Ngày nay, với sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông mới trên nền tảng internet, truyền hình không còn là nhu cầu bức thiết trong thông tin, giải trí của xã hội. Nhưng cách đây hơn 30 năm, việc xem truyền hình là một nhu cầu khá lớn của công chúng. Bài viết xin điểm lại vài nét trong bức tranh ngành Truyền hình Phú Yên từ năm 1989 đến nay, với mong muốn cùng nhìn lại, tự hào về sự đóng góp của binh chủng truyền thông này đối với sự phát triển của tỉnh Phú Yên suốt 30 năm qua trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí cho người dân.
Sau năm 1975, tại khu vực duyên hải miền Trung có 4 đài truyền hình khu vực (THKV) do chế độ miền Nam để lại, gồm: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Nha Trang thuộc Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam do nhà báo Trần Lâm làm chủ nhiệm.
Với cơ sở hạ tầng, thiết bị sẵn có, các đài truyền hình này được quân giải phóng tiếp quản gần như nguyên vẹn. Lực lượng làm công tác tuyên giáo Khu V, trong đó có một số phóng viên quay phim chiến trường của Điện ảnh Khu V như Trần Ngọc Dân (nguyên Phó Giám đốc VTV Phú Yên), Nguyễn Hữu Thức, Đinh Bình Định, Nguyễn Trưng (nguyên lãnh đạo, phóng viên Đài THKV Quy Nhơn, sau này là Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định), một số cán bộ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như Nguyễn Thị Hòa Bình (nguyên Trưởng phòng Văn nghệ VTV Phú Yên)... được đưa về công tác tại Đài THKV Quy Nhơn. Họ là những hạt nhân cho sự lan tỏa, phát triển của ngành Truyền hình các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... sau này.
Tại Phú Yên trước năm 1989, người dân chủ yếu xem chương trình của Đài THKV Quy Nhơn qua Trạm tiếp phát sóng Vũng Chua. Bấy giờ, Đài THKV Quy Nhơn phụ trách địa bàn các tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định sau này), bắc Phú Khánh (tức Phú Yên) và một số tỉnh Tây Nguyên.
Nội dung tin tức trong và ngoài nước bấy giờ non một nửa là thông tin từ báo. Chương trình giải trí cũng chỉ có sân khấu, ca nhạc, phim truyện do Đài Truyền hình Việt Nam và các công ty điện ảnh băng từ cung cấp với những bộ phim của điện ảnh Liên Xô đã đi vào ký ức nhiều người như Trên từng cây số, 17 khoảnh khắc mùa xuân...
Chuẩn bị cho việc tái lập tỉnh Phú Yên trên cơ sở tách tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vào ngày 1/7/1989, ngay từ đầu năm 1989, Đài THKV Nha Trang đã quyết định thành lập Trạm Phát hình Phú Yên với các nhân sự gồm: cố nhà báo Tạ Tấn Đông (nguyên Giám đốc VTV Phú Yên), Trần Ngọc Dân, Nguyễn Tô Hà, Lê Ánh Dương, Võ Minh Thùy. Các cán bộ của Đài THKV Nha Trang cũng được cử ra Phú Yên trước thời điểm tái lập tỉnh để lắp đặt thiết bị, máy móc cho Trạm Phát hình và trung tâm kỹ thuật cho Đài Truyền hình Phú Yên từ ngày 1/7/1989. Đáng chú ý là tại trung tâm kỹ thuật của Đài Tuyền hình Phú Yên bấy giờ, đường tín hiệu video chỉ có tín hiệu cho băng từ, còn tín hiệu cho phim nhựa 16 ly (tin tức) và 35 ly (phim truyện) không còn.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cố Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, ông Nguyễn Duy Luân sinh thời cho biết: Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy Phú Yên nêu rõ, tái lập tỉnh ngày 1/7/1989 Phú Yên phải xây dựng cho được đài truyền hình. Vì từ năm 1989 trở về trước, địa bàn này như vùng trắng về truyền hình. Vì vậy Tỉnh ủy Phú Yên xác định việc thành lập Đài Truyền hình Phú Yên (Đài THPY) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đáp ứng yêu cầu về thông tin trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh và nhu cầu giải trí của nhân dân. Đây là điều lãnh đạo mong muốn nhưng trước đó không làm được, vì đầu tư cho truyền hình bấy giờ rất khó khăn.
Với quyết tâm đó, ngày 1/7/1989, Đài THPY được thành lập trên cơ sở Trạm Phát hình Phú Yên với 8 nhân sự gồm: Tạ Tấn Đông (Giám đốc), Trần Ngọc Dân (Phó Giám đốc), Nguyễn Tô Hà, Nguyễn Thị Hòa Bình, Lê Ánh Dương, Võ Minh Thùy, Võ Quang Vinh và Nguyễn Thị Sinh. Có thể nói Đài THPY thành lập trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về kinh phí, thiết bị nghèo nàn, lạc hậu, cán bộ phóng viên chỉ 8 nhân sự trên.
Sau hai tháng lắp đặt máy móc, thiết bị, chuẩn bị nội dung chương trình, đúng vào tối 1/7/1989, ngày tái lập tỉnh, Đài THPY đã phát sóng buổi đầu tiên. Để có được buổi phát sóng đi vào lịch sử của ngành Truyền hình Phú Yên này, nhà báo Tô Hà nhớ lại: Trước đó, tôi phải vào TP Hồ Chí Minh, ra Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) để in chương trình. Thuận lợi là sau thời gian làm việc ở Đài THKV Quy Nhơn (1978-1982), khi xin về Đài THKV Nha Trang thời điểm đó không có đạo diễn phát sóng, nên tôi đảm đương công việc này. Thêm chút ít kinh nghiệm trong thời gian 3 tháng làm phát thanh viên ở Đài THKV Quy Nhơn, tôi khá chủ động được công việc cho buổi phát hình đầu tiên như lên sê mi chương trình, các công việc liên quan đến phát thanh viên ở phim trường.
Cố nhà báo Tạ Tấn Đông cùng các anh Lê Ánh Dương, Võ Minh Thùy lo công tác kỹ thuật. Phó Giám đốc Trần Ngọc Dân phụ trách mảng nội dung. Trong tuần đầu tiên của tháng 7/1989 có thêm nhà báo Nguyễn Hà Nam chuyển về từ Báo Phú Khánh. Trong ba tháng đầu phát sóng, mỗi tuần Đài THPY có 3 bản tin thời sự, mỗi bản tin 15-20 phút nhưng chỉ có 2 biên tập viên kiêm quay phim là Quang Vinh và Hà Nam. Mỗi người một xe máy, một camera lăn lộn suốt ngày đêm trên mọi nẻo đường của đất Phú, không bỏ sót bất cứ thông tin quan trọng nào của tỉnh.
Nhà báo Trần Thanh Hưng (bên trong) tác nghiệp ký sự Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du - Ảnh: PHƯƠNG VŨ |
Phát thanh viên buổi phát hình đầu tiên của Đài THPY là nhà báo Nguyễn Thị Hòa Bình. Thời gian sau, đài có tuyển thêm một số phát thanh viên nữ như Ái Nga, Xuân Thu, Túy Ba, Mai Oanh nhưng chỉ có phát thanh viên Mai Oanh “trụ” cho đến khi chị chuyển về Đài THVN. Sau lớp bồi dưỡng nghiệp vụ phát thanh viên do Đài THPY tổ chức năm 1993 dành cho một số đài khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chị Việt Hương từ Đài PT-TH Đắk Lắk xin chuyển về cùng chồng là anh Nguyễn Quang Thành (nguyên Phó Giám đốc VTV Phú Yên). Lớp phát thanh viên này do các phát thanh viên tên tuổi của Đài THVN vào giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm như NSƯT Minh Trí, NSND Kim Tiến, các phát thanh viên Ngọc Trâm, Nhật Lệ, Phương Hoa, Duy Mạnh... góp phần đào tạo nhiều gương mặt trở thành thương hiệu của các đài PT-TH khu vực miền Trung - Tây Nguyên bấy giờ. Đối với phát thanh viên nam, anh Lê Tấn Bổn lần đầu dự tuyển bởi sự sát hạch của nhà báo Tô Hà đã trúng tuyển ngay, bởi anh từng là phát thanh viên của Đài PT-TH Gia Lai. Anh làm việc cho đến ngày xin nghỉ hưu trước tuổi, năm 2018.
Có một chuyện vui, nhiều ứng viên nữ rất xinh nhưng không trúng tuyển vào vị trí phát thanh viên đều gọi nhà báo Tô Hà là “bà chằn” vì chị chẳng gật đầu ai. Sau này chị kể lại, nhiều em xinh lắm nhưng tiếc chất giọng xứ Nẫu nên rất khó tuyển chọn, có em ra khỏi phòng thi nói ngay “nẩu nói dẫy mà nói đọc không được thì thâu chớ làm gì...”! Mặt khác, khi tuyển phát thanh viên, ngoài thanh sắc, yêu cầu đầu tiên của chị là “nói” với khán giả chứ không phải đọc văn bản. Đây là một kinh nghiệm chỉ có người nhiều năm gắn bó với công việc xướng ngôn viên truyền hình mới có được.
Từ phát sóng 3 buổi/tuần khi mới thành lập, 3 tháng sau, Đài THPY tăng lên 5 buổi phát/tuần. Từ ngày 3/2/1991, phát sóng 7 buổi/tuần. Sau đó, được tỉnh Phú Yên đầu tư 2 máy phát mới, tiếp phát cả ba kênh VTV1, VTV2 và VTV3 của Đài THVN. Riêng kênh THPY (PTV) tăng thời lượng phát sóng buổi tối từ 18-23 giờ. Đến ngày 10/8/1999, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập đài, PTV phát thêm ban ngày buổi sáng từ 8-12 giờ. Đến ngày 1/1/2002, PTV phát sóng 52 giờ mỗi ngày trên 4 kênh, 3 kênh của VTV và kênh địa phương. 10 năm trước đó, khán giả Phú Yên chỉ xem được 3 giờ truyền hình mỗi ngày.
Về mảng tin tức, chính luận, sau quay phim Quang Vinh, nhà báo Nguyễn Hà Nam, họa sĩ kiêm quay phim Văn Trọng, có thêm phóng viên Kỳ Linh từ Đài Tiếng nói nhân dân Phú Yên chuyển qua (nay là Đài PT-TH Phú Yên), anh Hữu Viên từ thường trú Báo Phú Khánh tại Tuy Hòa chuyển về, tôi tốt nghiệp đại học và sau một tuần được đài nhận vào công tác. Thế hệ kế tiếp là những anh chị em phóng viên Mỹ An, Huỳnh Danh, Tấn Quýnh... Ngoài các bản tin, nhà báo Nguyễn Hà Nam như một “thuyền trưởng”, thương yêu anh em, chia sẻ kinh nghiệm, cùng anh chị em phóng viên bàn bạc, xây dựng nhiều chương trình mà tên tuổi khó quên như Tạp chí Kinh tế, Tạp chí thứ Bảy, Một thoáng quê hương, Khách mời trường quay... Dần dà, chúng tôi còn sản xuất phim tài liệu với sự kèm cặp của nhà báo Trần Ngọc Dân.
Khi Đài THVN chưa phủ sóng qua vệ tinh, ngoài tin tức thời sự, Đài THPY còn sản xuất nhiều chương trình văn nghệ thiếu nhi, ca nhạc, sân khấu... với chất lượng ngày càng nâng cao, đoạt được nhiều giải thưởng cao tại các liên hoan Truyền hình toàn quốc.
Về kỹ thuật phát sóng, khi thành lập đài năm 1989, PTV chỉ có máy phát sóng 100W, diện phủ sóng chừng 10km. Sau đó tăng lên 3 máy phát sóng gồm 2 máy 500W và một máy phát sóng công suất 1.000W. Cùng với 12 trạm tiếp phát sóng lại, những khu vực khó bắt sóng nhất ở Phú Yên bấy giờ như Vũng Rô, Xuân Hải, khu vực miền núi… đều xem được kênh PTV. Nhờ vậy mà diện phủ sóng từ 35% địa bàn dân cư tăng lên 85%. Số giờ phát sóng cũng tăng từ 3 giờ/ngày lúc mới thành lập lên 39 giờ/ngày trên 3 kênh.
Do tăng thời lượng phát sóng, nên ngoài các chương trình tự sản xuất, trao đổi chương trình với các đài bạn, PTV cũng rất chú trọng đến công tác khai thác chương trình các đài truyền hình nước ngoài qua vệ tinh để biên dịch, biên tập chương trình phát sóng. Năm 1990, khi VTV chưa phủ sóng toàn quốc, PTV đã khai thác, biên dịch các bản tin thời sự quốc tế hàng ngày. Tháng 6/1990, PTV tổ chức truyền hình trực tiếp Giải Bóng đá thế giới Mundial Italia 1990, phần bình luận do nhà báo Hà Nam đảm nhiệm. Ở miền Trung bấy giờ, PTV là đài duy nhất truyền hình trực tiếp sự kiện này, sau đó cung cấp băng từ cho các đài PT-TH phát lại vào sáng hôm sau đáp ứng nhu cầu rất lớn của khán giả hâm mộ bóng đá.
Đầu năm 1992, sau thời gian dài tổ chức khai thác, biên dịch, thuyết minh, PTV bắt đầu phát sóng bộ phim truyền hình của Mexico Nước mắt nhà giàu (hay Người giàu cũng khóc) dài 200 tập (bản phát sóng của PTV 107 tập). Sau đó, bộ phim này được gửi cho Đài THVN, nhiều đài PT-TH khác phát sóng, tạo nên một hiện tượng truyền hình trong cả nước. Báo chí phía Nam bình chọn đây là 1/10 sự kiện văn hóa xã hội tiêu biểu của năm 1992. Về việc thu chương trình qua vệ tinh, biên dịch, lồng tiếng bộ phim này, hai nhà báo Tô Hà và Hòa Bình có nhiều kỷ niệm.
Hàng ngày, các chị cùng cán bộ kỹ thuật in thu lại bộ phim này qua Đài Truyền hình Nga, thời điểm thu dao động từ 9-10 giờ sáng, mỗi buổi chiếu, đài Nga chỉ phát sóng có 25 phút. Chính vì thế 4 ngày thu, biên dịch, biên tập, lồng tiếng mới được một tập phát sóng theo khung thời lượng của PTV (từ 200 tập trên đài bạn, còn 107 tập trên các kênh truyền hình tại Việt Nam là vì lẽ đó). Thời điểm đài bạn phát sóng, tín hiệu vệ tinh rất xấu nên trong quá trình thu, anh chị em phải chạy từ lầu 3 UBND TP Tuy Hòa lên sân thượng chỉnh vệ tinh để có tín hiệu tốt nhất (bấy giờ UBND TP Tuy Hòa cho Đài THPY mượn một số phòng ở tầng 3 làm việc). Nhà văn Đào Minh Hiệp là người dịch bộ phim này. Nhà báo Hòa Bình thuyết minh 30 tập đầu, từ tập 31-107 nhà báo Tô Hà thuyết minh.
Nhà báo Tô Hà cho biết, trước đó, PTV từng khai thác, biên dịch, thuyết minh nhiều phim truyện nước ngoài để phục vụ khán giả như Sherlock Holmes, Trở lại Ê-Đen, phim hoạt hình... Nhưng lúc đó chưa có vi tính, người thuyết minh không đọc tên biên dịch, thuyết minh, nên khán giả không biết chương trình do Đài THPY khai thác, biên dịch, biên tập. Đến khi nhà báo Hòa Bình thuyết minh 30 tập đầu phim truyền hình Nước mắt nhà giàu, cuối mỗi tập phim, nhà báo Hòa Bình đều đọc câu: “Biên dịch Đào Minh Hiệp, thuyết minh Hòa Bình...”. Nhờ đó, khán giả mới biết. Đúng là công đầu trong quảng bá thương hiệu PTV phải dành cho nhà báo Hòa Bình!
Từ năm 1994, PTV bắt đầu thực hiện truyền hình trực tiếp nhiều sự kiện quan trọng. Đây cũng là đài địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện phát sóng trực tiếp các bản tin thời sự. Sau đó, cũng là một trong các đài đầu tiên chuyển đổi việc lưu trữ, phát sóng từ analog sang digital. Phải nói rằng, từ năm 1989-1997, Đài THPY ra đời, phát triển trong điều kiện hết sức khó khăn. Nhưng kể từ thời điểm năm 1998 trở đi, khi PTV được tỉnh Phú Yên, đặc biệt là VTV đầu tư có trọng điểm, PTV đã phát triển nhanh chóng về mọi mặt, trở thành một thương hiệu để năm 2001, trực thuộc Đài THVN.
Ngày 17/4/1998 đánh dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử truyền hình Phú Yên: VTV chính thức đầu tư cho Đài THPY hệ thống truyền tin tức bằng cáp quang. Lúc này, ngoài các đài THKV như Huế, Đà Nẵng, Đài THPY là đài địa phương đầu tiên ở khu vực miền Trung được chọn mở điểm cáp quang. Vừa cung cấp tin tức từ Phú Yên cho Đài THVN, Đài THPY còn đảm nhận việc gửi tin bài các đài lân cận cho sóng VTV, góp phần phản ánh một cách nhanh chóng, toàn diện các sự kiện kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng khu vực miền Trung cho Đài THVN.
Mùa xuân năm Kỷ Mão 1999, Đài THVN giao cho Đài THPY thực hiện điểm cầu đêm giao thừa tại núi Nhạn. Đây là một vinh dự, đồng thời là một thử thách đối với anh chị em làm nghề trong công tác tổ chức, trình độ chuyên môn tác nghiệp một sự kiện có quy mô toàn quốc, lần đầu tiên nối nhiều điểm cầu trên sóng quốc gia. Một số thiết bị được đưa từ Hà Nội vào bằng đường tàu hỏa vì PTV không có. Những di sản văn hóa địa phương đã được khai thác như hò bá trạo của ngư dân vùng biển, trống đôi - cồng ba - chiêng năm của đồng bào miền núi… Không chỉ đảm bảo về kỹ thuật, điểm cầu núi Nhạn năm đó được báo chí bầu chọn là 1 trong 2 điểm cầu ấn tượng nhất về nội dung.
Với những nỗ lực không mệt mỏi trong công tác chuyên môn, PTV đã nhanh chóng tạo được niềm tin yêu không chỉ với khán giả Phú Yên, được Đài THVN tin tưởng, tiếp tục giao thực hiện nhiều chương trình quan trọng. Riêng mảng tin tức, PTV đã đáp ứng rất nhanh chóng, toàn diện tin bài cho các bản tin của VTV. Với huy chương vàng cho tác phẩm Cả xóm tập xe đạp (tác giả Hà Nam), PTV còn góp phần cho Liên hoan Truyền hình hàng năm có thêm một thể loại mới, thể loại phóng sự ngắn dưới 5 phút.
Ngày 22/8/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Đài Truyền hình Khu vực Phú Yên (sau này đổi tên thành Trung tâm THVN tại Phú Yên, VTV Phú Yên) trên cơ sở chuyển giao Đài THPY do tỉnh Phú Yên quản lý cho Đài THVN. Từ đây, truyền hình Phú Yên sang trang mới. Với sự đầu tư mạnh mẽ về mọi mặt và đòi hỏi trình độ chuyên môn nghiệp vụ phải ngang bằng các đài truyền hình quốc gia trong khu vực, đội ngũ làm nghề của VTV Phú Yên không ngừng phát triển về số lượng và trình độ chuyên môn, đảm nhiệm sản xuất chương trình cho VTV tại 6 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng.
Sau 15 năm phát sóng kênh VTV Phú Yên (2001-2016), từ ngày 1/1/2016, 5 kênh truyền hình khu vực gồm VTV Huế, VTV Đà Nẵng, VTV Phú Yên, VTV Hồ Chí Minh, VTV Cần Thơ gộp lại còn 2 kênh, kênh miền Trung - Tây Nguyên là VTV8 và kênh miền Nam là VTV9 theo lộ trình quy hoạch lại báo chí toàn quốc.
Từ ngày 1/1/2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục sửa đổi Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ của Đài THVN. Theo đó, Trung tâm THVN tại Phú Yên được đổi tên thành Trung tâm THVN tại TP Nha Trang, trụ sở đóng tại phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang.
Mặc dù chỉ sản xuất, phát sóng hơn 7 năm nay (2012-2019) nhưng bộ phận sản xuất, phát sóng truyền hình của Đài PT-TH Phú Yên (PTP) là một phần tất yếu trong lịch sử 30 năm qua của ngành Truyền hình tỉnh Phú Yên.
Trước nhu cầu về thông tin, giải trí cho khán giả địa phương, ngày 16/12/2012, PTP được thành lập trên cơ sở Đài Phát thanh Phú Yên. Hiện nay, PTP phát sóng 18/24 giờ hàng ngày; từ ngày 2/9/2013, phát sóng với máy phát sóng 10KW; từ ngày 13/2/2018, phát thử nghiệm trên vệ tinh Vinasat1, đến ngày 1/10/2018, phát chính thức trên vệ tinh này, phủ sóng 100% địa bàn trong tỉnh, trong nước và một số nước trong khu vực. Đồng thời, PTP cũng hòa mạng cáp truyền hình SCTV, Viettel (Next TV), VNPT (My TV), FPT và cập nhật trên Trang thông tin điện tử tổng hợp tại địa chỉ website: www.ptpphuyen.vn.
Có thể nói rằng, dù Phú Yên là một tỉnh nhỏ, xuất phát điểm khi tái lập tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực truyền hình đã nhanh chóng phát triển, tạo được niềm tin với đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, được đồng nghiệp và bạn bè gần xa khen ngợi, đánh giá cao.
TRẦN THANH HƯNG
Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Nha Trang