Tây Hòa tạo diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn

Thứ sáu - 12/04/2019 01:14
Tây Hòa là vùng đất anh hùng, giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng kiên cường. Trong chiến tranh, quân và dân Tây Hòa đã lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Tây Hòa tạo diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn

Tây Hòa là vùng đất anh hùng, giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng kiên cường. Trong chiến tranh, quân và dân Tây Hòa đã lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Tự hào về những năm tháng hào hùng, phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ trước, những năm qua, nhân dân huyện Tây Hòa đoàn kết, thống nhất và tiếp tục lập nên những thành tích mới, hình thành một Tây Hòa năng động, sáng tạo trên mặt trận phát triển quê hương và xây dựng nông thôn mới.

 

Bứt phá từ nông nghiệp

 

Tây Hòa tách ra từ huyện Tuy Hòa (ngày 1/7/2005), là huyện thuần nông với trên 90% dân số sống bằng nông nghiệp. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện luôn xác định nông nghiệp là “chìa khóa” giúp địa phương phát triển kinh tế.

 

Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cây lúa vẫn chiếm ưu thế cả về diện tích, năng suất, chất lượng; nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được thực hiện theo hướng liên kết 4 nhà, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, hiệu quả, thu nhập cho nông dân. Diện tích gieo trồng hàng năm trên 19.585ha, trong đó diện tích lúa khoảng 13.284ha/năm.

 

Cơ cấu cây trồng từng bước được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ngày càng nhiều và có hiệu quả, đã tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Huyện Tây Hòa đã thành công trong xây dựng cánh đồng mẫu từ năng suất bình quân 48 tạ/ha năm 2008 lên 77,85 tạ/ha năm 2018.

 

Cùng với đó, Tây Hòa cũng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Ngành chăn nuôi chiếm tỉ trọng 29,64% trong cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp, đã góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập cho người dân. Các chương trình lai tạo, dẫn nhập giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất được duy trì, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả ngành chăn nuôi.

 

Số lượng trang trại chăn nuôi và quy mô đàn vật nuôi (nhất là heo) của nông hộ tăng lên khá. Tổng đàn gia cầm năm 2008 đạt 440.693 con, năm 2018 là 644.000 con. Tận dụng diện tích đất ven núi và ven Sông Ba, huyện đã mở rộng diện tích đồng cỏ, làm cơ sở phát triển chăn nuôi bò. Tỉ lệ bò lai trong tổng đàn bò tăng, từ 35% (năm 2008) tăng lên 89% so tổng đàn (năm 2018).

 

Huyện cũng thực hiện tốt công tác phục hồi, đầu tư mở rộng diện tích trồng và bảo vệ rừng, hình thành các trang trại với mô hình nông - lâm kết hợp, phát triển rừng trên đất dốc; góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, hạn chế xói mòn đất, nâng độ che phủ rừng lên 56,5%, tăng 7,5% so với năm 2008. Riêng về thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2008 là 41ha; năm 2018 lên 52ha, chủ yếu phát triển nuôi các loại cá nước ngọt.

 

Từ nông nghiệp, Tây Hòa tiếp tục phát triển một số ngành kinh tế khác như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Theo đó, trên địa bàn huyện cũng đã hình thành những nhà máy sản xuất lớn như Nhà máy đường Tuy Hòa, các cơ sở chế biến hạt điều.

 

Nhiều làng nghề ở xã Hòa Đồng, Hòa Phong, Hòa Tân Tây, Hòa Bình 1… cũng hình thành, tạo nên bức tranh sinh động về kinh tế, tạo bước đột phá trong bước phát triển kinh tế - xã hội Tây Hòa. Những kết quả đạt được bước đầu đã tạo điều kiện để địa phương tiếp tục có phương án chiến lược thúc đẩy tăng trưởng đồng bộ trên các lĩnh vực thế mạnh của huyện.

 

Rượu tằm ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa đã được bán ra thị trường - Ảnh: NGÔ XUÂN

 

Phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống

 

Tranh thủ nguồn vốn ngân sách từ Trung ương và của tỉnh cùng với huy động sự đóng góp của nhân dân, những năm qua, huyện đã từng bước đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị hóa. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được nâng cấp và xây dựng mới, nhiều công trình giao thông, điện, nước... được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn.

 

Trong 10 năm (tính từ 2008-2018), huyện đã nâng cấp, sửa chữa, mở rộng trên 403km, trong đó thảm nhựa 15,9km, bê tông xi măng trên 387km. 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Đến nay, 10/10 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông. Địa phương cũng tiến hành nâng cấp, sửa chữa 450 công trình thủy lợi và nhiều trạm bơm, hồ, đập, kênh mương nội đồng… đảm bảo chủ động tưới tiêu thường xuyên cho 6.487ha đất nông nghiệp. Hệ thống thương mại, dịch vụ trên địa bàn cũng cơ bản được đầu tư xây dựng. Toàn huyện có 18 chợ nằm trên địa bàn 11 xã, thị trấn, trong đó có 17 chợ đạt chuẩn theo quy hoạch.

 

Sự nghiệp y tế, giáo dục và sức khỏe cộng đồng cũng được huyện đặc biệt quan tâm với phương châm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động trong dân xây dựng mạng lưới y tế, trường học, trung tâm học tập cộng đồng… Từ 8 trường đạt chuẩn quốc gia năm 2005, đến nay, Tây Hòa có 22 trường đạt chuẩn này, trong đó có 8 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 4 trường THCS. Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng lên. Địa phương luôn quan tâm, đào tạo nghề cho lao động, giúp người dân có việc làm và thu nhập ổn định.

 

Kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của Tây Hòa đã “chuyển mình”. Thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Những hoạt động văn hóa - xã hội của huyện luôn thực hiện gắn kết với lợi ích cộng đồng, triển khai hiệu quả nên nhận được sự đồng tình của người dân, mang lại những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân vùng đất anh hùng.

 

Vững vàng kiến tạo nông thôn

 

Từ một huyện được chia tách, đối mặt với bộn bề khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tây Hòa không ngừng nỗ lực, tự tin xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại. Đặc biệt, khi mới bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (cuối năm 2010), cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, mô hình và cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, gắn với phong trào thi đua… Từ đó làm thay đổi rõ nét về nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng nông thôn mới.

 

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị lâu dài, ban chỉ đạo huyện, xã đã kịp thời động viên, đồng hành, tạo không khí thi đua trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. 8 năm qua, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo đúng định hướng đã đề ra. Đến năm 2018, huyện có 14/14 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 9,7%; tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi và phát triển.

 

Trong thời gian tới, UBND huyện Tây Hòa tích cực tranh thủ các nguồn đầu tư phát triển hạ tầng; tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm giữ vững, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được một cách thực chất, bền vững.

 

Trong đó tập trung thực hiện các mục tiêu, giải pháp như: Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung chỉ đạo triển khai sản xuất theo quy hoạch; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; mở rộng liên kết với các đơn vị để nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.

 

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tiếp tục đầu tư bê tông ở các xã miền núi hoặc cứng hóa giao thông nội đồng và kiên cố hóa kênh mương đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai.

 

Nâng cao chất lượng các tiêu chí trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã, thị trấn và toàn xã hội về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, y tế, an sinh xã hội, giảm nghèo.

 

Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

 

Những kết quả đạt được qua 8 năm xây dựng nông thôn mới ở huyện Tây Hòa có ý nghĩa hết sức quan trọng để huyện xác định hướng đi mới cho mình nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, đất đai và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa Tây Hòa hòa chung nhịp phát triển với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

 

NGUYỄN TẤN CHÂN

Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp