Từng bước hoàn thiện, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội

Thứ sáu - 26/04/2019 01:21
Những năm qua, hệ thống giao thông trên địa bàn Phú Yên không ngừng được đầu tư phát triển. Từ các tuyến quốc lộ đến tỉnh lộ, giao thông nông thôn từng ngày được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân; góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Từng bước hoàn thiện, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội

Những năm qua, hệ thống giao thông trên địa bàn Phú Yên không ngừng được đầu tư phát triển. Từ các tuyến quốc lộ đến tỉnh lộ, giao thông nông thôn từng ngày được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân; góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

 

Từ mạng lưới giao thông xuống cấp

 

Khi mới tách tỉnh, hệ thống giao thông vận tải (GTVT) trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khó khăn. Mạng lưới giao thông đường bộ toàn tỉnh có khoảng 1.582km đường. Ngoài quốc lộ 1 qua tỉnh đã xuống cấp nặng nề, hệ thống đường tỉnh chủ yếu các tuyến: Phú Lâm - Sông Hinh, Liên tỉnh lộ 7 từ Tuy Hòa - Gia Lai, Hòa Đa - Tân Lương, Chí Thạnh - La Hai - Xuân Lãnh, Triều Sơn - La Hai, Sông Cầu - Đa Lộc, La Hai - Xuân Phước - Kỳ Lộ… phần lớn là đường đất (chiếm 65%).

 

Hệ thống thoát nước trên tuyến có tải trọng thấp, nhiều cầu, cống tạm nên vào mùa mưa thường bị ách tắc giao thông dài ngày (do bị chia cắt và lầy lội). Hệ thống đường huyện, xã hầu như 100% là đường đất, ô tô chỉ mới đến được khoảng 70% số xã trong mùa nắng và đi lại rất khó khăn.

 

Kết nối giao thông giữa tỉnh Phú Yên với các tỉnh trong khu vực và cả nước chỉ mới theo trục Bắc - Nam qua quốc lộ 1, đến Tây Nguyên qua đường liên tỉnh lộ 7 (nay là quốc lộ 25). Hạ tầng (bến xe, bãi đỗ xe...) thiếu và xuống cấp; năng lực vận tải, chất lượng dịch vụ vận tải còn nhiều hạn chế.

 

Thực trạng trên đã đặt ra bài toán khó cho công tác phát triển GTVT của tỉnh, do khó khăn của một tỉnh mới được tách ra với xuất phát điểm quá thấp.

 

Từng bước khôi phục, phát triển hiện đại

 

Mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, đồng bộ theo hướng hiện đại. Nhiều tuyến đường quan trọng đã và đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng như các tuyến quốc lộ 1, 29, 25, 19C; đường Trường Sơn Đông; tuyến tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn Tuy An - Sơn Hòa (ĐT643); tuyến giao thông liên huyện Xuân Phước - Phú Hải (ĐT646); tuyến đường bộ ven biển (đoạn từ TX Sông Cầu đến cảng Vũng Rô); tuyến tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân (ĐT644) nối quốc lộ 1 với quốc lộ 19C...

 

Hàng loạt cây cầu đã được đầu tư xây dựng, trong đó có nhiều cây cầu quy mô lớn như: cầu Hùng Vương, Đà Rằng, Dinh Ông, Ngân Sơn… Các hầm đường bộ qua đèo hiện đại cũng được xây dựng như: hầm đường bộ Đèo Cả, hầm đường bộ Đèo Cù Mông.

 

Hệ thống đường đô thị, giao thông nông thôn không ngừng phát triển. Nhiều trục đường chính của thành phố, thị xã, thị trấn được đầu tư hoàn thiện theo hướng hiện đại, tạo tiềm năng, động lực phát triển cho đô thị, tạo thêm quỹ đất bố trí dân cư. Giao thông nông thôn phát triển nhanh và bền vững, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

 

Đến nay, 100% xã có đường đến trung tâm xã được bê tông hóa, đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa; 73/88 xã (chiếm 83%) đạt tiêu chí số 2 về giao thông; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Các đầu mối giao thông như: Bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ… đã được đầu tư và đang tiếp tục nâng cấp.

 

Nhờ sự đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, nên dịch vụ vận tải bằng đường bộ trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh. Đến nay có 26 tuyến vận tải khách liên tỉnh đến các tỉnh, thành cả nước; 7 tuyến nội tỉnh và 6 tuyến vận tải khách công cộng bằng xe buýt đến các thị trấn, thị tứ, đặc biệt đã hình thành 2 tuyến xe buýt liên tỉnh (tuyến Tuy Hòa - Nha Trang và Chí Thạnh - Quy Nhơn), đã giúp cho việc đi lại của nhân dân được thuận lợi.

 

Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 1.008 phương tiện vận tải khách, 10.328 phương tiện vận tải hàng hóa. Sản lượng vận tải hành khách tăng từ 6-11%/năm, hàng hóa từ 8-14%/năm, đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Ngoài hệ thống đường bộ, đường sắt Bắc - Nam chạy dọc suốt tỉnh có chiều dài 95km với 8 ga, hệ thống hạ tầng đường sắt đã được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới; tốc độ chạy tàu, chất lượng phục vụ hành khách ngày càng được nâng cao. Các đôi tàu đều dừng đón, trả khách tại ga Tuy Hòa và có một số đôi tàu dừng đón trả khách tại ga La Hai, Đông Tác, Phú Hiệp… đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

 

Thực hiện chiến lược về phát triển cảng biển để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt vịnh Vũng Rô có vị trí địa lý chiến lược hết sức quan trọng, ngay từ khi tách tỉnh, Phú Yên đã xác định và tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng cảng Vũng Rô với quy mô giai đoạn đầu khai thác cho tàu 3.000 tấn. Hiện công suất khai thác tại cảng đã đạt đến 500.000 tấn/năm (tăng gấp đôi công suất thiết kế).

 

Ngoài cảng Vũng Rô, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho khai thác hải sản cũng được chú trọng đầu tư; đến nay đã thực hiện đầu tư các cảng cá như: Đông Tác (TP Tuy Hòa), Phú Lạc (huyện Đông Hòa), Tiên Châu (huyện Tuy An), Dân Phước (TX Sông Cầu)…

 

Về đường hàng không, sân bay Tuy Hòa có vị trí địa lý thuận lợi, cách trung tâm TP Tuy Hòa 5km về phía nam. Bộ GTVT, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đã đầu tư xây dựng khu dân dụng Cảng hàng không Tuy Hòa mới với nhà ga hành khách, đường lăn, sân đỗ máy bay đáp ứng 3 vị trí đỗ máy bay A320/A321 và tương đương.

 

Nhà ga hành khách với tổng diện tích sàn khoảng 3.800m2 được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 4C (tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới) với công suất 550.000 hành khách/năm; đang khai thác với 2 đường bay Hà Nội - Tuy Hòa và TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa (và theo chiều ngược lại) tần suất 28 chuyến/tuần. Lượng hành khách qua Cảng hàng không Tuy Hòa hàng năm đều tăng (đến năm 2018 đạt trên 402.000 lượt khách).

 

Tiếp tục đầu tư, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông

 

Có thể khẳng định sau 30 năm tái lập tỉnh, ngành GTVT Phú Yên đã có sự phát triển toàn diện trên các mặt, với đầy đủ các loại hình vận tải: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh.

 

Những kết quả, thành tựu đạt được đã khẳng định vị thế, vai trò của GTVT đi trước mở đường, tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh.

 

Trong thời gian tới, ngành GTVT tiếp tục hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, bao gồm: đường quốc lộ, đường tỉnh, hệ thống đường giao thông nông thôn và các đầu mối giao thông (bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ…). Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh được ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng.

 

Bên cạnh đó, ngành GTVT sẽ triển khai một số dự án như: tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh; xây dựng các nút giao thông khác mức tuyến đường số 2 Khu đô thị Nam TP Tuy Hòa - Nguyễn Văn Linh và đường Hùng Vương - quốc lộ 1 trên địa bàn TP Tuy Hòa, xây dựng cầu Sông Chùa, cầu Duy Tân và cầu Nguyễn Trãi nối dài đến xã Bình Ngọc để phát triển không gian đô thị Tuy Hòa; triển khai tuyến đường bộ ven biển đoạn từ Km1293/quốc lộ 1 đến bắc cầu An Hải…

 

Cảng Vũng Rô cũng sẽ được đầu tư nâng cấp, đảm bảo tiếp nhận tàu đến 10.000 tấn, tăng năng lực khai thác hàng qua cảng lên 2-2,5 triệu tấn/năm và xây dựng cảng nước sâu Bãi Gốc (huyện Đông Hòa). Tiếp tục nâng cấp và khai thác hiệu quả cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa), Phú Lạc (huyện Đông Hòa), Tiên Châu (huyện Tuy An), Dân Phước (TX Sông Cầu).

 

Các ngành chức năng nghiên cứu đầu tư cảng Vũng Lắm (TX Sông Cầu) phục vụ cho phát triển công nghiệp và du lịch; đầu tư các cảng, bến du lịch từ bờ ra đảo phục vụ cho phát triển du lịch; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics.

 

Triển khai xây dựng nhà ga hành khách Cảng hàng không Tuy Hòa công suất 5 triệu hành khách/năm; nâng cấp kỹ thuật sân bay Tuy Hòa, xây dựng Cảng hàng không Tuy Hòa thành cảng hàng không nội địa đủ tiêu chuẩn phục vụ quốc tế. Ngành GTVT cũng đang kiến nghị triển khai dự án đường sắt Phú Yên - Tây Nguyên, để đẩy mạnh giao thương với các tỉnh Tây Nguyên.

 

Đây là các dự án sẽ tạo diện mạo mới cho tỉnh; đồng thời có vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào Phú Yên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.

 

NGUYỄN THÀNH TRÍ

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Phú Yên

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp