Việc dựng rạp đám cưới, đám ma ngay trên vỉa hè, lòng đường đã không còn là hình ảnh xa lạ trên nhiều tuyến đường từ thành thị đến nông thôn ở Phú Yên. Tuy điều này vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ nhưng cơ quan chức năng cho rằng khó xử lý vì... nhạy cảm.
Lâu nay, trên những ngõ nhỏ, phố lớn, thậm chí ở quốc lộ, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân dựng rạp hiếu, hỉ trên vỉa hè, lòng đường. Hàng chục, hàng trăm người ung dung ăn uống, trò chuyện, chỉ cách dòng xe đang lưu thông một lớp khung rèm mỏng.
Mất an toàn giao thông
Giữa tháng 4 vừa qua, trên đường Nguyễn Tất Thành, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, nhiều người đi đường ngán ngẩm vì phải né rạp đám cưới dựng tràn ra lòng đường. Anh Nguyễn Văn Tiến, một người đi đường cho biết: Đường đã chật, xe đông đúc nhưng gia đình này lại dựng rạp cưới kéo dài mấy chục mét dọc theo tuyến đường. Xe qua lại đều phải né tránh, chạy qua làn bên trái rất nguy hiểm; trong khi đó, những tiếng hô vang nâng chén bên trong rạp vẫn vang lên liên hồi.
Không chỉ chiếm dụng một phần lòng đường mà vừa qua, một gia đình tại phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) còn chiếm dụng cả một đoạn đường để dựng rạp cưới. Anh Trần Thanh ở huyện Đông Hòa, cho biết: Tối đó theo thói quen, tôi đi làm về chạy qua đường này, không ngờ đến giữa đường thì... bít lối vì rạp cưới. Tôi phải chạy xe luồn qua rạp để đi. Biết việc cưới hỏi là quan trọng, nhưng thiết nghĩ khi dựng rạp, tổ chức hay bố trí âm thanh, người dân cũng cần có ý thức chứ không nên chỉ vì chuyện riêng của gia đình mà ảnh hưởng đến cộng đồng.
Không chỉ tại TP Tuy Hòa mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để dựng rạp cũng diễn ra khá phổ biến. Lý giải cho hành động này, nhiều người cho rằng việc dựng rạp đám ma, đám cưới ra đường là chuyện “cực chẳng đã”, bởi không phải gia đình nào cũng có tiền thuê hội trường, khách sạn, nhà hàng. Chính tâm lý trên đã dẫn đến hàng loạt va chạm giao thông trong thời gian qua khiến khách mời “vừa ăn vừa run”.
Chị Nguyễn Thùy Trang ở huyện Sông Hinh, chia sẻ: Hôm rồi tôi dự đám cưới của bạn ở thị trấn Hai Riêng. Cả rạp cưới to đùng trước nhà cô dâu, chắn ngang phần vỉa hè rộng, sau đó còn “ăn” xuống đường khoảng 1m, xe đi lại ngay sát bên lưng khiến ai nấy ngồi ăn không yên.
Tuyên truyền, nhắc nhở là chính
Biết nguy hiểm cho khách mời và người thân, nhưng những gia đình tổ chức tiệc cưới dưới lòng, lề đường vẫn cố tình làm lơ. Ông N.V.Q, người vừa dựng rạp cưới cho con trai ở TP Tuy Hòa nói: “Tới ngày tổ chức tiệc cưới cho con nhưng thời gian gấp, không tìm được nhà hàng nên gia đình tôi mới phải làm ở nhà. Nhưng nhà ở phố, làm gì có sân vườn nên đành phải dựng tạm rạp trên vỉa hè và lấn xuống dưới đường. Sau khi tổ chức tiệc một ngày, chúng tôi dọn dẹp trả lại mặt bằng ngay”.
Theo thượng tá Ngô Văn Ương, Phó Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, việc tự ý dựng rạp phục vụ hiếu, hỉ của gia đình dưới lòng đường trên toàn bộ hè phố là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông, bởi đa phần các rạp đều không có cảnh báo, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ thiếu chú ý quan sát, không bảo đảm tốc độ, không xử lý kịp thời là có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. Hành vi dựng rạp trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ sẽ bị phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức.
Quy định đã có, tuy nhiên theo các lực lượng chức năng, việc giải quyết tình trạng trên đang ở thế khó, bởi hiếu, hỉ là vấn đề... nhạy cảm. Hiện chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng vẫn đang áp dụng biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở để thay đổi tư duy của người dân.
Theo ông Võ Ngọc Kha, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, địa phương đang nỗ lực thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trong đó có việc không tổ chức tiệc ở những nơi công cộng, vỉa hè, lòng đường.
“Dẫu biết gia đình nào cũng có việc và không phải ai cũng có điều kiện thuê nhà hàng, khách sạn để tổ chức, tuy nhiên, chúng ta cần phải tôn trọng cuộc sống của những người xung quanh. Trước mắt, thành phố chỉ đạo các xã, phường tăng cường vận động người dân không lấn đường. Lâu dài, địa phương sẽ có biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm”, ông Kha nói.
Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Theo đó, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Muốn tổ chức các hoạt động khác trên đường phố như: hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ thì phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông theo quy định pháp luật. Đối với các trường hợp cá nhân, gia đình có đám ma, đám cưới thì chỉ được sử dụng tạm thời một phần hè phố theo quy định.
Thượng tá Ngô Văn Ương, Phó Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh |
HƯỚNG DƯƠNG