Trong nông nghiệp, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất hàng hóa và chế biến. Điểm mới trong sản xuất nông nghiệp là gắn nông nghiệp với công nghiệp, coi đó là một trọng điểm để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Điển hình rõ nét nhất là phát triển vùng trồng mía gắn với xây dựng nhà máy đường và cụm công nghiệp mía đường Tuy Hòa, Sơn Hòa, Đồng Xuân; phát triển vùng trồng sắn cao sản gắn với xây dựng nhà máy chế biến sắn… Trong trồng trọt lấy hiệu quả tối ưu trên một đơn vị diện tích làm mục tiêu phấn đấu. Những lợi thế của từng địa phương từng vùng được phát huy, xóa bỏ kiểu điều hành theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Kết quả bình quân tăng trưởng trong nông nghiệp trong những năm 1999-2004 tăng 4,7%.
Sản lượng lương thực năm 2003 tăng lên 325.600 tấn. Ngành chăn nuôi cũng phát triển khá mạnh: năm 2003 đàn bò có 164.581 con tăng 19,5%; đàn heo 181.042 con, tăng 9,3%; đàn gia cầm hơn 1,9 triệu con, tăng 4,7%. Nhờ làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, nên các thời điểm có dịch lở mồm long móng gia súc không ảnh hưởng lớn đến đàn gia súc, gia cầm của tỉnh.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, điểm nổi bật trong chỉ đạo của UBND tỉnh là quyết định đóng cửa rừng để tập trung chăm sóc, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi rừng. Đồng thời tranh thủ được nguồn tài trợ trồng rừng như dự án PAM 4304, dự án trồng rừng JBIC đã trồng được 8.098ha rừng tập trung và 7,5 triệu cây phân tán. Đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cá nhân quản lý chăm sóc, bảo vệ.
Chuyển biến quan trọng trong chỉ đạo phát triển ngành thủy sản là chuyển đổi từ đánh bắt ven bờ sang đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thủy sản. Tổng đội tàu đánh cá cả tỉnh năm 2004 lên đến 3.703 chiếc với tổng công suất 93.497 CV tăng 31,2% so với năm 2000. Sản lượng khai thác thủy sản ngày càng cao, năm 2003 khai thác được 31.000 tấn. Nghề câu cá ngừ đại dương đã trở thành một nghề phát đạt đưa Phú Yên trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về kỹ thuật đánh bắt và sản lượng.
Nghề nuôi tôm sú, tôm hùm, nuôi cá mú bằng lồng trên biển khá phát triển, sản lượng tôm nuôi năm 2003 là 2.972 tấn. Nhờ đó, ngư dân vùng ven biển trước đây nghèo khổ phải cứu đói thường xuyên nay có đời sống khấm khá, nhiều hộ giàu.
Từ một tỉnh kinh tế thuần nông phát triển công nghiệp là điều cực kỳ khó khăn, UBND tỉnh đã chỉ đạo làm tốt quy hoạch, quảng bá, vận động thu hút nguồn lực đầu tư. Sản lượng công nghiệp có sự tăng trưởng cao, năm 2003 giá trị sản xuất công nghiệp 1.464,6 tỉ đồng, tăng 63,9% so 2000. Một số hạ tầng khu công nghiệp khởi công xây dựng như Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1, hoàn chỉnh quy hoạch 3 khu công nghiệp Hòa Hiệp, An Phú và Đông Bắc Sông Cầu.
Đặc biệt, việc di dời Nhà máy đường KCP từ Huế vào Sơn Hòa đã cứu vãn ngành mía đường Phú Yên. Năm 2003, tỉnh đã thu hút 49 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng số vốn đầu tư 560,6 tỉ đồng và 95,6 triệu USD. Đã có một số nhà máy phát huy hiệu quả như nhà máy bia Sài Gòn, nhà máy tân dược, nhà máy chế biến hạt điều, Nhà máy sản xuất thức ăn tôm…
Nhà máy thủy điện Sông Hinh hoàn thành, hòa lưới điện quốc gia đã đảm bảo cung cấp điện ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến ngày 2/9/2002 có 100% số xã có điện với 90% số hộ dùng điện. Nhờ kết quả của việc hoạch định chiến lược, chính sách thu hút đầu tư công nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung cả tỉnh đã chiếm 26%.
Nằm trong định hướng chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu trọng tâm của nền kinh tế từ nông nghiệp là chủ yếu sang trọng tâm công nghiệp và thương mại, dịch vụ, du lịch là chủ yếu, UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác quy hoạch xây dựng, phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ và du lịch. Trên cơ sở đó đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư.
Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh từ năm 2000-2004 phát triển khá nhanh, thị trường mở rộng, hàng hóa phong phú, mức bán lẻ của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước phát triển, có nhiều hình thức kinh doanh phù hợp nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng. Hoạt động xuất nhập khẩu trong các năm 2000-2003 đem lại tổng kim ngạch xuất khẩu lên 111,9 triệu USD, trong đó phần lớn hàng hóa là sản phẩm chế biến, sản xuất tại địa phương.
UBND tỉnh tiến hành quy hoạch chi tiết phát triển du lịch TX Tuy Hòa và vùng phụ cận cũng như một số khu du lịch trong tỉnh, ban hành chính sách ưu đãi các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh. Tháng 9/2003, Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Phú Yên đi vào hoạt động mở đầu cho việc liên doanh ngành Du lịch Phú Yên với nhiều địa phương và nhà đầu tư trong nước.
Trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung nguồn thu ngân sách để từng bước giảm dần trợ cấp từ ngân sách Trung ương, bước đầu đã tạo được những nguồn thu ngân sách lớn và ổn định như: nguồn thu từ Nhà máy bia Sài Gòn, Nhà máy đường KCP, nhà máy lắp ráp ô tô. Thu từ quỹ đất cũng là một nguồn thu lớn. Chỉ đạo xây dựng đường Hùng Vương bằng cơ chế lấy đất đổi công trình đạt được kết quả thành công to lớn, vừa tạo ra một đường phố đẹp và có nguồn thu hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách.
Đây là nhiệm kỳ có số thu ngân sách vượt ngưỡng 500 tỉ đồng, đạt mức kế hoạch đề ra cho năm 2005. Hệ thống ngân hàng cũng được chuyển đổi thích nghi với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một số ngân hàng cổ phần như Sacombank, Đông Á đã mở chi nhánh ở Phú Yên.
Một sự kiện nổi bật trong lĩnh vực giao thông vận tải Phú Yên là ngày 1/4/2003, sân bay Tuy Hòa đã đi vào hoạt động với lịch trình mỗi tuần 2 chuyến TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa và ngược lại. Nhiều tuyến đường được mở ra như ĐT645 thông lên Đắk Lắk, quốc lộ 25 đi Gia Lai, đường Sông Cầu - Quy Nhơn, trục đường miền Tây của tỉnh… cùng các cầu mới xây dựng trên tuyến quốc lộ 1 đã tạo điều kiện cho kinh tế các vùng trong tỉnh phát triển, sự giao lưu đi lại của nhân dân thuận lợi. Các hoạt động xe khách chất lượng cao, vận tải trong và ngoài tỉnh được khuyến khích hoạt động đúng luồng, đúng tuyến, một số hãng xe tư nhân ra đời với nhiều xe mới, chất lượng hiện đại.
Hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông cũng được đầu tư mở rộng với hệ thống cột anten phát sóng điện thoại vô tuyến, đường truyền cáp quang, bưu điện văn hóa xã, đưa số máy điện thoại đạt mức 4,4 máy/100 dân.
Lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân được UBND tỉnh chú trọng. Tỉnh tập trung chỉ đạo việc đổi đất lấy cơ sở hạ tầng đường Hùng Vương và triển khai cơ chế này ở các huyện, thị xã. Ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó có chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đến năm 2004 đã có 18 dự án nước ngoài được cấp giấy phép với tổng số vốn đăng ký 108,7 triệu USD. Tổ chức các hội nghị thu hút đầu tư, quảng bá du lịch tại TP Hồ Chí Minh, phối hợp tổ chức xúc tiến đầu tư ở Thái Lan, Đức, Singapore…
Hệ thống đường bộ được tập trung nâng cấp, mở nhiều tuyến quan trọng. Trong nội tỉnh, đầu tư nâng cấp ĐT645, ĐT641, đường Hùng Vương, đường Phước Tân - Bãi Ngà, cầu Đà Nông. Các tuyến đường đê Bạch Đằng, đường Trần Phú cũng được đầu tư xây dựng cùng với nâng cấp nhiều tuyến đường phố làm cho diện mạo phố thị Tuy Hòa ngày càng đổi mới, khang trang, sạch đẹp. Phối hợp với Bộ GT-VT nâng cấp quốc lộ 1, mở các tuyến tránh Tuy Hòa, Sông Cầu, xây dựng cầu Đà Rằng mới, cầu Bình Phú và tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu.
Bằng chính sách “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chương trình bê tông hóa đường làng, hẻm phố đã được toàn dân hưởng ứng đem lại bộ mặt nông thôn, đô thị thay đổi, không còn cảnh lầy lội như trước đây. Các cảng cá phường 6, Đông Tác, Tiên Châu, Dân Phước được đầu tư đưa vào sử dụng phục vụ cho ngư dân đánh bắt xa bờ.
Hệ thống thủy nông Đồng Cam, Tam Giang, Hà Yến được sửa chữa nâng cấp; hồ chứa nước Đồng Tròn, Xuân Bình, dự án thủy lợi sau thủy điện Sông Hinh, đê chống ngập lụt TX Tuy Hòa được xây dựng. Nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả.
PHAN THANH BÌNH - ĐÀO NHẬT MINH