Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa VI (nhiệm kỳ 2011-2016) diễn ra ngày 20/6/2011, bầu đồng chí Phạm Đình Cự - Phó Bí thư Tỉnh ủy tái đắc cử Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch Lê Văn Trúc, Trần Quang Nhất, Nguyễn Ngọc Ẩn và các ủy viên UBND tỉnh: Phạm Văn Hóa, Nguyễn Đình Triết, Hồ Văn Tiến, Nguyễn Chí Hiến.
Đồng chí Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh (từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 11/2015) |
Tại kỳ họp thứ 8 ngày 30/7/2013, HĐND tỉnh miễn nhiệm hai thành viên UBND tỉnh: Ông Nguyễn Thành Tâm (nghỉ hưu theo chế độ), ông Hồ Văn Tiến (chuyển công tác khác) và bầu bổ sung hai ủy viên UBND tỉnh là ông Đặng Lê Tiến (Giám đốc Sở Nội vụ) và ông Đỗ Duy Vinh (Chánh văn phòng UBND tỉnh).
Tại kỳ họp lần thứ 12 khóa VI ngày 24/7/2014, HĐND tỉnh miễn nhiệm thành viên UBND tỉnh là ông Phạm Văn Hóa (thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh) nghỉ hưu theo chế độ và bầu bổ sung ông Nguyễn Bá Nhiên, Giám đốc Công an tỉnh làm ủy viên UBND tỉnh.
Tại kỳ họp lần thứ 12 ngày 30/6/2015, HĐND tỉnh miễn nhiệm ông Nguyễn Đình Triết (nghỉ hưu theo chế độ) và bầu bổ sung đại tá Phạm Văn Hổ, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh làm ủy viên UBND tỉnh.
Tại kỳ họp lần thứ 13 (kỳ họp bất thường) ngày 19/11/2015, HĐND tỉnh miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh đối với đồng chí Phạm Đình Cự, hai Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất, Nguyễn Ngọc Ẩn và Chánh văn phòng UBND tỉnh Đỗ Duy Vinh nghỉ hưu theo chế độ.
HĐND tỉnh bầu đồng chí Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh, bầu các đồng chí Nguyễn Chí Hiến, Phan Đình Phùng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bầu bổ sung hai thành viên UBND tỉnh (bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Chánh văn phòng UBND tỉnh và ông Lê Tấn Hổ, Giám đốc Sở KH-ĐT).
Trong nhiệm kỳ 2011-2016, UBND tỉnh tập trung điều hành phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đạt nhiều thành tựu nổi bật.
Về phát triển kinh tế, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp ổn định kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Nền kinh tế tỉnh tiếp tục ổn định và có mặt phát triển; GRDP tăng bình quân hàng năm 11,5%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng.
Lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tiếp tục phát triển ổn định và khá toàn diện, tăng bình quân hàng năm 4,1%. Cơ cấu trong nội bộ ngành chuyển dịch đúng hướng; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ngày càng nhiều, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các loại sản phẩm. Đã thành lập và đang chuẩn bị các điều kiện để đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên.
Đồng chí Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh (tháng 11/1015-2018) |
Lúa 2 vụ phát triển ổn định (khoảng 50.000ha gieo trồng); mía, sắn, cao su phát triển tập trung, quy mô lớn gắn với các nhà máy chế biến, năng suất, sản lượng ngày càng tăng. Sản lượng lương thực có hạt bình quân hàng năm 387.000 tấn, bình quân đầu người 436kg/năm. Chăn nuôi tiếp tục phát triển tương đối ổn định, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Tổng đàn gia súc có giảm, nhưng tỉ lệ bò lai tăng lên; đàn gia cầm tăng 55%, với sản lượng thịt tăng đáng kể so năm 2010. Công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản được chú trọng. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường. Thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh với quy mô khá lớn, góp phần tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân khu vực gần rừng. Trong 5 năm, đã trồng mới gần 22.200ha rừng tập trung, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 39%.
Sản xuất thủy sản ở một số lĩnh vực có phát triển, giá trị sản xuất (giá năm 2010) tăng bình quân 5,3%/năm. Sản lượng khai thác thủy sản bình quân khoảng 48.300 tấn/năm, trong đó cá ngừ đại dương khoảng 5.000 tấn/năm. Các chính sách hỗ trợ ngư dân được triển khai có kết quả, góp phần tăng nhanh số lượng đánh bắt, giảm thiểu rủi ro trên biển. Diện tích nuôi trồng thủy sản bình quân khoảng 2.900 ha/năm, với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, cá mú, sò huyết, vẹm xanh…, sản lượng đạt khoảng 9.700 tấn/năm. Diện tích sản xuất muối ổn định khoảng 176 ha/năm, sản lượng đạt 20.000 tấn/năm.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn trong 5 năm hơn 9.000 tỉ đồng, tăng hơn 1,9 lần so giai đoạn 2006-2010. Đến cuối năm 2015, bình quân 1 xã đạt 14 tiêu chí, trong đó có 20% số xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Phong trào làm đường giao thông nông thôn theo chủ trương của tỉnh được toàn dân hưởng ứng, qua đó nhân dân đã tự nguyện đóng góp hơn 195 tỉ đồng, hàng trăm ngàn ngày công và hiến hơn 2010.000m2 đất. Trong 5 năm, đã bê tông hóa hơn 1.800km đường giao thông nông thôn (trong đó bê tông hóa theo Nghị quyết 75/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khoảng 1.400km), góp phần nâng tỉ lệ đường nông thôn được bê tông và nhựa hóa lên 70%, tăng 48% so năm 2010.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn được chú trọng đầu tư, góp phần phát triển sản xuất, cải thiện bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân. Đến năm 2015, thu nhập bình quân của hộ nông dân đạt khoảng 25 triệu đồng/người, tăng hơn 2 lần so với năm 2010. Người dân ngày càng tiếp cận và thụ hưởng tốt hơn điều kiện về hạ tầng, các chính sách, dịch vụ xã hội, khoa học kỹ thuật.
Sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân hàng năm 13,2%. Công nghiệp chế biến tăng trưởng khá, các nhà máy gắn với vùng nguyên liệu tập trung. Một số ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giải quyết nhiều việc làm được chú trọng đầu tư phát triển, đổi mới công nghệ. Công suất các nhà máy đường trên địa bàn nâng từ 5.500 tấn lên 8.550 tấn mía/ngày, các nhà máy chế biến tinh bột sắn từ 350 lên 550 tấn sản phẩm/ngày; đang triển khai đầu tư các nhà máy sản xuất đường ăn kiêng, cồn nhiên liệu, phân vi sinh, chế biến thức ăn gia súc… gắn với chế biến đường, tinh bột sắn. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Các sản phẩm công nghiệp như: dược phẩm, hàng may mặc, thủy sản chế biến, đường RE… khẳng định được chất lượng, thương hiệu, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô (công suất 8 triệu tấn/năm) đã được giao mặt bằng và tổ chức động thổ giai đoạn 1. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề phát triển khá; một số ngành nghề như: chế biến mây tre lá, nước mắm, bánh tráng, đan đát… được khôi phục và phát triển góp phần đáng kể vào việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 12,9%. Công tác xúc tiến thương mại được chú trọng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 26,3%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt 120 triệu USD; thị trường xuất khẩu của một số mặt hàng như thủy sản, dệt may, sản phẩm gỗ… mở rộng. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với phát triển thị trường trong nước đạt kết quả tích cực.
TP Tuy Hòa trải rộng hai bờ sông Đà Rằng - Ảnh: LÊ MINH |
Công tác quảng bá du lịch được đẩy mạnh. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân hàng năm 20%, trong đó khách quốc tế tăng 37%/năm; doanh thu du lịch tăng 30%/năm. Một số lễ hội truyền thống được duy trì, phát huy gắn với việc phát triển du lịch. Một số dự án du lịch hoàn thành đưa vào hoạt động hiệu quả.
Dịch vụ vận tải ngày càng tốt hơn, doanh thu tăng bình quân 21,3%/năm. Các tuyến vận tải cố định, vận tải hành khách công cộng, các tuyến bay (TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa, Hà Nội - Tuy Hòa và ngược lại) duy trì hoạt động ổn định. Số đầu phương tiện vận tải, sản lượng vận tải hàng hóa, hành khách tăng khá.
Chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng được nâng lên. Tổng dư nợ 5 năm đạt 58.500 tỉ đồng, tăng bình quân 11,7%/năm. Các chính sách về huy động vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển thủy sản được triển khai có kết quả.
Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 17,2%/năm, đến năm 2015 đạt 2.700 tỉ đồng, đáp ứng khoảng 45,2% chi thường xuyên. Tổng chi ngân sách nhà nước đến năm 2015 ước trên 5.480 tỉ đồng, đảm bảo chi đúng mục đích, tiết kiệm.
(Còn nữa)
PHAN THANH BÌNH - ĐÀO NHẬT KIM