Cầu Sông Con trên quốc lộ 25 đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua lại, Sở GT-VT thông báo tạm thời hạn chế tải trọng, phân luồng giao thông đối với các phương tiện qua lại.
Nhiều bất tiện, tăng chi phí
Từ cuối tháng 4/2022, sau khi phát hiện những hư hỏng, rạn nứt bất thường trên cầu Sông Con, Sở GT-VT đã xin ý kiến Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc hạn chế tải trọng và phân luồng giao thông qua cầu Sông Con.
Theo đó, Sở GT-VT đã cắm biển báo hiệu cầu yếu, phân cự ly tối thiểu giữa hai xe, hạn chế tốc độ, tải trọng xe qua cầu… Với những phương tiện không được phép qua cầu Sông Con, Sở GT-VT hướng dẫn đi đường vòng theo các tuyến khác. Việc xe tải chở hàng hóa phải đi đường vòng đã gây rất nhiều bất tiện và tăng chi phí vận chuyển cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đông, tài xế lái xe ở tỉnh Gia Lai cho biết: Hàng tuần, tôi thường chở nhiều chuyến hàng từ Phú Túc, Gia Lai xuống Tuy Hòa. Trước đây, tôi di chuyển theo tuyến quốc lộ 25 thì chỉ mất gần 86km, đường đi thuận tiện. Từ ngày cầu Sông Con hạn chế tải trọng xe, tôi buộc phải đi vòng theo quốc lộ 19C, quãng đường dài thêm khoảng 20km. Thêm vào đó, đoạn đường này lại quanh co, đèo dốc, đi lại khó khăn. Trong thời điểm xăng dầu liên tục tăng giá, việc phải đi đường vòng khiến chi phí tăng cao.
Tương tự, trước đây, anh Phạm Duy Phương chạy xe tải chở hàng từ TP Tuy Hòa đi huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai theo quốc lộ 25 mất khoảng 4 giờ. Còn nay, để tránh qua cầu Sông Con, anh Phương phải chạy theo tuyến quốc lộ 29, xa hơn 15km so với quãng đường thường đi. “Việc đội thêm vài chục cây số cho mỗi chuyến hàng sẽ khiến doanh nghiệp thêm phần chật vật. Tôi rất mong Nhà nước sớm tu sửa cầu Sông Con để việc đi lại thuận tiện và đỡ tốn chi phí hơn”, anh Phương bày tỏ.
Đề xuất sửa chữa
Theo Sở GT-VT, cầu Sông Con dài 141m, rộng 9,8m, gồm 7 nhịp; mỗi nhịp 7 dầm bê tông cốt thép; nhịp 18m có 7 dầm ngang; nhịp 21m có 8 dầm ngang; được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2000. Qua kiểm tra, tất cả dầm chủ nhịp 3, 4, 5 (nhịp 21m) đều có các vết nứt ngang trên sườn dầm chủ, vết nứt có chiều dài từ 0,8-1m; chiều rộng từ 0,05-0,2mm. Số lượng vết nứt càng về giữa dầm càng nhiều. Các nhịp dài 18m gồm nhịp 1, 2 và nhịp 6, 7 cũng xuất hiện vết nứt. Mối nối giữa các dầm ngang bị bong, vỡ bê tông, hư hỏng và lộ bản thép nối tại nhiều vị trí. Việc hư hỏng dầm ngang dẫn đến dầm chủ hoạt động độc lập, gây nứt dọc mối nối giữa các dầm chủ trên bản mặt cầu và làm suy giảm khả năng chịu tải của kết cấu nhịp. Mặt cầu bê tông nhựa bị nứt dọc với tổng chiều dài khoảng 32m; nhiều chỗ bị bào mòn, hư hỏng, hằn lún vệt bánh xe…
Ông Huỳnh Gia Hoàng, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Cầu Sông Con thuộc quốc lộ 25. Đây là tuyến giao thông quan trọng từ Phú Yên lên Gia Lai, cũng là tuyến đường vận chuyển hàng hóa, nông sản chính của người dân. Tuy nhiên, qua 22 năm đưa vào sử dụng, đến nay, cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Kết quả kiểm tra cho thấy, các hư hỏng của cầu làm giảm khả năng chịu tải của cầu; ảnh hưởng đến an toàn công trình, làm suy giảm tuổi thọ cầu và mất an toàn giao thông. Sở GT-VT đã giao Thanh tra GT-VT bố trí lực lượng ứng trực, điều tiết giao thông, tổ chức phân luồng và kiểm soát tải trọng xe qua cầu. Các đơn vị quản lý bố trí nhân sự theo dõi diễn biến hư hỏng cầu để kịp thời xử lý, đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua khu vực này.
Sở GT-VT cũng đã có văn bản báo cáo và Bộ GT-VT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, rà soát; trên cơ sở cân đối kinh phí sự nghiệp kinh tế đường bộ, báo cáo Bộ GT-VT cho phép đầu tư sửa chữa cầu Sông Con trong kế hoạch bảo trì hàng năm theo quy định. Hiện Sở GT-VT triển khai các trình tự thủ tục lựa chọn đơn vị kiểm định; đề xuất giải pháp sửa chữa, khắc phục khẩn cấp để đảm bảo lưu thông trên tuyến đường này thuận lợi hơn.
Cầu Sông Con thuộc quốc lộ 25. Đây là tuyến giao thông quan trọng từ Phú Yên lên Gia Lai, cũng là tuyến đường vận chuyển hàng hóa, nông sản chính của người dân. Tuy nhiên, qua 22 năm đưa vào sử dụng, đến nay, cầu đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Huỳnh Gia Hoàng, Phó Giám đốc Sở GT-VT |
NGÔ XUÂN