Tỉnh ủy lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp (1996-2000)

Thứ năm - 07/03/2019 15:41
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (tháng 5/1996), Tỉnh ủy Phú Yên chú trọng đi sâu vào từng mặt công tác lớn. Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ hai, ngày 9/7/1996 bàn và ra Nghị quyết 01 về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.
Tỉnh ủy lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp (1996-2000)

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (tháng 5/1996), Tỉnh ủy Phú Yên chú trọng đi sâu vào từng mặt công tác lớn. Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ hai, ngày 9/7/1996 bàn và ra Nghị quyết 01 về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.

 

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư họp từ ngày 7-8/10/1996, ra Nghị quyết 02 về những vấn đề cơ bản của công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ năm, họp ngày 27-28/3/1997 bàn và ra nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000. Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ bảy, họp ngày 10-11/11/1997 bàn và thông qua chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh.

 

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ chín, họp ngày 27-28/4/1998 thông qua chương trình hành động của Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, cần kiệm để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2000. Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ mười hai, họp ngày 26-27/6/1999, thông qua chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng…

 

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bằng các nghị quyết của Tỉnh ủy, Đảng bộ đã vận dụng sáng tạo, bảo đảm đúng định hướng, đáp ứng nguyện vọng và đòi hỏi của nhân dân. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tỉ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng từ 12,4% cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI lên 22% cuối năm 2000; tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 50,7% xuống còn 45,4% vào cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; dịch vụ chiếm 36,9% năm 1995 còn 31,7% năm 2000.

 

Phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hợp tác hóa là ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy. Từng bước củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, đồng thời tăng nhanh lực lượng sản xuất, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm nông - lâm - ngư nghiệp là 3,5%, sản xuất lương thực quy thóc giữ mức trên dưới 30 vạn tấn.

 

Nông dân Sơn Hòa thu hoạch mía - Ảnh: MINH KÝ

 

Tập trung chủ yếu vào các chương trình lớn như: Chương trình lương thực: chương trình này tập trung vào cây lúa và cây mía, sản xuất lúa tập trung thâm canh, tăng năng suất, áp dụng những tiến bộ mới về sinh học vào sản xuất lúa chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời mở rộng thêm 2.000ha diện tích lúa được tưới nước chủ động. Cây bắp ổn định diện tích 5.000ha ở các loại đất màu, đất ven sông, suối; thực hiện xen canh, luân canh gối vụ, thay giống…

 

Chương trình mía đường: ổn định diện tích 18.000ha ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, tây nam huyện Tuy An và Tuy Hòa; tăng năng suất bằng biện pháp thay đổi giống và tưới nước cho một số vùng có điều kiện. Chương trình phát triển các loại cây công nghiệp: Cây sắn phát triển trên diện tích 4.000ha, ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân. Cây cà phê phát triển trên diện tích 200ha, ngoài diện tích cà phê của nông trường, phát triển cà phê vườn, đưa giống mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất. Cây điều phát triển 6.000ha bằng nhiều nguồn vốn: Vốn trồng 5 triệu hécta rừng của Chính phủ, vốn 327, vốn các doanh nghiệp nhà nước, vốn huy động trong dân. Cây dừa: ổn định diện tích 5.800ha, thay số dừa già cỗi, thực hiện chế biến các sản phẩm có chất lượng cao. Cây thuốc lá ổn định diện tích 1.500ha. Cây cao su trồng thử nghiệm 300ha cao su tiểu điền ở vùng bắc Sơn Hòa.

 

Tham gia chương trình quốc gia trồng 5 triệu hécta rừng: kiểm kê, quy hoạch rừng, đất rừng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, chọn cây phù hợp từng vùng sinh thái, huy động nhiều nguồn lực tham gia trồng được 61% rừng sản xuất, 36% rừng phòng hộ, đưa độ che phủ của rừng lên gần 40%. Đi đôi với trồng rừng, đẩy mạnh công tác định canh, định cư, chống phá rừng làm rẫy, quản lý chặt dân di cư tự do; chú ý đến công tác phòng chống cháy rừng, nhất là việc tuyên truyền giáo dục quần chúng tham gia bảo vệ rừng.

 

Chương trình phát triển chăn nuôi: tích cực ngăn ngừa có hiệu quả dịch lở mồm long móng gia súc. Phát triển đàn bò ở các huyện miền núi gắn với công tác lai tạo giống và đưa một số giống cỏ chất lượng cao trồng phục vụ chăn nuôi, đạt gần 170.000 con bò, trong đó bò lai chiếm 35%; phát triển chăn nuôi heo, gia cầm ở các hộ vùng nông thôn.

 

Chương trình thủy lợi: thực hiện các dự án nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy nông Đồng Cam, xây dựng hệ thống thủy lợi sau thủy điện Sông Hinh, xây dựng hồ Đồng Tròn và một số công trình thủy lợi nhỏ khác trong tỉnh. Từng bước bê tông hóa hệ thống kênh mương ở một số công trình thủy lợi.

 

Chương trình chế biến nông - lâm - thủy sản: coi trọng công nghiệp chế biến hàng nông - lâm - thủy sản, phát huy các cơ sở làm ăn có hiệu quả; xúc tiến xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn; nâng công suất nhà máy đường Tuy Hòa; xây dựng nhà máy đường Sơn Hòa; phát huy hiệu quả hoạt động 2 nhà máy chế biến hạt điều. Ngoài lực lượng Nhà nước, vận động nhân dân tổ chức cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ để tiêu thụ nông sản phẩm…

 

Chương trình phát triển thủy sản: lãnh đạo đẩy mạnh nghề cá gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo các vùng ven biển. Khuyến khích ngư dân chuyển từ nghề lộng sang nghề khơi theo chương trình phát triển kinh tế biển Đông của Chính phủ. Đầu tư mở rộng các cơ sở cơ khí tàu thuyền bằng nguồn vốn ưu đãi của Trung ương và địa phương. Chú ý đúng mức công tác nuôi trồng thủy sản, áp dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái; phát triển đa dạng nuôi hải sản… phát triển nghề mới, nghề câu cá ngừ đại dương với sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt trên 2.000 tấn.

 

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, đã thu được kết quả đáng kể: Hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp tập trung ở Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, phía tây huyện Tuy Hòa và phía nam huyện Tuy An. Cùng với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ngành chăn nuôi cũng được chú trọng phát triển theo hướng chăn nuôi hàng hóa. Giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng… Cùng với sự chuyển dịch nông nghiệp, ngành công nghiệp và dịch vụ cũng chuyển dịch theo hướng phục vụ ngày càng tốt hơn cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn. Một số công trình công nghiệp chế biến được xây dựng… tiến hành việc thu mua, chế biến nông - lâm - thủy sản, giải quyết được nhiều lao động có việc làm, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống nông dân.

 

PHAN THANH - ĐÀO NHẬT KIM

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp