Phần lớn các vụ chống người thi hành công vụ xảy ra khi lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đang thực thi nhiệm vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông để ngăn ngừa tai nạn xảy ra.
Nhiều trường hợp quá khích
Theo Phòng CSGT, trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, không ít lần cán bộ chiến sĩ CSGT đã gặp phải sự chống đối của các đối tượng vi phạm, nhất là trong những trường hợp đối tượng bị quá khích do sử dụng rượu bia. |
Chống đối người thi hành công vụ không phải là điều hiếm gặp khi lực lượng CSGT tuần tra trên đường. Nhiều trường hợp người vi phạm Luật Giao thông đường bộ có hành vi chống đối, lăng mạ CSGT đang làm nhiệm vụ. Không chỉ phớt lờ chỉ dẫn, hiệu lệnh của CSGT, nhiều trường hợp còn có hành vi chống đối, hành hung, đe dọa, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người thực thi công vụ.
Hành vi chống đối thường xuyên xảy ra khi lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn. Trên thực tế, việc phát hiện, xử lý đối với các trường hợp này không hề đơn giản. Bởi lẽ, việc xác định người vi phạm chỉ được thực hiện thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như máy đo nồng độ cồn. Do mức xử phạt lỗi vi phạm nồng độ cồn tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ khá cao, các trường hợp vi phạm đều bị tạm giữ phương tiện nên người vi phạm thường có biểu hiện lảng tránh, không chấp hành hoặc chấp hành theo kiểu qua loa, đại khái khi bị lực lượng CSGT yêu cầu đo nồng độ cồn.
Vừa qua, trong lúc đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe trên quốc lộ 25, lực lượng chức năng đã rất vất vả khi gặp một tài xế đã lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Khi được yêu cầu dừng xe và thổi vào ống thổi kiểm tra nồng độ cồn, tài xế này không chấp hành mà còn to tiếng với lực lượng chức năng.
Cũng có nhiều trường hợp khi bị lực lượng CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra thì không xuất trình giấy tờ, quay lại “chất vấn” lực lượng làm nhiệm vụ. Mặc dù đã được giải thích rõ ràng, nhưng họ vẫn cố tình tranh cãi với CSGT. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi có sự hiếu kỳ của người dân, số người tham gia, quay clip ngày càng đông, rồi tung lên các trang mạng xã hội, dù đúng sai chưa được kiểm chứng. Việc này làm mất an ninh trật tự tại địa phương, gây dư luận trái chiều, tạo hình ảnh xấu về lực lượng CSGT.
Như trong đợt ra quân cao điểm tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ vào tháng 5 vừa qua, Trạm CSGT Tuy An đã rất khó khăn khi gặp các đối tượng gây rối. Khi CSGT chặn một xe khách đường dài, phụ xe đã dùng lời lẽ xúc phạm các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Các đối tượng này cũng tổ chức quay phim, đưa ống kính điện thoại vào sát mặt lực lượng chức năng để kích động, nhằm tạo sự giằng co. Gần 30 phút tranh luận, dù lực lượng làm nhiệm vụ đã nêu những quy định, điều khoản cụ thể, nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác. Sau khi kiểm tra xong, dù xe khách đã di chuyển nhưng các đối tượng này vẫn ở lại vị trí lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ để gây rối.
Tỉnh táo, kiên quyết xử lý nghiêm
Những năm gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung và chống lực lượng CSGT nói riêng diễn biến phức tạp; số vụ, tính chất ngày càng nghiêm trọng, manh động và liều lĩnh, coi thường pháp luật. Các hành vi chống CSGT phổ biến như có lời nói đe dọa, vu khống, xúc phạm, lăng mạ CSGT; tụ tập, kích động người khác gây cản trở giao thông... Điều đáng nói là hành vi này ngày càng tinh vi, tranh thủ những “kẽ hở” của pháp luật.
Chính vì thế, khi thực hiện nhiệm vụ, CSGT không chỉ phải có nghiệp vụ giỏi, tư thế, tác phong đúng mực, kỹ năng xử lý tình huống đúng pháp luật mà còn phải ứng xử có văn hóa khi tiếp xúc với nhân dân. Việc dừng phương tiện, kiểm tra, xử lý phải đảm bảo đúng quy trình; quy định của pháp luật. Mỗi cán bộ chiến sĩ khi tiếp xúc với người vi phạm đều phải có tâm lý vững vàng, tránh sự kích động.
Tìm hiểu về các vụ việc chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực giao thông thời gian qua cho thấy, đối tượng vi phạm đều thiếu ý thức khi tham gia giao thông, đặc biệt là các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Để tránh tình trạng người vi phạm chống đối lực lượng chức năng, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức để người dân nắm bắt cụ thể Luật Giao thông đường bộ luôn được cán bộ CSGT đặt lên hàng đầu. Đây được xem là một “liều thuốc đặc trị” nhằm hạn chế việc tranh cãi về vi phạm pháp luật giao thông, dẫn đến các hành vi vi phạm khác…
Theo trung tá Võ Hùng Tường, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh, hiện nay, khi tuần tra trên đường, lực lượng CSGT đã sử dụng thiết bị kết nối công nghệ thông tin như camera giám sát để ghi lại quá trình làm nhiệm vụ. Việc này vừa kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, chiến sĩ, vừa ghi lại hình ảnh chống đối của người vi phạm để tuyên truyền lên án hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định. Khi các đối tượng vẫn có thái độ chống đối, để tránh diễn tiến vụ việc theo chiều hướng tiêu cực, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại khu vực, lực lượng làm nhiệm vụ buộc phải mời người vi phạm về trụ sở để làm việc và xử lý theo quy định.
Trung tá PHAN NGỌC LÂM
(Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh)