“Lá phổi xanh” cho đô thị Tuy Hòa

Thứ bảy - 18/05/2019 05:41
TP Tuy Hòa đang quyết tâm phấn đấu để trở thành một đô thị xanh - sạch - đẹp, từng bước hiện đại, trong đó yếu tố xanh được đặt lên hàng đầu.
“Lá phổi xanh” cho đô thị Tuy Hòa

TP Tuy Hòa đang quyết tâm phấn đấu để trở thành một đô thị xanh - sạch - đẹp, từng bước hiện đại, trong đó yếu tố xanh được đặt lên hàng đầu.

 

Cây xanh đô thị có tác dụng che chắn nắng chói chang vào trưa hè, ngăn tiếng ồn, ngăn khói bụi, che gió độc hại. Ban ngày, cây xanh thải khí ôxy, hút khí cacbon, làm cho môi trường mát dịu. Cây xanh có màu sắc, hình khối, đường nét rất phong phú, tạo sự sinh động cho các công trình kiến trúc.

 

Cây xanh đô thị có nhiều loại: cây xanh công viên cấp thành phố (cây xanh tập trung) có diện tích đất chiếm khoảng 10% đất đô thị, vườn cây xanh trong các khu nhà ở; cây xanh trên đường phố, nhất là đường hai chiều có dải phân cách; cây xanh trong sân vườn các công trình công cộng như trường học, quảng trường, bảo tàng; cây xanh trên ban công, mái nhà, sân lộ thiên trong các công trình kiến trúc; cây xanh cách ly với khu công nghiệp; cây xanh công viên rừng...

 

Trong đó, cây xanh công viên giữ vai trò chủ đạo, là tiêu chí chính để đánh giá cho đô thị xanh - sạch - đẹp. Một công viên cây xanh phải đáp ứng các yêu cầu: có chức năng rõ ràng, các loại cây xanh bóng mát, cây bụi, giàn hoa, thảm cỏ tươi tốt, có đường đi, cấp điện, cấp nước và các công trình phụ trợ khác đồng bộ.

 

TP Tuy Hòa ở hai bên bờ sông Đà Rằng, con sông lớn ở khu vực Nam Trung Bộ. Phía đông là biển cả rộng lớn, nước biển trong xanh, phía tây là cánh đồng lúa Tuy Hòa xanh tươi. Đây được coi như ba công viên tự nhiên khổng lồ. Núi Chóp Chài cao 394m, núi Nhạn cao 64m so với mặt nước biển ngay trong lòng thành phố, là hai công viên núi rừng quý hiếm mà ít đô thị nào có được.

 

Về địa hình, Tuy Hòa có độ cao từ 2,5-4,5m so với mặt nước biển, có nguồn nước ngọt dồi dào nên rất thuận lợi cho cây xanh phát triển. Kênh Rạch Bầu chảy theo hướng bắc - nam từ Hồ Sen phía đông núi Chóp Chài đổ về cửa sông Đà Diễn, chia thành phố làm hai phần tựa như lá phổi xanh, đây là điều kiện để xây dựng một công viên đẹp.

 

Theo quy hoạch tổng thể, TP Tuy Hòa có 4 công viên cây xanh chính:

 

Một là, quần thể công viên núi Nhạn. Trước ngày tái lập tỉnh nơi đây chỉ là vườn cây xanh nhỏ khoảng 2.000m2, là nơi bán hoa vào dịp Tết. Núi Nhạn trồng cây bạch đàn lưa thưa. Ngay từ ngày đầu tái lập, tỉnh đã đầu tư khá lớn cho quần thể công viên này.

 

Đó là trùng tu lại tháp Nhạn, đến năm 1998 tháp Nhạn được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng Di tích kiến trúc cấp quốc gia. Đến tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận tháp Nhạn là Di tích quốc gia đặc biệt.

 

Công viên Thanh thiếu niên TP Tuy Hòa đang được thi công, mở rộng - Ảnh: PV

 

Xây dựng Đài liệt sĩ Núi Nhạn, nhiều loài cây xanh quý hiếm được trồng, đường lên - xuống núi được đầu tư; cây xăng, trụ sở công an thành phố dưới chân núi được giải tỏa, thay vào đó là nhà văn hóa, công viên Diên Hồng được xây dựng và mở rộng.

 

Đường Lê Trung Kiên được nâng cấp, đường Bạch Đằng men theo bờ sông Chùa được xây dựng. Ngoài ra, thành phố cũng đã cho giải tỏa các nhà dân ở sát chân núi Nhạn, chỉnh trang lại các chùa chiền, miếu cổ…

 

Quần thể công viên núi Nhạn với tháp Nhạn là tâm điểm, trở thành “hòn ngọc”, là biểu trưng, là núi thơ, là niềm tự hào của người dân Tuy Hòa. Nơi đây là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch, có thể cảm nhận sự sinh động của thành phố trẻ Tuy Hòa.

 

Hai là, Công viên biển Tuy Hòa dọc đường Độc Lập. Trước năm 1989, biển Tuy Hòa không một bóng cây, mùa hè nóng bỏng, mùa mưa cát bay, đường Độc Lập chỉ có một đoạn từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Nguyễn Du, bão lũ năm 1983 sóng biển cuốn trôi hoàn toàn.

 

Ngay sau ngày tái lập tỉnh, đi đôi với việc đầu tư xây dựng hạ tầng, xây dựng nhà ở, công sở tại khu vực phường 7, tỉnh còn tích cực trồng rừng phi lao dọc đường Độc Lập. Với mục tiêu tạo dải cây xanh che chắn gió, cát bay, ảnh hưởng các công trình và khu dân cư mới, không bao lâu bờ biển Tuy Hòa được phủ bởi màu xanh bồng bềnh của phi lao, như làn tóc bay trong gió kéo dài tận biển Long Thủy, xã An Phú.

 

Theo quy hoạch tổng thể Công viên biển Tuy Hòa có chiều dài hơn 7km, điểm đầu từ đường Trần Hưng Đạo, điểm cuối tại vị trí giao nhau giữa đường Độc Lập và đường Lê Duẩn. Đây là công viên có nhiều chức năng: nơi vui chơi, nghỉ mát, tắm biển, đường đi bộ dạo mát; là công viên rừng, dải cây xanh che chắn gió, cải tạo vi khí hậu cho các công trình kiến trúc bên trong đường Độc Lập.

 

Hơn hai năm nay, thành phố đầu tư xây dựng công viên này với các hạng mục như kè, lát đá granit các lối đi lại, trồng nhiều cây xanh, trong đó bàng biển và phi lao cắt xén là hai cây chủ đạo, cùng với hệ thống điện, nước... Bờ biển Tuy Hòa như được thay áo mới, không gian đô thị hướng về biển, thân thiện với biển. Công viên biển cần được quy hoạch xây dựng các cụm tượng nghệ thuật bằng nhiều nguồn vốn huy động xã hội khác nhau. Hy vọng trong tương lai, đây là công viên tượng nghệ thuật, công viên biển xinh đẹp.

 

Ba là, Công viên Thanh thiếu niên thành phố. Theo quy hoạch, công viên này có điểm đầu từ Hồ Sen (phía tây nam KCN An Phú), điểm cuối tại cầu Vạn Kiếp, phường 6. Công viên có chức năng như vườn bách thảo của thành phố, bảo tàng thực vật, nơi tập trung trồng các loài cây quý hiếm. Nơi vui chơi giải trí, ngắm cảnh cho các cháu thiếu nhi. Công viên còn là nơi điều hòa nước khi lũ lụt, là lá phổi xanh trong lòng thành phố.

 

Công viên có 4 hồ điều hòa từ trong ra, đó là hồ Bình An (phía trên cầu Vạn Kiếp, tên phường Bình An trước năm 1975); hồ Hồ Sơn (tên chùa Hồ Sơn); hồ Liên Trì (tên thôn Liên Trì); hồ Biểu Liên (phía tây nam KCN An Phú, tên loài sen quý). Các hồ cần có thiết kế cân bằng, nơi đào sâu trồng sen, nơi tôn cao trồng cây xanh. Nối liền các hồ với nhau là những đoạn kênh Rạch Bầu được nạo vét, khai thông tạo dãy liên hoàn có tác dụng đem lại sinh thái môi trường trong lành cho thành phố.

 

Bốn là, Công viên núi Chóp Chài. Nhìn nhận núi Chóp Chài như là công viên núi rừng, ở đó còn nhiều những vấn đề cần được bảo tồn như các chùa chiền, hang động, làng xóm có giếng đá xây, tường rào đá xếp, nhà cột tre mái lá… Vì vậy cần sớm khảo sát, quy hoạch đường bao quanh chân núi, đường lưng chừng núi từ chùa Bảo Lâm đến chùa Khánh Sơn.

 

Ngoài 4 công viên cây xanh chính trên, trong các khu dân cư của TP Tuy Hòa còn có nhiều vườn cây xanh nhỏ đã được đầu tư như: Công viên 26 Tháng 3, Công viên Lê Trung Kiên, vườn cây xanh trước cổng Trường tiểu học Kim Đồng... Các khu cây xanh chưa được quy hoạch, như các nút giao thông cửa ngõ phía nam, cửa ngõ phía bắc và cửa ngõ phía tây của thành phố.

 

TP Tuy Hòa là đô thị loại II, vóc dáng của thành phố khác xa so với trước năm 1989, đô thị phát triển theo trục bắc - nam. Công viên và cây xanh có nhiều khởi sắc, nhất là cây xanh đường phố. Thành phố đang đầu tư từng bước, với mục tiêu phấn đấu để trở thành đô thị xanh - sạch - đẹp, từng bước hiện đại.

 

Kiến trúc sư HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp