Hệ lụy từ bẫy “tín dụng đen”

Thứ năm - 07/03/2019 16:13
Thời gian gần đây, hoạt động của các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, dẫn đến rất nhiều hệ lụy và tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự (ANTT).
Hệ lụy từ bẫy “tín dụng đen”

Thời gian gần đây, hoạt động của các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, dẫn đến rất nhiều hệ lụy và tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự (ANTT).

 

Hoạt động “tín dụng đen” diễn ra phổ biến, phức tạp ở nhiều địa phương trong tỉnh, không chỉ ở khu vực đô thị mà còn ngấm ngầm len lỏi đến khắp các địa bàn, khu vực dân cư từ vùng biển đến miền núi. Điều đáng nói, “tín dụng đen” không chỉ là hoạt động liên quan đến các băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi mà còn xuất hiện ngay trong các thỏa thuận dân sự giữa những người dân với nhau, khiến nhiều người tham gia lâm vào cảnh nợ nần, tán gia bại sản, thậm chí có người phải tìm đến cái chết để thoát nợ.

 

Thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Phú Yên đã tiếp nhận, thụ lý 13 vụ việc liên quan đến việc vay mượn của người dân với số tiền lên đến gần 100 tỉ đồng. Tinh vi hơn, hầu hết việc huy động vốn theo kiểu “tín dụng đen” này đều núp bóng dưới những hợp đồng giao dịch, thỏa thuận dân sự.

 

Với phương thức thủ đoạn tiếp cận, tạo mối quan hệ tốt đẹp, hứa hẹn trả lãi suất cao, người vay tiền đã đánh vào trúng tâm lý hám lợi của người cho vay nên dễ dàng huy động được số tiền lớn. Thời gian đầu, người vay tiền trả lãi đầy đủ, sau đó nâng thêm lãi suất để tiếp tục được vay với số tiền nhiều hơn.

 

Đến khi không trả lãi được nữa, người vay ôm tiền bỏ trốn khỏi địa phương khiến các chủ nợ phải ngậm đắng nuốt cay. Đến lúc mọi chuyện vỡ lỡ, người cho vay mới làm đơn gửi đến cơ quan công an tố cáo.

 

Nói về tình trạng này, thượng tá Võ Duy Tuấn, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, cho biết: “Các đối tượng vay tiền tạo được lòng tin, sau khi nhận được tiền thì bỏ trốn khỏi địa phương. Quá trình điều tra chứng minh việc này rất khó. Trong 13 vụ do đơn vị điều tra thì 80% là dân sự vì chưa đủ căn cứ khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật nên bà con cần cảnh giác với vấn đề này”.

 

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra những vụ thỏa thuận ngầm giữa người vay và người cho vay với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Và việc điều tra, xử lý các trường hợp này rất khó khăn.

 

Một số vụ việc, do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên Cơ quan Cảnh sát điều tra phải hướng dẫn giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Vì khi cho vay mượn, hai bên thỏa thuận chỉ viết giấy giao tiền, nhận nợ, hoàn toàn không thể hiện lãi suất vay. Khi cơ quan công an triệu tập, cả người vay và người cho vay đều né tránh, không thừa nhận hành vi cho vay mượn có lãi suất vì lo sợ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này, thượng tá Võ Duy Tuấn khuyến cáo: “Khi cho vay, người cho vay cần tính toán, phải là những người mình tin tưởng, có tín chấp, biết rõ hoạt động kinh doanh của họ như thế nào. Khi cho vay, lãi suất không được vượt quá lãi suất của ngân hàng, của các tổ chức tín dụng. Nếu vượt quá thì người cho vay vi phạm pháp luật”.

 

Từ các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” đã xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, thiết nghĩ người dân cần hết sức đề cao tinh thần cảnh giác với loại hình tín dụng này. Khi phát hiện đối tượng có hành vi hoạt động “tín dụng đen”, cần nhanh chóng tố giác, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật. Tuyệt đối không nên tin tưởng vào những lời hứa hẹn trả lãi suất cao mà bất chấp cho vay mượn tiền để rồi mất trắng tất cả.

 

NGUYÊN KHANG

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp