Làm tốt công tác tham mưu, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh

Chủ nhật - 12/05/2019 23:38
Trong 30 năm sau ngày tái lập tỉnh, ngành KH-ĐT đã tích cực tham mưu lãnh đạo tỉnh triển khai nhiều giải pháp huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thúc đẩy tăng GRDP và GDP bình quân đầu người qua từng năm
Làm tốt công tác tham mưu, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh

Trong 30 năm sau ngày tái lập tỉnh, ngành KH-ĐT đã tích cực tham mưu lãnh đạo tỉnh triển khai nhiều giải pháp huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thúc đẩy tăng GRDP và GDP bình quân đầu người qua từng năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, khẳng định và nâng cao vị thế của Phú Yên.

 

Tỉnh Phú Yên được tái lập từ ngày 1/7/1989 theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VII (Kỳ họp thứ V). Khi mới tái lập tỉnh, cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa yếu. Xuất phát điểm về kinh tế - xã hội còn thấp, là tỉnh thuần nông với tỉ trọng ngành Nông nghiệp trong GRDP chiếm trên 60%, hơn 80% hộ dân sống bằng nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người rất thấp.

 

Các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp rất ít và hầu hết có công nghệ lạc hậu. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ cấp tỉnh còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới...

 

Qua 30 năm tái lập tỉnh, nhờ tập trung triển khai kịp thời, quyết liệt các nhóm giải pháp chỉ đạo, điều hành theo nghị quyết của Chính phủ, các chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở KH-ĐT đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực tham mưu.

 

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm duy trì ở mức khá, bình quân giai đoạn 1990-2018 tăng 9%/năm, quy mô nền kinh tế tăng gấp 11,04 lần so với khi tái lập và đạt 24.925 tỉ đồng vào năm 2018. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã tăng theo từng năm, năm 1990 đạt 150 tỉ đồng (100% vốn ngân sách nhà nước) đến cuối năm 2018 đạt 15.822 tỉ đồng. Lũy kế vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2018 đạt 126.970 tỉ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 35%, vốn ngoài ngân sách nhà nước chiếm 51%, còn lại là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

 

Để đạt được những thành tựu nổi bật nêu trên, Sở KH-ĐT đã tích cực tham mưu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

 

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

 

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh nói chung và của Sở KH-ĐT nói riêng luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Với vai trò là cơ quan thường trực được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh, Sở KH-ĐT đã phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chương trình hành động, kế hoạch để triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI.

 

Cụ thể như Chương trình hành động 06-CTr/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI, PAPI tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh; Kế hoạch 84/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động 06 của Tỉnh ủy; Kế hoạch 116/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị 04-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Năm Doanh nghiệp Phú Yên - 2016…

 

Triển khai các kế hoạch của UBND tỉnh, hầu hết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp như: chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; cấp giấy phép xây dựng… đã giảm từ 35-50% so với quy định của Trung ương.

 

Cụ thể, các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh đã rút ngắn thời gian giải quyết từ 35 ngày (theo quy định của Trung ương) xuống còn 18 ngày; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư rút ngắn thời gian từ 5 ngày (theo quy định của Trung ương) xuống còn 3 ngày; cấp giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, giải thể doanh nghiệp trong vòng 1 ngày; điều chỉnh, thay đổi, cấp lại giấy đăng ký doanh nghiệp không quá 3 giờ thay vì 3 ngày như quy định...

 

Những kết quả đạt được bước đầu như trên đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. So với những năm đầu nhiệm kỳ (2015-2017), PCI của tỉnh từ thứ hạng 55 đã tăng lên vị trí 51 (tăng 4 bậc). Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô và chất lượng.

 

Đến nay, Sở KH-ĐT đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho khoảng 4.738 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 32.090 tỉ đồng; số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 2.992 doanh nghiệp, với tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp bình quân 16,6%/năm.

 

Tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư

 

Ngay từ khi tái lập tỉnh, Phú Yên đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để tạo động lực thúc đẩy phát triển. Theo đó, tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút và mời gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu tạo nên sức cạnh tranh; coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, giải quyết ngay các khó khăn cho doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh. Tỉnh cũng đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch vào năm 2007 nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong xúc tiến, hỗ trợ đầu tư và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.

 

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh còn tổ chức nhiều đoàn thăm và làm việc với một số công ty, tập đoàn lớn ở các địa phương trong và ngoài nước để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Đáng chú ý, tỉnh đã tổ chức đoàn quảng bá, xúc tiến đầu tư tại các nước Pháp, Ý, Hungary, Lào, Thái Lan... và tổ chức thành công nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, để lại ấn tượng tốt đẹp, tạo làn sóng đầu tư mới vào tỉnh.

 

Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh tăng theo từng năm. Năm 1996, toàn tỉnh chỉ có 1 dự án FDI với tổng vốn 94,5 tỉ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 38 dự án FDI với số vốn đăng ký 1,56 tỉ USD và 401 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 62.634 tỉ đồng, trong đó có 231 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 57,6%.

 

Nhiều dự án đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả, góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách, cải thiện chất lượng dịch vụ lưu trú... Năm 2018, các dự án đầu tư đã đóng góp 32,6% giá trị tổng sản phẩm và 35,7% ngân sách trên địa bàn.

 

Tiếp tục huy động nguồn lực để phát triển

 

Thời gian tới, toàn hệ thống bộ máy chính trị tỉnh Phú Yên nói chung và Sở KH-ĐT nói riêng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư nhằm huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững; tạo chuyển biến thực sự về chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế; phấn đấu sớm đưa Phú Yên trở thành tỉnh công nghiệp.

 

Để làm được điều này, Sở KH-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của tỉnh; tích cực đồng hành giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

 

Song song đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công, nhanh chóng hoàn thành mục tiêu Chính phủ điện tử; nâng cao tính minh bạch, công khai, chuyên nghiệp của đơn vị trong phục vụ tổ chức và công dân, tiến tới xây dựng nền hành chính phục vụ; tạo điều kiện cho các dự án sau khi được cấp phép triển khai nhanh và sớm đi vào sản xuất kinh doanh.

 

Sở KH-ĐT cũng sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch; rà soát, bổ sung và công bố rộng rãi danh mục các quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời tham mưu huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống giao thông; cấp điện, thủy lợi, thông tin liên lạc; hạ tầng thu gom và xử lý nước thải, chất thải… và tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Nam Phú Yên, các khu công nghiệp, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm đòn bẩy thu hút đầu tư...

 

VÕ CAO PHI

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Yên

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp