Phú Hòa, 17 năm hình thành và phát triển

Chủ nhật - 05/05/2019 23:33
Xuất phát điểm Phú Hòa là một huyện thuần nông, trên 90% người dân làm nông nghiệp; các hoạt động công nghiệp - TTCN, thương mại - dịch vụ nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng chỉ tập trung ở trung tâm các xã.
Phú Hòa, 17 năm hình thành và phát triển

Xuất phát điểm Phú Hòa là một huyện thuần nông, trên 90% người dân làm nông nghiệp; các hoạt động công nghiệp - TTCN, thương mại - dịch vụ nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng chỉ tập trung ở trung tâm các xã. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban ngành và nỗ lực của cán bộ và nhân dân trong huyện, Phú Hòa từng bước kiến thiết và phát triển, xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Đi lên từ huyện thuần nông

 

Qua chặng đường hơn 17 năm thành lập (4/3/2002-4/3/2019), huyện Phú Hòa đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tốc độ tăng trưởng bình quân 13,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến nay công nghiệp - xây dựng phát triển mạnh, chiếm 53,6%; thương mại - dịch vụ chiếm 28,8% và nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm 17,6% trong cơ cấu GDP. Thu nhập bình quân đầu người đến nay 35,6 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp từng bước đi vào chuyên canh hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh tập trung gắn với công nghiệp chế biến.

 

Khi thành lập, cơ sở công nghiệp của huyện hầu như không có gì, đến nay đã hình thành 3 cụm công nghiệp, gồm: Cụm công nghiệp Hòa An, Cụm công nghiệp Đồng Din (thị trấn Phú Hòa) và Cụm công nghiệp Ngọc Sơn Đông (xã Hòa Quang Bắc), với diện tích gần 20ha và có trên 2.000 cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn.

 

Tổng giá trị sản xuất Công nghiệp - TTCN từ 96,1 tỉ đồng năm 2002 đến cuối năm 2018 thực hiện trên 1.096 tỉ đồng, tăng hơn 10 lần. Bên cạnh đó, huyện có 4 làng nghề được công nhận và hoạt động có hiệu quả: Làng nghề bánh tráng Đông Bình (xã Hòa An), làng nghề bó chổi Mỹ Thành (xã Hòa Thắng); làng nghề bún Định Thành (xã Hòa Định Đông), làng nghề trồng hoa và rau màu Ngọc Sơn Đông (xã Hòa Quang Bắc) đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

 

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ có bước phát triển khá, quy mô dịch vụ được mở rộng và chất lượng được nâng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa trên địa bàn huyện. Tổng giá trị thương mại - dịch vụ từ 135 tỉ đồng năm 2002 đến nay đạt gần 2.100 tỉ đồng, tăng 12 lần. Hiện nay, huyện có trên 2.000 cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng thu ngân sách từ 9,3 tỉ đồng năm 2002, đến nay đạt trên 128 tỉ đồng, tăng trên 12 lần.

 

Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp huyện đã phát huy được các nguồn lực của một huyện thuần nông, từng bước vượt qua khó khăn và đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng. Việc ứng dụng thực nghiệm các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng tích cực, đưa sản xuất nông, lâm nghiệp từng bước trở thành sản xuất hàng hóa. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt từ 75.567 tấn năm 2002 đến nay đạt trên 86.700 tấn.

 

Nhiều chương trình, đề án được áp dụng triển khai, trong đó đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh; một số mô hình sản xuất hiệu quả đang được triển khai nhân rộng như: Cánh đồng lúa giống, cánh đồng lúa chất lượng cao, mô hình sản xuất thử nghiệm các giống sắn cao sản, mô hình trồng bắp lai, mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp từ 244,7 tỉ đồng năm 2002, đến nay trên 1.000 tỉ đồng.

 

Xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới

 

Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, huyện Phú Hòa đã triển khai nhiều quyết sách, chủ trương để đem lại kết quả cao nhất; một trong những chủ trương mang tính đột phá, tập hợp được sức mạnh trong nhân dân và tạo nên sức bật để huyện phát triển, đó là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

 

Nhiều tiêu chí xã nông thôn mới đạt và nâng cao; các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ văn hóa - xã hội được đầu tư xây dựng; sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, thu nhập người dân tăng lên; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; môi trường từng bước được cải thiện; trật tự an toàn xã hội được ổn định.

 

Đến cuối năm 2018 có 8/8 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện đã đạt 8/9 tiêu chí, quý II năm nay hoàn thành tiêu chí còn lại và trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Trong chương trình này, huyện Phú Hòa đã huy động trên 1.200 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 42 tỉ đồng và hiến 14.000m2 đất. Phần lớn nguồn lực này, địa phương tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn như giao thông, trường học, nhà văn hóa, nhà ở nông thôn...

 

Đến nay, tất cả các tuyến đường giao thông từ trục xã, thôn, xóm đã được cứng hóa, đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Đường giao thông trục chính nội đồng cũng được cứng hóa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

 

Việc đầu tư xây dựng các công trình, trụ sở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã và đang tiếp tục triển khai như: Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên tại xã Hòa Quang Bắc, cầu Dinh Ông, cống hộp qua kênh chính Bắc vào trung tâm thị trấn, các tuyến đường giao thông, lát vỉa hè và trồng hoa, cây cảnh trục Đông - Tây, Nam - Bắc, khu N09, xây dựng quảng trường và trồng cây xanh, điện trang trí, góp phần phát triển kinh tế và dân sinh, bước đầu làm thay đổi đáng kể thị trấn huyện lỵ.

 

Về giáo dục, huyện chú trọng đầu tư xây dựng và nâng cấp một số phòng học, trang thiết bị, các trường học đều đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo công tác dạy và học cho con em của huyện. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương đã có những bước chuyển đáng khích lệ.

 

Hơn 90% người dân trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; trên 35% người lao động được đào tạo, có tay nghề; 94% dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,32%.

 

Nhiều giải pháp đưa Phú Hòa tiếp tục phát triển

 

Để xây dựng huyện Phú Hòa đạt chuẩn nông thôn mới, tạo bước phát triển đột phá, trong thời gian tới, huyện tập trung thực hiện làm tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thật sự trong sạch vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với triển khai thực hiện sâu rộng cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng chỉ đạo, điều hành, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Xây dựng đề án tập trung ruộng đất, hình thành các mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa, sắn, mía, bắp; rau, củ, quả sạch…

 

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ. Chú trọng việc thâm canh cây trồng, vật nuôi; tận dụng tối đa diện tích đất ven sông Ba để phát triển các loại cây ngắn ngày. Phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng đàn bò, đàn heo và các loại gia cầm, thủy sản gắn với sử dụng giống tốt và phòng chống dịch bệnh.

 

Đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả các sản phẩm khoa học kỹ thuật của Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên. Đồng thời tập trung phát triển mạnh ngành công ng­hiệp, xây dựng, chú trọng ngành công nghiệp chế biến mà huyện có lợi thế. Kêu gọi vốn đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gắn với việc hình thành các cụm công nghiệp và Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân; đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Nâng cao chất lượng các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao; thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, gia đình chính sách; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần các tầng lớp nhân dân. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân...

 

LÊ NGỌC TÍNH

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp