây dựng, huyện Sông Hinh đã đạt được những thành tựu nổi bật, làm thay đổi diện mạo của huyện miền núi một cách toàn diện và sâu sắc.

 

Về phát triển kinh tế, tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, bình quân giai đoạn 2000-2014 là 17,7%, trong đó nông - lâm nghiệp tăng 14,8%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 19,7%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 23,65%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2014 đạt 16 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt năm 2018, thực hiện đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu đề ra. Trong đó có một số chỉ tiêu vượt cao, như: tổng giá trị sản xuất các ngành chính 4.562 tỉ đồng, tăng 13,22% so với năm 2017. Thu ngân sách đạt 128,5% so với dự toán tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người 32 triệu đồng/người/năm.

 

Một góc hồ Sông Hinh - Ảnh: NGỌC CƯỜNG

 

Là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, điểm đột phá đầu tiên để phá thế độc canh cây lúa rẫy, giải quyết đói nghèo. Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết về thâm canh cây lúa nước. Đây là nghị quyết xuyên suốt đến hôm nay, các chương trình nông nghiệp đều tập trung cải tạo đồng ruộng, mở rộng diện tích, thâm canh tăng vụ, xây dựng các công trình thủy lợi, kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng. Kết quả đã mở rộng diện tích cây lúa nước hiện nay trên 1.614ha, tăng 29% so với năm 2010, năng suất bình quân 55 tạ/ha/vụ, cao hơn năng suất lúa rẫy 4 lần, đã làm thay đổi tập quán canh tác, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ; đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp gắn với nhà máy chế biến, với tổng diện tích cây sắn là 8.000ha, tăng 45%, năng suất bình quân 25 tấn/ha, tăng 10 tấn so với năm 2010; cây mía là 4.500ha, tăng 47,6% so với năm 2010, năng suất bình quân 60 tấn/ha, tăng 7 tấn/ha so với năm 2010. Trong những năm gần đây với lợi thế về đất đai, huyện Sông Hinh đã đẩy mạnh phát triển cây cao su ở một số địa phương có điều kiện phù hợp, đến nay toàn huyện có 3.500ha, trong đó có 3.000ha đang khai thác mủ, năng suất bình quân đạt 1,65 tấn/ha (mủ khô); duy trì diện tích cà phê 1.400ha, năng suất bình quân đạt 22 tạ/ha cà phê nhân; mở rộng diện tích hồ tiêu lên 120ha... Đây là yếu tố quan trọng để các hộ thoát nghèo bền vững, góp phần làm cho đời sống đồng bào ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn miền núi không ngừng được khởi sắc.

 

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên nên chăn nuôi gia súc được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Huyện đã triển khai đầu tư con giống, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, triển khai và nhân rộng mô hình nuôi heo hướng nạc, đưa giống bò lai sind vào “sind hóa” đàn bò địa phương... Đến nay tổng đàn bò trên 17.500 con, tỉ lệ bò lai chiếm trên 35% tổng đàn. Kinh tế trang trại được hình thành và phát triển với nhiều loại hình, góp phần đẩy mạnh sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân được tập trung đầu tư. Mạng lưới giao thông không ngừng được nâng cấp, mở rộng, các tuyến đường chính từ huyện đến các xã đã được thảm nhựa hoặc bê tông; đường giao thông liên xã, liên thôn được bê tông hóa hoặc cứng hóa bảo đảm hoạt động thông suốt. Mạng lưới điện quốc gia đã phủ kín 100% thôn, buôn; hệ thống thông tin liên lạc cũng đã phủ kín ở 11 xã, thị trấn đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân. Chương trình quốc gia đầu tư xây dựng cụm trung tâm xã, chương trình 134, 135 ở các xã đặc biệt khó khăn, chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ làm cho bộ mặt nông thôn miền núi thay đổi rõ nét mà còn tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến tâm tư, tình cảm và sự đoàn kết của đồng bào dân tộc, củng cố thêm niềm tin giữa nhân dân với Đảng.

 

Sự nghiệp giáo dục cũng được quan tâm đúng mức; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện ngày càng tốt hơn, các chương trình y tế quốc gia được triển khai đầy đủ và có hiệu quả, các loại dịch bệnh thường xảy ra trước đây đã được đẩy lùi. 100% trạm y tế có bác sĩ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe bước đầu cho nhân dân ngay tại cơ sở; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Hệ thống chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn được củng cố, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả. Công tác cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” giữa huyện và các xã, thị trấn được triển khai thực hiện.

 

Định hướng trong thời gian tới

 

Phát huy truyền thống anh hùng, khai thác nội lực, xác định nhân tố con người giữ vai trò chủ đạo, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân huyện Sông Hinh đoàn kết một lòng quyết tâm xây dựng huyện phát triển toàn diện, bền vững. Trong thời gian tới, huyện tập trung thực hiện các định hướng trọng tâm như: Không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh. Bám sát quy hoạch tổng thể phát triển huyện đến năm 2020 và thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy về phát triển kinh tế, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; phấn đấu đưa huyện Sông Hinh trở thành thị xã miền núi sau năm 2020. Phát huy nhân tố con người, khai thác các tiềm năng đất đai, thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có thương hiệu. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi”, “Hộ nông dân sản xuất giỏi”, “Doanh nghiệp kinh doanh giỏi”; tích cực làm giàu cho mình, cho cộng đồng, cho đất nước; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp thu và mạnh dạn đưa cái mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, làm chuyển biến mạnh mẽ trong suy nghĩ và hành động của mỗi người, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào tự quản, phong trào bảo vệ an ninh trật tự xã hội, bảo vệ an toàn về tài sản và tính mạng cho nhân dân để mọi người dân yên tâm sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”.

 

Gần 35 năm thành lập huyện và sau 30 năm tái lập tỉnh, là cả một chặng đường khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy vinh dự, tự hào đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện Sông Hinh đã lập nên những thành tích có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển. Đó cũng là thành quả chung của những nỗ lực, tâm huyết từ Trung ương, cấp tỉnh đến các cấp, ngành.

 

ĐẶNG ĐÌNH TOẠI

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp